Bà Dư Trúc Loan cho rằng, du lịch Cà Mau cần học làm du lịch từ tỉnh bạn. Cụ thể như tỉnh Đồng Tháp có chính sách phát triển du lịch tốt, thu hút đầu tư phát triển đồng bộ. Đối với các đơn vị lữ hành, điểm du lịch cộng đồng, khách sạn, Đồng Tháp có những chính sách ưu tiên, ưu đãi hấp dẫn để các nhà đầu tư đến với mình (hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ lãi suất Nhà nước, có phương án hỗ trợ người dân).
Đồng Tháp còn có hẳn một Hội quán cùng nhau làm du lịch để chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn du khách, chia sẻ lợi ích cùng nhau; Có quy ước vận hành, kiểm tra, giám sát để cùng nhau gánh vác (trong khi ở tỉnh Cà Mau, việc thành lập Hiệp hội Du lịch Cà Mau đến nay vẫn còn là kế hoạch, bởi số lượng chưa đủ, do thiếu lửa, một số doanh nghiệp chưa thấy lợi ích...). Đồng Tháp còn là tỉnh có 11 năm liên tiếp vào tốp 5 bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tính đến ngày 10/7, Cà Mau đón hơn 881 ngàn lượt khách đến tham quan, doanh thu ước đạt 1.416 tỷ đồng. (Ảnh: Tour du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thu hút khách du lịch bởi nhiều trải nghiệm thú vị).
“Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp tạo group riêng để kết nối các điểm du lịch cộng đồng. Trong quá trình hàng ngày tổ chức, khai thác du lịch có vướng mắc, chủ các điểm có thể gửi trực tiếp qua group để lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ. Các cuộc hội họp về phát triển du lịch cũng hạn chế, thay vào đó là đi khảo sát thực tế, xuống tận cơ sở để tiếp cận, nắm bắt tình hình. Cả hệ thống chính trị làm du lịch”, bà Dư Trúc Loan chia sẻ thêm.
Thêm một bài học kinh nghiệm học được từ chuyến khảo sát thực tế về xây dựng mô hình và hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với xã nông thôn mới tại tỉnh Đồng Tháp mà các thành viên đoàn tâm đắc là việc giao chỉ tiêu cho các huyện xây dựng các điểm du lịch, sản phẩm du lịch trên địa bàn. Các huyện tự đăng ký sản phẩm, nghiên cứu đặc trưng điều kiện thế mạnh của mình để tạo ra sản phẩm đặc trưng và tự chịu trách nhiệm. Sau khi tỉnh thống nhất, trưng cầu ý kiến cơ quan chức năng sản phẩm của địa phương, thì địa phương phải xúc tiến ngay. Họ hướng dẫn từng quy chuẩn, sau đó giám sát, thẩm định đủ điều kiện là hỗ trợ vốn ngay. Kế đến là nếu vướng của đơn vị, ngành nào, thì lãnh đạo tỉnh đề nghị giải quyết ngay cho người dân. Sau đó, cử cán bộ trực tiếp xuống điểm để hỗ trợ đến khi hoàn thành và đưa vào khai thác thì mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ. Chính nhờ đó mà từ những hộ làm du lịch tự phát, sau 2 năm (từ năm 2016 đến nay), Đồng Tháp đã phát triển 70-80 điểm du lịch cộng đồng.
Bà Dư Trúc Loan điển hình Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim, việc khai thác phát triển du lịch tách bạch. Có hai đơn vị quản lý là khu của VQG và một trung tâm phát triển du lịch riêng, đều trực thuộc UBND tỉnh. Chính sự phân khu làm dịch vụ phát triển du lịch và chỉ khai thác những sản phẩm hoặc bán những tour liên quan nên việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Còn việc trải nghiệm giữ nguyên môi trường bên trong do VQG khai thác. “Tỉnh bạn uyển chuyển cơ chế, chính sách, những vấn đề tỉnh có khả năng giải quyết sẽ giải quyết nhanh, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp. Việc lớn mới trình đến Trung ương”, bà Trúc Loan cho biết thêm.
Từ những chuyến đi khảo sát thực tế tại các tỉnh bạn, Cà Mau đã đúc rút học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, từ đó lựa chọn, áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn của tỉnh. Đồng thời, còn xây dựng các mối quan hệ, hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực để cùng phát triển du lịch bền vững. Cà Mau cũng đã lập kế hoạch, chọn 6 điểm du lịch cộng đồng để hướng đến đầu tư phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới trên địa bàn các huyện, thành phố. Theo đó sẽ hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện đầu tư con giống, cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng; Cải tạo cảnh quan, trang trí thiết kế kiến trúc trong nhà, hệ thống vệ sinh... đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, mỗi điểm 20 triệu đồng.
Có thể thấy, để phát triển du lịch bền vững phải có sự liên kết của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay. Do vậy, đòi hỏi phải có người “thổi lửa” để cùng định hình, định hướng cho những chiến lược lâu dài. Cà Mau cần thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển du lịch để khai thác tiềm năng độc đáo riêng của du lịch tỉnh cực Nam Tổ quốc./.