Cần “cú hích” cho hoạt động du lịch

Thứ hai, 01 Tháng 7 2019 10:31 (GMT+7)
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng hoạt động du lịch tại An Giang đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Trong đó, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng như việc nâng cao tính liên kết trong phát triển dịch vụ du lịch đang là nhu cầu cấp thiết để có thể giữ chân du khách ở lại lâu hơn.

Với phong cảnh núi non, sông nước hữu tình cùng nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nên những điểm nhấn quan trọng đưa An Giang trở thành điểm đến lý tưởng của cả vùng ĐBSCL. Du khách từ khắp mọi miền đất nước đến với An Giang để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, trữ tình và đắm chìm trong những huyền thoại linh thiêng, tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em đã chung sống hòa thuận bao đời. Bên cạnh đó, tỉnh còn có những lễ hội cấp quốc gia, những cánh rừng sinh thái đa dạng sinh học và rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử. Tất cả đã tạo cho An Giang một vị trí đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc cho du khách khi đến với vùng đất khởi nguồn của 9 nhánh sông ra biển.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, An Giang đã đón trên 8,5 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt hơn 4.800 tỷ đồng trong năm 2018. Đó là kết quả rất ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương. Thời gian qua, du lịch An Giang không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch kết hợp với việc tập trung đào tạo nhân lực, thay đổi phương pháp và đẩy mạnh liên kết, quảng bá hình ảnh đến với du khách trong, ngoài nước. Tuy nhiên, chi tiêu của du khách khi đến với các điểm du lịch trong tỉnh vẫn rất ít, chủ yếu là ăn uống và lưu trú, mà không tham gia vào các tour, tuyến du lịch đặc thù hay mua sắm các sản phẩm lưu niệm của địa phương.

Cần phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đặc sản địa phương

Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch trong tỉnh vẫn chưa thực sự chủ động trong việc phối hợp, tổ chức hoặc tham gia các sự kiện kết nối du lịch dẫn đến việc các tour, tuyến du lịch còn rất hạn chế. Đồng thời, hoạt động du lịch vẫn còn rất manh mún, theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên chưa phát huy được tính liên kết trong kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cần phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng tính liên kết giữa các đơn vị, địa phương. Song song đó, cần thiết kế các tour du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng để du khách có thể trải nghiệm các sản phẩm mới và tăng chi tiêu, qua đó nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân nhận định: “Hiện nay, du khách đến với Tịnh Biên chủ yếu là thưởng ngoạn phong cảnh núi Cấm, cúng viếng chùa hay thưởng thức một số món ăn đặc sản. Mục tiêu của huyện không dừng lại ở đó, chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vui chơi, giải trí, các điểm nghỉ dưỡng trên núi nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú lâu dài của du khách. Ngoài ra, ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thiết kế tour, tuyến kết nối những làng nghề đặc sản của địa phương như: đường thốt nốt An Phú, thổ cẩm Văn Giáo... Từ đó, tạo điều kiện để du khách có nhiều lựa chọn hơn thay vì đơn thuần là du lịch tâm linh hay thưởng ngoạn phong cảnh”.

Hiện nay, UBND huyện Tịnh Biên đang thực hiện nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 948 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của địa phương. Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông đóng vai trò là “mạch máu” quan trọng để phát triển các hoạt động du lịch. Do đó, huyện miền núi này đang nỗ lực nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của lượng du khách ngày càng đông đảo. Ngoài ra, Tịnh Biên cũng nỗ lực xây dựng nguồn nhân lực, phát triển các dịch vụ và hoạt động du lịch trên núi Cấm theo hướng bền vững, lâu dài.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2019 sẽ đón 8,2 triệu lượt khách đến các khu, điểm du lịch và khoảng 1 triệu lượt khách lưu trú (trong đó có 100.000 lượt khách quốc tế). Đồng thời, tổng doanh thu du lịch của tỉnh trong năm 2019 ước đạt 5.000 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành chuyên môn cần tăng cường hoạt động quảng bá du lịch, kết nối các tour, tuyến du lịch đặc thù. Qua đó, tạo nhiều sản phẩm du lịch mới cũng như mở rộng hoạt động lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa. Ngoài ra, cần tổ chức lồng ghép các chương trình lễ hội truyền thống và phát triển những loại hình văn hóa nghệ thuật của các dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer, kết hợp với các tour du lịch nhằm giới thiệu những nét văn hóa - lịch sử, nhân văn, các ngành nghề truyền thống, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và đặc trưng của địa phương để thu hút và giữ chân du khách…

Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và mang giá trị rất lớn về kinh tế. Do đó, chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, để mục tiêu này sớm thành hiện thực thì ngành chuyên môn và các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là việc đa dạng hóa sản phẩm, tạo điều kiện để du khách lưu trú lâu dài cũng như chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch tại địa phương.

THANH TIẾN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn