Không cần đến Đà Lạt, nhiều đôi uyên ương ở TP.HCM vẫn có được những bức ảnh cưới thơ mộng bên đồi thông xanh.
Cũng nhờ đồi thông này, nhiều bạn trẻ ở TP.HCM có được những bức ảnh “lừa tình” thú vị.
“Lúc đăng ảnh lên Facebook, ai cũng nghĩ mình đang đi du lịch ở Đà Lạt. Khi biết cảnh này chụp ở Sài Gòn, bạn bè mình ai cũng ngạc nhiên. Sinh viên bọn mình ít ai người biết ở công viên Gia Định (quận Gò Vấp) lại có một đồi thông như Đà Lạt” - bạn Nguyễn Anh Tuấn hào hứng kể.
Không chỉ với những người trẻ, nhiều người sống lâu năm ở TP.HCM cũng không biết có một đồi thông ở tại công viên Gia Định.
“Nhiều lần đến công viên tập thể dục nhưng tôi không biết ở đây có trồng thông. Hôm rồi, tình cờ đi qua khu B (bên trái đường Hoàng Minh Giám, hướng từ quận Phú Nhuận sang quận Gò Vấp) mới biết ở đây có một đồi thông xanh mướt. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao thông xanh thường thấy ở xứ lạnh lại có thể sống được ở xứ nóng như Sài Gòn” - anh Quốc, có nhà ở quận Phú Nhuận, ngạc nhiên.
Từ thắc mắc của người dân, chúng tôi tìm gặp người đã mang giống thông xứ lạnh về trồng ở Sài Gòn. Đó là tiến sĩ Lê Minh Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây xanh - hoa kiểng của Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM.
“Đồi thông ở công viên Gia Định đã được trồng từ 12 năm trước. Lúc đó, TP.HCM không có thông. Tôi muốn tạo ra một đồi thông để người dân thưởng ngoạn nên tìm giống thông hai lá, loại thích nghi được với khí hậu nóng bức của Sài Gòn” - tiến sĩ Trung chia sẻ.
Tiến sĩ Trung nhớ lại: “Công viên Gia Định trước kia là sân golf, chỉ là một bãi đất trống được phủ xanh bằng cỏ và một vài cây lá rộng như bằng lăng, hoa sữa. Để trồng được đồi thông, ông tôi và nhiều anh em công nhân phải thay toàn bộ đất ở đó bằng đất đen trộn với phân bón”.
Ông Trung cho biết, giống thông ở công viên Gia Định được lấy ở Lâm trường La Ngà (tỉnh Đồng Nai) với số lượng khoảng 300 - 400 cây. Đến nay, những cây thông này đều phát triển tốt, tạo thành một đồi thông nhỏ ở một góc công viên.