Chính sách thị thực: Không thể thu hút khách nếu "miễn mà như không miễn"

Thứ năm, 15 Tháng 8 2019 11:49 (GMT+7)
Một số quy định về chính sách thị thực (visa) bị cho là “kỳ quặc”, “phi lý”, "không nước nào làm như vậy" sẽ được loại bỏ hoặc thay đổi tại Dựthảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47).

Bỏ quy định bất hợp lý du khách sẽ đến Việt Nam đông hơn

Dự thảo lần 2 của luật này vừa được Bộ Công an công bố lấy ýkiến.

Có thể biến Việt Nam thành điểm trung chuyển khách quốc tế

Trong đó, đáng chú ý là Dự thảo luật này đã đề nghị bỏ quy định “Người nước ngoài (NNN) nhập cảnh vào Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày” để tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, tại khoản 1, Điều 20 về điều kiện nhập cảnh (Luật số 47) quy định rõ: “Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”.

Nhiều ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho rằng quy định của Luật hiện hành đã gây khó khăn, phiền nhiễu đối với NNN nhập cảnh Việt Nam để du lịch theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam du lịch tiếp.

Đại diện Công ty du lịch Vietravel (TP. HCM) cho biết, chỉ vì quy định nói trên ở Luật số 47, công ty này và nhiều đơn vị lữ hành khác của Việt Nam đã phải xóa bỏ những tour du lịch rất hấp dẫn đến thăm 3 nước Đông Dương hoặc các nước tiểu vùng sông Mekong với hành trình: Khách bay tới TP.HCM (Việt Nam), tham quan thành phố này và miền Tây Việt Nam sau đó xuất cảnh sang Campuchia rồi lại quay về Việt Nam tham quan khu vực miền Trung, miền Bắc. Hay tour khách bay tới TP.HCM sau đó bay sang Thái Lan, Lào rồi bay về Phú Quốc, miền Trung, miền Bắc nước ta… Vì nếu theo quy định này, khách mới cách lần xuất cảnh đến 29 ngày cũng không được nhập cảnh lại Việt Nam.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) cũng phân tích, không có lợi ích nào trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam khi chưa đủ 30 ngày so với lần xuất cảnh gần nhất. Thậm chí, nếu rào cản này được gỡ bỏ, khách du lịch có thể lựa chọn Việt Nam là điểm trung chuyển khách của Đông Nam Á, nối chuyến bay đến Âu và Úc.

Tại Tờ trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an giải thích: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật số 47 thì NNN nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Quy định trên nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng chính sách miễn thị thực đơn phương vào Việt Nam làm việc nhưng không thực hiện quy định của pháp luật về lao động… Tuy nhiên, tại các Diễn đàn Doanh nghiệp, Diễn đàn Du lịch, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhiều ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực”.

Vì thế, Ban soạn thảo dự luật sửa đổi lần này đã đề xuất: “Nghiên cứu, sửa đổi quy định về điều kiện đối với NNN nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực. Cụ thể, đề nghị thay quy định trên bằng quy định: “Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực. NNN nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng”.

Nhiều doanh nghiệp du lịch bày tỏ sự đồng tình với quy định sửa đổi và nhận định, nếu bỏ quy định hiện hành, không chỉ khuyến khích khách du lịch quay lại Việt Nam du lịch trong cùng một hành trình đến Đông Nam Á hoặc đi đến các điểm đến khác mà còn khuyến khích cả những doanh nhân, nhà đầu tư dễ dàng nhập cảnh Việt Nam khi đi công tác mà không phải đợi những 30 ngày như hiện nay.

Vẫn chỉ miễn thị thực đơn phương không quá 15 ngày

Điểm d, khoản 1, Điều 31 của Dự thảo lần 2 luật này được đề xuất sửa đổi: “Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày, nếu vào đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt hoặc đảo Phú Quốc (Kiên Giang) trên 15 ngày thì cấp tạm trú theo quy định tại điểm đ khoản này”.

Như vậy có nghĩa là, quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 31, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014: “Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày” vẫn không thay đổi. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, miễn như thế này không thể nào tận dụng hết các điều kiện để thu hút khách. Việc miễn thị thực đơn phương cho khách quốc tế là rất quan trọng để thu hút khách từ những thị trường ổn định, thị trường xa, khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Tuy nhiên, với những khách từ những thị trường Pháp, Đức, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà Việt Nam miễn thị thực đơn phương, khách thường đi du lịch cả tháng hoặc vài tháng. Theo quy định hiện nay, hết 15 ngày khách phải xuất cảnh khỏi Việt Nam hoặc xin thị thực theo quy định, không khác gì khách không được miễn. Nếu khách chỉ đi đúng theo số ngày được miễn thị thực đơn phương thôi thì rất phí vì thường khách đến từ những thị trường này chi phí ngày tour rất cao, trung bình từ 1.300 đô la Mỹ/ khách, trong khi khách châu Á chỉ chi tiêu trung bình 842 đô la Mỹ/ khách. Theo tôi, nên tăng số ngày tạm trú cho khách được miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 30 ngày trở lên.

Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch cũng đồng quan điểm này với ông Phùng Quang Thắng. Tại phiên Hiến kế về du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, đề xuất tiếp tục mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho các thị trường trọng điểm và tăng số ngày miễn từ 15 lên 30 ngày được nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Lý do đưa ra là, nếu vẫn giữ quy định “miễn mà như không miễn” này khách quốc tế sẽ cảm thấy không được chào đón tại Việt Nam. Chính sách visa của Việt Nam cũng rất khó cạnh tranh với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… khi những nước này miễn thị thực cho công dân hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ (Indonesia miễn 169, Malaysia miễn 160, Singapore miễn 158, Philippines miễn 157, Thái Lan miễn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ), từ 30- 90 ngày.

Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá, việc tạo điều kiện thuận lợi thị thực sẽ làm tăng lượng khách quốc tế đến ít nhất 8-10%. Ở Việt Nam, sau khi thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương cho năm quốc gia châu Âu, lượng khách hằng năm tăng trung bình gần 20%. Đây là mức tăng rất cao đối với những thị trường xa, có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày.

Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cũng chỉ ra rằng, khách du lịch coi thị thực chủ yếu như một thủ tục áp đặt chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp là lệ phí thị thực và các chi phí gián tiếp như khoảng cách, thời gian chờ đợi và mức độ phức tạp của quy trình cấp thị thực. Nếu những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi nữa hoặc sẽ chọn một điểm đến thay thế.

Vì thế, hãy coi mỗi du khách quốc tế là một nhà đầu tư, một đại sứ cho du lịch Việt Nam khi câu chuyện về Việt Nam an toàn, thân thiện được lan tỏa từ họ, thay vì chúng ta cứ dò xét xem có nên miễn visa cho họ hay không. 

THÚY HÀ - (baovanhoa.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn