Khi nông dân làm du lịch

Chủ nhật, 16 Tháng 6 2019 10:03 (GMT+7)
Xã Khánh An và Nguyễn Phích, huyện U Minh có nhiều khu du lịch mới hình thành. Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Trần Quốc Sự cho biết, mục tiêu của việc xây dựng cộng đồng làm du lịch là nhằm bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống. Từ các sản vật của địa phương sẽ làm ra các sản phẩm đặc trưng nhằm phục vụ du khách.

Hiện trên địa bàn xã Nguyễn Phích có 3 điểm tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng là: HTX Trang Trại Xanh, HTX Lâm nghiệp 19/5 và vườn dâu Cái Tàu... Thời gian qua, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Nguyễn Phích vẫn còn tự phát, chưa có sự liên kết. 

Du khách thưởng thức cây ăn trái tại khu du lịch Tư Nhiệm (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).

Ông Trần Quốc Sự phân tích: “Ở xã Nguyễn Phích có vài vườn dâu, khi tới mùa họ sẽ mở dịch vụ tự phát cho khách tham quan vào ăn dâu, chụp hình… rồi thu vé. Riêng HTX 19/5 thì có rừng, gác kèo ong thì sẽ cho khách tham quan rừng, bắt cá đồng… Tuy nhiên, về tổ chức thì các hộ dân chưa bắt tay đồng lòng cùng nhau để làm du lịch”.

Ông Trần Thanh Liêm (Ba Liêm), Ấp 10, xã Nguyễn Phích luôn luôn tâm huyết về lợi thế du lịch ở nơi đây. Năm nay ông đã 70 tuổi nhưng vẫn tìm tòi, học hỏi cách làm du lịch cộng đồng, làm sao phát huy lợi thế ở U Minh. 

Với 7 ha đất sản xuất, vợ chồng ông Ba Liêm cải tạo đất 4 ha làm du lịch cộng đồng, còn lại giữ đất trồng tràm. Điểm nhấn khu du lịch này là cây ăn trái. 

Chính vườn cây ăn trái của ông Ba Liêm đã tạo cảm hứng cho bà con lân cận. Giờ dọc theo tuyến đường chính của xã Nguyễn Phích có rất nhiều vườn cây ăn trái, chủ yếu là cam, quýt, mít, bưởi... Hơn 1 năm xây dựng, HTX Trang Trại Xanh mà ông Ba Liêm sáng lập đã ra mắt với 28 thành viên.

Điều ông Ba Liêm mong muốn bây giờ là phải xây dựng làm sao cho bà con có thể làm giàu trên phần đất, phần rừng mà Nhà nước đã giao cho mình. Làm thế nào để đồng đất này trồng cây ăn trái lâu năm được, trồng màu ngắn hạn được, nuôi cá được, trữ được nước ngọt. Muốn được như vậy thì các thành viên trong HTX Trang Trại Xanh phải liên kết với nhau tạo ra vùng sinh thái đa dạng và bền vững.

Theo quy hoạch phát triển của xã Nguyễn Phích thì điểm du lịch dưới tán rừng, khai thác cá đồng HTX 19/5, thuộc Ấp 20, với tổng diện tích 500 ha, trong đó dành riêng 30 ha làm du lịch. Lợi thế của HTX là trồng rừng, khai thác lâm sản.

 Giám đốc HTX Lâm nghiệp 19/5 Nguyễn Văn Vững cho biết, HTX trước cũng làm du lịch khoảng 2, 3 năm với Công ty Cổ phần du lịch Minh Hải, tuy nhiên, khó khăn về hạ tầng nên hoạt động không hiệu quả.

 

Du khách rất thích thú vào rừng trải nghiệm các dịch vụ du lịch.

HTX 19/5 chưa có sự đầu tư bài bản và vốn là điều mà 40 xã viên luôn trăn trở. Nếu nói tiềm năng của HTX 19/5 phải nói đến hệ sinh thái rừng. Đến đây, khách du lịch có thể vào rừng xem ong mật, lấy ong mật; Dưới tán rừng là cá đồng, du khách tự tay dỡ lọp, giăng lưới, nướng cá… Phương tiện di chuyển vào rừng bằng xuồng máy cho du khách chiêm ngưỡng được vẻ đẹp nguyên sinh của hệ sinh thái rừng ngập ngọt. Cũng theo ông Vững, nếu như quy hoạch của xã hợp lý thì khu bảo tồn khoảng 30 ha có thể gác kèo ong.

Anh Quách Văn Thưa (xã viên HTX Lâm nghiệp 19/5) trăn trở, lúc trước có làm du lịch nhưng không thuận lợi lắm, đường lộ thì không thuận tiện, phải thuê đò bao mới vào khu du lịch được. Bản thân anh Thưa là người đam mê du lịch sinh thái cộng đồng, dù là xã viên nhưng anh luôn ấp ủ ý tưởng để làm, anh muốn hình thành ở HTX khu vườn sinh thái, trồng cây ăn trái, sau khi trải nghiệm các dịch vụ của HTX 19/5 sẽ cho du khách điểm dừng dân nghỉ mát...

Từ điều kiện về tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, du lịch cộng đồng ở U Minh nói riêng bước đầu phát triển, chiếm được tình cảm của du khách. Vì vậy, cần được quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước./.

Minh Nhật - (baocamau.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn