Với lợi thế hơn 100 cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình du lịch tâm linh. Riêng 3 xã cù lao giêng có 24 cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng như: nhà thờ cù lao Giêng, Tu viện chúa Quan phòng, Tu viện Phanxico, chùa Thành Hoa, chùa Phước Thành, nhà thờ Rạch Sâu… cùng với điều kiện thuận lợi là các vườn cây ăn trái, làng nghề thủ công truyền thống đã góp phần tạo nên các tour du lịch đa dạng và phong phú cho du khách lựa chọn. Huyện phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện bảo tồn, trùng tu sửa chữa đình, chùa ở các xã: Bình Phước Xuân, Nhơn Mỹ, Mỹ An, Kiến An, Hội An với tổng kinh phí 24,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa của địa phương.
UBND huyện Chợ Mới cho biết, du lịch huyện Chợ Mới phát triển theo hướng sinh thái cộng đồng, tâm linh. Ba loại hình ưu tiên được phát triển là: du lịch tâm linh, tín ngưỡng; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, sông nước. Huyện Chợ Mới đang phối hợp các doanh nghiệp, công ty du lịch tạo các tuyến liên kết trong vùng kết hợp với du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng. Quảng bá du lịch, tiềm năng hiện có của địa phương, thu hút khách tham quan vườn cây ăn trái, kết hợp du lịch dã ngoại. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch có chất lượng phục vụ du khách.
Nhà thờ cù lao Giêng
Chợ Mới là huyện cù lao, hệ thống sông ngòi chằng chịt, thuận lợi mở tuyến du lịch bằng đường sông, từ đó sẽ khai thác triệt để lợi thế của huyện. Đồng thời, kết hợp tuyến du lịch sinh thái tham quan vườn cây ăn trái với du lịch dã ngoại như: câu cá, tham quan bằng xuồng ba lá, tắc ráng, chế biến các món ăn dân dã kết hợp với tìm hiểu các làng nghề đóng ghe xuồng… Đồng thời, khai thác các di tích như: nhà thờ cù lao Giêng, dòng tu Chúa Quan Phòng, chùa Ông Đạo Nằm (xã Tấn Mỹ); du lịch miệt vườn (xã Bình Phước Xuân)...
UBND huyện Chợ Mới đã khảo sát địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cầu tàu đón khách du lịch đường sông tại xã Tấn Mỹ. Công ty TNHH MTV Du lịch Đời Sống Đông Dương đã mở các tuyến du lịch trên địa bàn 3 xã cù lao Giêng và mở rộng qua các địa phương lân cận. Như tuyến nhà thờ cù lao Giêng đi làng xuồng Mỹ Hiệp (tuyến xe, tàu); tuyến nhà thờ cù lao Giêng đi Tu viện Phanxico và vườn sinh thái Út Hùm (tuyến xe); tuyến nhà thờ Cồn Phước (Mỹ An) đi làng nghề đan đác và vườn sinh thái Út Hùm (tuyến xe, tàu); tuyến chùa Thành Hoa đi nhà thờ cù lao Giêng-chùa Phước Thành về vườn sinh thái Út Hùm (tuyến xe, tàu); tuyến vườn sinh thái Út Hùm đi chùa Phước Thành (tuyến tàu). Ngoài ra, các công ty du lịch, lữ hành của tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức đoàn về tham quan cù lao Giêng bằng xe đạp. Huyện Chợ Mới còn có các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được duy trì và phát triển. Các làng nghề truyền thống mang tính đặc trưng tại địa phương đang phát triển phục vụ du lịch, như: làng nghề đóng xuồng (xã Mỹ Hiệp), làng nghề mộc (xã Long Điền A), đan giỏ ny-lon (xã Tấn Mỹ)… Đây là yếu tố quan trọng và cần thiết để đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Chùa Phước Thành
Theo UBND huyện, Chợ Mới sẽ tiếp tục khai thác các sản phẩm du lịch gắn với hoạt động văn hóa. Xây dựng và duy trì phong trào đờn ca tài tử ở địa phương gắn với mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, để phục vụ khách du lịch. Kết hợp địa phương quảng bá du lịch nhân các lễ kỳ yên hàng năm và tổ chức đan xen các trò chơi dân gian vào các lễ hội để phục vụ khách du lịch. Tăng cường liên kết, khai thác có hiệu quả các khu, tuyến du lịch hiện có với các tỉnh, thành phố trong khu vực; mở thêm các tuyến du lịch mới, nhất là các tuyến du lịch bằng đường sông với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nhằm khai thác triệt để lợi thế về địa lý.
UBND, ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sản xuất trái cây sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời phối hợp tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển du lịch địa phương (hiện có 500ha xoài đạt chứng nhận VietGAP tại 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân).