Tắm suối mùa mưa
Nhắc đến Tri Tôn là nhắc đến những di tích lịch sử gắn liền với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, với những chiến công oai hùng, mãi trường tồn với thời gian. Nhắc đến Tri Tôn là nhắc đến những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Hơn hết, khi nhắc đến Tri Tôn là nhắc đến những địa điểm du lịch làm say đắm giới trẻ, với nhiều địa điểm “check in” nổi tiếng như: đồi Tà Pạ, đồi Tức Dụp, hồ Soài So, hồ Soài Chek… và gần đây nhất là suối Ô Đá (thị trấn Ba Chúc).
Suối Ô Đá, địa điểm du lịch mới nổi gần đây
Dù chưa được khai thác để phát triển du lịch, nhưng thời gian qua, suối Ô Đá đã thu hút rất đông du khách đến tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Đối với những người thích đi “phượt” đây thật sự là điểm đến lý tưởng. Suối Ô Đá mang vẻ đẹp hoang sơ, giản dị nhưng ẩn chứa sức hút kỳ lạ đối với du khách mỗi lần ghé qua. Đến đây, bạn sẽ được thả mình trong không gian yên tĩnh của núi rừng; hòa mình vào làn nước trong mát, lắng nghe những âm thanh “rì rào” của dòng suối, hay âm thanh của núi rừng… Bạn Lê Thị Mỹ Ngọc (du khách đến từ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mình đã được nghe giới thiệu về suối Ô Đá cách đây gần 1 năm, đến hôm nay mới có dịp mục sở thị. Đúng là được đi "phượt" cùng bạn bè, ngắm nhìn cảnh núi rừng, đắm mình vào thiên nhiên, hòa mình vào dòng nước mát và trong lành ở đây thật sảng khoái. Lần sau, tôi sẽ rủ thêm nhiều bạn đến đây để tổ chức tham quan, cắm trại”.
Người dân địa phương cho biết, nguồn gốc hình thành cái tên này được ghép bởi 2 từ “Ô” và “Đá”. Trong đó “Ô” có nghĩa là suối. Ô Đá là tên gọi để chỉ con suối, chảy qua khe đá, ghềnh đá... Vào mùa khô, nơi đây chỉ là những vũng nước, trải dài khắp chân núi. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước từ đỉnh núi đổ xuống đã tạo thành những con suối len lỏi qua từng khe đá, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng độc đáo. Suối không sâu, một số nơi nước chảy khá yếu nên trẻ em tắm an toàn. Tuy nhiên, càng lên cao càng nguy hiểm do phải qua nhiều bụi cây, rất dễ bị các loại côn trùng cắn nên du khách phải cẩn thận.
Đường lên suối Ô Đá khá khó khăn nên du khách phái cẩn thận
Thưởng thức đặc sản núi rừng
Suối Ô Đá đẹp nhất vào mùa mưa, thời gian thích hợp nhất để tham quan từ tháng 4 đến tháng 11 (âm lịch). Ngoài được thả mình trong không gian yên tĩnh của núi rừng, được hít thở bầu không khí trong lành, mát lạnh, du khách còn được thưởng thức những món “đặc sản” là cua núi và ốc núi- một trong những món ăn nổi tiếng của vùng Bảy Núi.
Mùa mưa, cua núi ở đây rất nhiều. Muốn bắt cua núi phải đi từ sáng sớm hoặc tối. Ban ngày, cua núi sẽ chui sâu vào bên trong các hang đá nên rất khó bắt. Chúng thường sống trong các hốc đá, khe đá ven suối. Cua núi nhỏ như cua đồng nhưng màu sắc lòe loẹt, rất hung dữ và nhanh nhẹn. Người ta thường bắt cua núi bằng tay, cách làm này mặc dù nguy hiểm nhưng hiệu quả cao. Nếu không muốn “băng rừng, lội suối” vào ban đêm, vẫn có thể bắt cua núi vào ban ngày. Để dụ cua ra khỏi hang, người ta bỏ con mắm vào một chiếc khăn rồi đập ra. Sau đó, bỏ chiếc khăn nơi đầu ngọn suối để mùi mắm trôi theo dòng nước. Ngửi thấy mùi mắm, con cua sẽ chui ra khỏi hang để tìm thức ăn. Lúc này, chỉ cần dùng tay là có thể bắt được cua núi để thưởng thức món ăn đặc sản của núi rừng.
Nhiều du khách ý thức kém xả rác khắp nơi
Theo chị Ngọt (nhà ở ngay đường lên suối Ô Đá), cua núi có thể chế biến nhiều món ăn như: luộc, rang me, rang muối… Cua núi thịt chắc, ngọt hơn cua đồng. Đặc biệt, ăn nhiều không bị “say” như cua đồng, nên được coi như món đặc sản của vùng núi rừng. Để thưởng thức được món ăn này, phải liên hệ trước. Giá tùy theo thời điểm, khoảng 250.000-300.000 đồng/kg.
Suối Ô Đá không chỉ là địa điểm du lịch, mà còn là nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của bà con khu vực chân núi trong những tháng mùa mưa. Tuy nhiên hiện nay, nhiều du khách có ý thức chưa cao nên sau khi tham quan, trải nghiệm đã xả rác xuống lòng suối hay bờ suối nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh cũng như cuộc sống người dân. Để suối Ô Đá thật sự là điểm du lịch hấp dẫn, không bị tình trạng “sớm nở, tối tàn”, rất cần sự chung tay của du khách trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.