Đền Xẻo Kè. Ảnh: tuoitre.vn
Cụ thể, về “địa chỉ đỏ”, theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các quy định hiện hành không có hướng dẫn, quy định về công nhận “địa chỉ đỏ”.
Về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, cũng theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, phải có một trong các tiêu chí sau: “Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu…của địa phương; Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử; Công trình kiến trúc, nghệ thuật…có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật”.
Nhưng Đền Xẻo Kè được tổ phụ họ Đào tạo lập và tự quản trên chính phần đất gia tộc nên nguồn gốc hình thành ngôi Đền không có yếu tố liên quan đến thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có sự ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương qua các thời kỳ lịch sử. Việc sinh hoạt tín ngưỡng của ngôi Đền chỉ diễn ra trong phạm vi, không gian hẹp (mang tính chất dòng họ, tư gia) nên không có các yếu tố văn hóa mang tính cộng đồng.
Căn cứ vào các tư liệu trước đây, Đền (hoặc miếu) Xẻo Kè trước năm 1945 do gia đình ông chủ Quyện (Đào Văn Quyện) xây dựng bằng vật liệu xi măng, mái lợp ngói, vách xây tường, diện tích khoảng 3-6m2, chủ yếu thờ Thần Nông. Sau năm 1945, gia đình ông chủ Quyện dỡ bỏ miếu thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Năm 1954, gia đình ông Đào Văn Quyện một số đi tập kết, số còn lại tham gia kháng chiến chống Mỹ, khu đất miếu Xẻo Kè bị bỏ hoang, không người canh tác. Đến năm 1968, đại úy Tân, thuộc tiểu đoàn 807 (quân đội chế độ cũ - PV) xây lại miếu bằng gỗ, không vách, diện tích khoảng 3-6m2để nông dân cúng Thần Nông. Đến năm 1992, ông Đào Văn Tần (con ông Quyện) xây dựng Đền Xẻo Kè ngay trên nền cũ, diện tích khoảng 50m2 để làm nơi thờ cúng của dòng tộc như hiện nay.
Cũng theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cần Thơ, đến nay chưa tìm thấy được thông tin chứng minh Đền Xẻo Kè là cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng, cất giấu tài liệu, vũ khí phục vụ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Về yếu tố kiến trúc nghệ thuật, do công trình xây dựng với kiến trúc đơn giản, vật liệu bằng bê tông, không có yếu tố về giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cho các giai đoạn phát triển về kiến trúc nghệ thuật của địa phương.
Từ những yếu tố trên, theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cần Thơ, Đền Xẻo Kè không đủ tiêu chí làm cơ sở nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.