Theo đánh giá của UBND tỉnh, lĩnh vực du lịch trong thời gian qua có bước phát triển khá, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Bạc Liêu. Ngoài ra, hoạt động du lịch còn góp phần thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh quê hương Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải) nằm trong các dự án du lịch đang được tỉnh kêu gọi đầu tư. Ảnh: H.T
Tuy nhiên, du lịch tỉnh nhà cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như: lượng khách đông nhưng doanh thu chưa cao, thiếu dịch vụ mới và chất lượng, công tác thu hút đầu tư chưa hiệu quả, hệ thống sản phẩm du lịch không có nhiều khác biệt với các địa phương trong vùng… làm cho tốc độ phát triển ngành “công nghiệp không khói” chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Bạc Liêu.
Để tháo gỡ những khó khăn và đẩy mạnh phát triển du lịch, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới là tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng và thương hiệu. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nội hàm của 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có trụ cột du lịch. Mục đích của kế hoạch này là làm rõ hơn đường hướng phát triển du lịch, huy động sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương và xã hội để đầu tư và phát triển mạnh mẽ ngành “công nghiệp không khói”.
Theo đó, tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án du lịch lớn như: khu du lịch Nhà Mát, khu du lịch sinh thái và khu đô thị mới - Tập đoàn FLC, khu văn hóa đa năng ngoài công lập - Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu… Đồng thời, tập trung kêu gọi đầu tư cho các dự án động lực như: bến tàu du lịch Bạc Liêu - Côn Đảo, khu cảnh quan nhân tạo trên biển Bạc Liêu, điểm du lịch - dịch vụ nhà thờ Tắc Sậy, vườn chim Lập Điền.
Sắp tới, tỉnh quyết tâm tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa - Du lịch kết hợp với kỷ niệm 100 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” và 100 năm xây dựng nhà Công tử Bạc Liêu, Festival các miền di sản văn hóa phi vật thể; tranh thủ đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao cấp khu vực, quốc gia và quốc tế để tăng cường thu hút du khách đến với Bạc Liêu, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu du lịch.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của 9 điểm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận. Trong đó, chú trọng hợp tác với doanh nghiệp lữ hành ở các thị trường lớn để kết nối tua tuyến du lịch với khu vực và cả nước; nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao, có khả năng thu hút du khách. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tham gia làm du lịch, nhất là đầu tư mới cơ sở lưu trú, nâng cấp hệ thống khách sạn theo hướng đạt chuẩn cao cấp, xây dựng các trung tâm mua sắm - giải trí, phố đi bộ gắn với phát triển các loại hình dịch vụ về đêm nhằm giữ chân du khách.
Du lịch Bạc Liêu trong thời gian còn lại của năm 2019 và chặng đường sắp tới vẫn còn nhiều việc phải làm. Song điều quan trọng nhất, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tận dung tối đa điều kiện thuận lợi và nắm bắt kịp thời những cơ hội để bứt phá.
Nếu triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đề ra, du lịch Bạc Liêu trong tương lai gần sẽ hình thành được hệ thống sản phẩm có bản sắc riêng và khả năng cạnh tranh cao. Khi đó, du lịch tỉnh sẽ phát triển xứng tầm và thừa sức thực hiện được mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của ĐBSCL.