Từ suối Vàng đến động Ba Cô

Thứ sáu, 19 Tháng 7 2019 16:14 (GMT+7)
Rất may là vẫn còn những tuyến dốc đá quanh co khúc khuỷu chung quanh khu chùa và điện núi Bà Đen: tuyến sang động Thanh Long, tuyến ngược lên chùa Hoà Đồng và tượng Phật nằm. Đặc biệt tuyến đi sang chùa Hang, rồi ngược lên động núi Ba Cô nay đã có thêm chùa Quan Âm ở độ cao nhất so với tất cả các ngôi chùa trên núi.

 Đấy là đôi câu thơ trong một bài thơ in tại tập thơ Núi quê mình do Hội VHNT Tây Ninh in năm 2008. Nhiều người lên núi viếng Bà bằng cáp treo giờ đây vẫn thấy những mái chùa tươi đỏ, vẫn thấy cây xanh bát ngát dọc đường lên. Nhưng như thế là bạn đã tự đánh mất đi rất nhiều cảm xúc so với khi mình tự bước chân trên những gập ghềnh bậc đá, săm soi từng gốc cây hay tán lá xoè ra trước mắt.

Rất may là vẫn còn những tuyến dốc đá quanh co khúc khuỷu chung quanh khu chùa và điện núi Bà Đen: tuyến sang động Thanh Long, tuyến ngược lên chùa Hoà Đồng và tượng Phật nằm. Đặc biệt tuyến đi sang chùa Hang, rồi ngược lên động núi Ba Cô nay đã có thêm chùa Quan Âm ở độ cao nhất so với tất cả các ngôi chùa trên núi.

“Gập ghềnh đá, dịu dàng cây

Lom khom quán, với hây hây trán chùa”

Lối sang chùa Hang (Long Châu Linh Sơn tự) cũng là lối đi qua nhiều huyền thoại, cả chuyện hồi xưa cho đến thời chống Mỹ vừa qua.

Ông Đá Nứt tháng 6.2019

Huyền thoại đầu tiên là Ông Đá nứt làm hai, ngay trước khi tới suối Vàng vắt vẻo trên lưng chừng núi. Ngày nay lối đi sang đã mở rộng ra ngoài cả “Hai ông đá nứt”. Dấu tích ấy vẫn còn đây, là lối đi rộng gần 2 mét giữa hai khối đá lớn. Chuyện ngày xưa từ hồi sư tổ thứ nhì ở núi (tổ thứ 37 của dòng tu tế thượng chánh tông) là tổ Tánh Thiền- Quảng Thông. Ông kế nghiệp vị sư phụ của mình là sư tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu.

Năm 1794, sư Đạo Trung rời núi, về Bình Dương lập chùa Long Hưng. Tương truyền, sư tổ Tánh Thiền đã tụng kinh cầu nguyện suốt 100 ngày, thì: “Ông Đá nứt đôi ra, và hai bên đá dang ra chừa một lối đi bề ngang 1,5 mét” (Tây Ninh xưa - Huỳnh Minh, NXB Thanh niên, 2001). Có điều Huỳnh Minh chưa xác định được thời điểm diễn ra sự kiện này. Cứ theo lịch đại “liệt vị Tổ sư khai sơn hoá đạo núi Điện Bà” trong sách Ngọn đuốc cửa thiền của Phan Thúc Duy, sự kiện này đã xảy ra vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, tức là khoảng trước và sau năm 1800.

Đến nay hơn 200 năm có lẻ. Con đường sang chùa Hang có đoạn đã được mở rộng hàng chục mét. Dấu vết của công cuộc “khai sơn phá thạch” vẫn còn. Con người sau này đã “chẻ” ra được những khối đá to hơn. Nhưng hai khối đá nứt ấy vẫn hiên ngang đường bệ đứng bên đường. Ở một góc, ai đó đã bày lên một bàn thờ với cả lư hương, bình bông khói nhang không dứt. Vào tháng 6.2019, một dây giác rừng từ đâu đã bò về phủ xanh như chở che cho ông Đá Nứt.

Qua khỏi di chỉ này là tới suối Vàng. Những cơn mưa lớn đầu tháng 6 đã khiến suối róc rách reo vui như bản nhạc rừng. Trong căn quán nhỏ “lom khom” bên bờ suối, bà chủ thu dọn hậu quả cơn lũ suối tràn trong đêm trước ngày lễ vía Bà mùng 5.5 âm lịch. Trên vài khoảng sân nền nơi nước tràn qua còn đọng lại một lớp bùn non ẩm ướt hồng hào như lớp phù sa. Bên dưới, vẫn ram ráp ngón tay những hạt cát có màu vàng óng ánh.

Từng có chuyện chuyên gia Nhật Bản đã tới đây đem một túi cát vàng đi xét nghiệm. Và, họ cho rằng đó là một thứ “vàng non”. Theo dòng nước mà leo lên vài chục mét thì rừng nguyên sinh đã trở lại là rừng. Rậm rịt những dây leo to cỡ bắp chân, bắp tay xoắn xít vào nhau, ôm choàng lấy cây cao. Cây lùm, cây bụi giữa lô nhô đá tảng. Có cả vài bụi lồ ô đã vươn cao, thẳng tắp, lá rì rào tít tắp trên cao.

Kể thêm cho những ai chưa biết. Rằng đây chính là nguồn của con suối chảy dưới chân cầu Đôi trên con đường cho khách bộ hành lên viếng núi. Bên phía Tây của núi ở khu gọi là Ma Thiên Lãnh cũng còn một con suối nữa tên Vàng. Không biết có chung nguồn với suối này không?

Chùa Hang không cao hơn chùa Bà nhiều lắm. Chỉ vài ba đoạn leo bậc đá, nhưng dốc ngược. Thành ra, khách cứ phải bám vào tay vịn sắt mà đu, kéo người lên, nhất là đoạn dốc cuối trước khi lên tới cổng. Nhưng lên rồi, ngoái lại mới thấy rằng đã thật bõ công, dù vẫn còn phì phò thở. Vâng! Là toàn bộ khu Điện và chùa núi Bà đã bày ra trước mắt. Những mái chùa màu phớt hồng cánh sen hay đỏ rực.

Những đầu đao góc mái nhuốm nắng ban mai óng ánh như được dát vàng. Và, cây cối óng ả bốn bên um tùm, xanh mướt. Ngay trước mắt có cả một tán lá khổng lồ vừa lạ vừa quen thuộc. Thì ra đấy là cây chùm ruột, chi chít trên cành những chùm trái xanh non. Lạ, vì mỗi cành lá của cây lại lớn hơn một tàu lá chuối, gốc lá thì xanh mà ngọn lại ửng vàng.

Tên chữ của chùa Hang (theo cách gọi dân gian) là Linh Sơn Long Châu tự. Có lẽ là ngôi chùa có tên gọi đẹp nhất trong quần thể các chùa núi Bà Đen. Long Châu có lẽ là ngọc rồng. Thì dấu tích những viên ngọc ấy vẫn còn thấy rõ, dù ngôi chùa đã tận dụng từng vỉa đá hẹp bằng phẳng còn lại để xây lên, cũng óng ánh đao vàng, ngói đỏ. Chùa quá hẹp nên phải tựa đá núi mà xây cao đến hai tầng.

Tầng dưới là điện thờ Bà và gian thờ Phật tổ. Tầng trên mới là chính điện thờ chư Phật. Bên điện thờ Bà, có lẽ cũng là hang núi ngày xưa các vị tổ sư lên lấy đá làm nhà, hẩm hút tương chao, rau rừng tu trì tịnh độ. Vậy nên dù đã xây đắp tường trần nghiêm ngắn, vẫn không che hết một mái đá thò ra ngay phía sau ban thờ Thánh mẫu Diêu Trì.

 Vẫn còn một cái hang lớn nữa nằm kề bên Điện thờ Bà. Một cây cổ thụ đứng liền kề hang núi do hai tảng đá lớn cỡ ngôi nhà chụm đầu vào nhau tạo thành cái hang tối. Ngay cạnh đấy, cũng tựa vào hai tảng đá núi lớn có dáng thuôn tròn là một tấm bia lớn đá đen có mái che. Đây chính là nơi ghi nhận một huyền thoại mới của núi Bà, khi núi chở che cho các đơn vị quân Giải phóng bám núi mà đánh giặc hàng chục năm trời.

Đấy là Liên đội 7 Trinh sát- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Họ đã: “13 năm liền (từ tháng 2.1962 đến tháng 10.1975)…kiên cường, dũng cảm, mưu trí bám trụ tổ chức lực lượng nắm địch. Cung cấp nhiều tin tức quan trọng góp phần bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương Cục và Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền…” (văn bia). Đấy còn là Tiểu đoàn Trinh sát 47 anh hùng.

Họ đã là đơn vị chủ công, phối thuộc cùng các đơn vị: “Liên tục tiến công, siết chặt vòng vây quanh căn cứ tiền tiêu và trung tâm truyền tin tiếp sức của quân nguỵ Sài Gòn”. Sau 31 ngày đêm (từ ngày 6.12.1974 đến ngày 6.1.1975) các đơn vị đã giải phóng hoàn toàn núi Bà Đen. Bia còn ghi nhận: “nơi đây 181 cán bộ, chiến sĩ trinh sát… đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Cảm động nhất là lễ cúng nào của chùa Hang, trước bệ bia bao giờ cũng thơm ngát khói hương, hoa tươi cùng các phẩm vật cúng. Đá núi như viên ngọc rồng ngời sáng phía sau. Mặt bia đá chữ vàng, đá đen bóng láng. Hỏi có bia đài nào được trân trọng thế này không?

(còn tiếp)

TRẦN VŨ - (baotayninh.vn)
T/h : Bích Ngân (dongbang.vn)

 

 

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn