Huyện Mỏ Cày Nam đang triển khai vận động nông dân chuyển đổi canh tác dừa theo hướng hữu cơ. Ảnh: Thanh Đồng
Công tác chuẩn bị
Theo Ban tổ chức, so với 4 mùa lễ hội trước, lễ hội năm nay có nhiều điểm mới, hướng đến khai thác tiềm năng, thế mạnh, cũng như các giá trị tài nguyên bản địa độc đáo của tỉnh. Điển hình như cuộc thi vườn dừa kiểu mẫu, tour du lịch vườn dừa, phố đi bộ “Vui hội xứ Dừa”… Các hoạt động hội thảo khoa học cũng tập trung vào phát triển chuỗi giá trị cây dừa, trải nghiệm du lịch vườn dừa kiểu mẫu, xây dựng phát triển nhãn hiệu các sản phẩm dừa…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị cho công tác tuyển chọn vườn dừa kiểu mẫu, vườn dừa phục vụ khách du lịch, tham quan. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ chọn từ 30 - 35 nông dân tại các huyện trên địa bàn tỉnh có vườn dừa đạt tiêu chí vườn dừa kiểu mẫu, 5 - 10 nông dân có vườn dừa đạt tiêu chí vườn dừa phục vụ khách du lịch. Đối với vườn dừa phục vụ khách du lịch, ngoài các tiêu chí về kỹ thuật, mỹ quan, chủ vườn được yêu cầu phải là người có khả năng truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng hợp tác với truyền thông để thực hiện quảng bá dừa Bến Tre. Các huyện, thành phố đều được giao số lượng cụ thể để tuyển chọn, dự kiến khoảng 80 hộ. Sau khi hoàn thành ở cấp huyện, từ tháng 8-2019, Ban tổ chức sẽ lập đoàn đi thực tế để thẩm định các vườn được đề xuất bình tuyển.
Sở Công Thương cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức triển lãm sản phẩm dừa và hội chợ thương mại năm 2019; Hội thi Sáng tạo ngành dừa, tuyển chọn sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, tôn vinh doanh nghiệp (DN), doanh nhân tiêu biểu ngành dừa và đã tổ chức lễ phát động hội thi đúng tiến độ. Dự báo sẽ có nhiều sản phẩm sáng tạo, độc đáo từ dừa tại mùa lễ hội tới đây.
Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội sẽ tuyển chọn, tôn vinh những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu; những DN, doanh nhân tiêu biểu trong ngành dừa; người trồng dừa xuất sắc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm biểu dương, tri ân những tập thể, cá nhân-- điển hình trong ngành dừa đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch liên hoan ẩm thực dừa Nam Bộ; kế hoạch hội thảo “Trải nghiệm du lịch vườn dừa Bến Tre”; kế hoạch hoạt động tại khu phố đi bộ “Vui hội xứ Dừa”; kế hoạch tuyên truyền cổ động trực quan, trang trí mỹ thuật, quảng bá LHD trong chuỗi hoạt động “Tuần lễ văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tham quan du lịch” trong khuôn khổ LHD theo tiến độ. Đặc biệt, Sở Xây dựng đã đánh giá, chọn lựa nhà đầu tư thực hiện hạng mục Không gian dừa (KGD).
Sở Khoa học và Công nghệ đã kết nối với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện kế hoạch hội thảo “Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đang chuẩn bị nội dung tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch “Cộng đồng vui hội làng dừa” gắn với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11)...
Đặc sắc không gian dừa
KGD được xem là một trong những điểm nhấn của LHD lần này. KGD được tổ chức, sắp đặt mang đậm chất dân gian xứ Dừa bằng hình ảnh cây dừa Bến Tre, con người Bến Tre và khát vọng vươn lên của bao thế hệ người Bến Tre từ xưa đến nay. Đại diện Sở Xây dựng cho biết, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và sản xuất thương mại Kiến Phát đã được chọn thực hiện hạng mục KGD.
Hội đồng cơ bản ghi nhận nội dung đề xuất hỗ trợ tài chính của nhà đầu tư cụ thể: nhà đầu tư cam kết đầu tư hạng mục KGD với tổng kinh phí dự kiến tối thiểu 3,5 tỷ đồng (trong đó đề xuất được tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục có thể lưu giữ lại tại KGD) và được miễn tiền nộp ngân sách nhà nước về việc hợp đồng quản lý sử dụng KGD tại khu công viên Cái Cối trong 3 năm rưỡi tiếp theo, sau thời điểm diễn ra LHD.
Trình diễn nghề làm thủ công mỹ nghệ từ dừa. Ảnh: Cẩm trúc
Vị trí KGD được đặt tại công viên Cái Cối thuộc xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre, trên diện tích khu đất 11.670m2, chiều dài nhất khoảng 400m, chiều ngang từ 10 - 45m. KGD năm 2019 có chủ đề “Xứ Dừa trên đường hội nhập và phát triển”, chủ đề này có tính tiếp nối với chủ đề những Con đường dừa được tổ chức trước đó. Như Con đường dừa lần 3 - năm 2012 chủ đề “Cây dừa trong đời sống người dân Bến Tre” và Con đường dừa lần 4 - năm 2015 “Xứ Dừa xưa và nay”. KGD năm 2019 sẽ tiếp tục trưng bày giới thiệu những nét đặc trưng về tinh hoa văn hóa xứ Dừa. Qua đó, quảng bá Bến Tre qua hình ảnh cây dừa; giới thiệu cho người tham quan hiểu biết sâu hơn về văn hóa dừa Bến Tre; đồng thời tôn vinh giá trị cây dừa, người sản xuất và sản phẩm từ dừa.
Trong hai phương án được Sở Xây dựng đề xuất, phương án 2 đã được chọn. Phương án này được thiết kế gồm ba khu vực chính: Không gian trung tâm “Dừa kết trái”; không gian “Quê hương xứ Dừa”; không gian “Xứ Dừa hội nhập”. Mỗi không gian được thiết kế với hình thức bắt mắt, sinh động, trong đó điểm nhấn là biểu tượng trung tâm tái hiện hình ảnh những con rối nước làm bằng chất liệu dừa để nhân cách hóa trái dừa hân hoan vui lễ hội.
Hội đồng đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư mong muốn nhà đầu tư thực hiện đúng mục tiêu Đề án LHD là trang trí tạo không gian dừa với những chất liệu bằng dừa. Bố trí các tiểu cảnh hài hòa, ấn tượng, có tính nghệ thuật cao, mang đậm chất dân gian xứ Dừa. Tổ chức triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật gắn với nghệ thuật sắp đặt tạo điểm nhấn ấn tượng con đường dừa.
Ông Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T: Chuẩn bị cho LHD, công ty sẽ ra mắt tour du lịch trải nghiệm vườn dừa ở Bến Tre, kết hợp với trải nghiệm du lịch trên dòng sông Thom - chợ dừa nổi tiếng khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long: Công ty có ý tưởng sẽ cho ra mắt bộ sản phẩm độc đáo nhất được thiết kế từ loại giấy dừa thấm dầu cao cấp để tạo ấn tượng tại LHD lần V năm 2019. |