Khám phá Homestay độc - lạ hấp dẫn du khách ở làng hoa Sa Đéc

Thứ sáu, 23 Tháng 8 2019 07:44 (GMT+7)
Thời gian gần đây, Homestay ngôi nhà tre của thầy giáo Huỳnh Trịnh Quốc Phong (SN 1965) ở phường Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc trở thành địa chỉ hấp dẫn được nhiều khách du lịch nước ngoài chọn làm điểm lưu trú khi đến thăm làng hoa. Nhiều người tò mò và không hiểu, vì sao chỉ với những gian nhà tre vách lá đơn sơ, mộc mạc, ấy vậy mà có sức hấp dẫn lạ lùng với nhiều du khách, nhất là khách Châu Âu.

Thầy Huỳnh Trịnh Quốc Phong giới thiệu với du khách văn hóa và con người vùng quê Sa Đéc

Homestay với kiến trúc độc đáo

Vốn có hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo viên dạy Toán bằng tiếng Pháp tại một trường cấp 3 của TP.Sa Đéc. Tuy nhiên, đến năm 2017, chương trình dạy Toán bằng tiếng Pháp không còn tiếp tục duy trì khiến cho thầy Quốc Phong vô cùng trăn trở. Khi đó, điều canh cánh nhất trong lòng thầy Phong là phải tìm cách duy trì và phát triển vốn tiếng Pháp mà mình đã gắn bó hơn nửa cuộc đời. Năm 2017, nhiều phương án chuyển nghề được dự tính, nhưng khởi nghiệp với mô hình cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách du lịch bằng hình thức homestay và phát triển du lịch cộng đồng là phương án được thầy Phong quyết chí theo đuổi.

Từ số vốn tích góp sau bao năm với nghề “gõ đầu trẻ”, thầy Phong mạnh dạn vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng homestay với tên gọi hết sức dân dã: Homestay ngôi nhà tre.

Đặt chân đến Homestay ngôi nhà tre, khách sẽ có chung cảm giác là vừa lạ lẫm nhưng lại rất thân quen. Quen là bởi khi đến đây, du khách có cảm giác bình yên như được trở về nhà. Cảm giác là lạ đầu tiên đập vào mắt du khách chính là những gian nhà được thiết kế với hình thù ngộ nghĩnh. Lạc vào đây, du khách có cảm giác như được trở về với những tiết học hình học không gian thời phổ thông. Những gian nhà có thiết kế đủ kiểu hình thù, từ hình chóp đến hình thang cân... Tất cả lối kiến trúc trong Homestay ngôi nhà tre này đều được gia chủ lấy cảm hứng từ môn hình học không gian.

Chia sẻ về việc đưa nguồn cảm hứng Toán học vào xây dựng Homestay ngôi nhà tre, thầy Quốc Phong hóm hỉnh: “Làm giáo viên dạy Toán rồi chuyển sang thiết kế nhà thì có nhiều thuận lợi vô cùng. Cái lợi thứ nhất là tôi có thể tính toán và thiết kế chính xác đến từng cây tre, cọng lạt phục vụ cho việc xây dựng homestay của mình. Lợi thứ hai là thay vì làm nhà theo kiểu thông thường thì tôi áp dụng các quy tắc trong môn hình học không gian để tự thiết kế các bản vẽ độc đáo. Đây là thiết kế có chủ đích vì tôi muốn gây ấn tượng và tạo điểm nhấn cho homesaty của mình”.

Trong chuyến hành trình thăm thú đất nước Việt Nam xinh đẹp, gia đình chị Sofie Vesschemoet, quốc tịch Bỉ dành ra một quỹ thời gian nho nhỏ để thăm một số tỉnh của khu vực hạ nguồn sông Mê Kong.

Chị Sofie Vesschemoet cho biết: “Theo dự kiến, ban đầu gia đình tôi sẽ đến thăm Bến Tre và chỉ dành một khoảng thời gian ngắn để ghé qua Sa Đéc rồi sau đó sẽ trở về TP.HCM. Nhưng khi xem trên Internet, tôi bắt gặp hình ảnh của Homestay ngôi nhà tre, tôi khá ấn tượng với homestay này bởi lối kiến trúc rất đặc biệt nên quyết định nghỉ lại đây 1 ngày để khám phá. Tôi rất ấn tượng với phong cách phục vụ và lối bài trí của homestay, tất cả đều mộc mạc và tự nhiên. Các con của tôi rất thích thú khi được nghỉ dưỡng trong không gian yên bình giữa một cánh đồng hoa như thế này”.

Có nhiều lý do khiến cho Homestay ngôi nhà tre trở thành lựa chọn ưu tiên của khách du lịch Châu Âu khi đến thăm quan và nghỉ dưỡng tại làng hoa Sa Đéc. Chia sẻ về bí quyết làm du lịch của mình, thầy Phong bày tỏ, ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm du lịch để “thỏa chí tang bồng”, là duy trì được vốn liếng tiếng Pháp đã gắn bó với mình mấy chục năm. Sau này khi làm du lịch, tôi nhận thấy mô hình kinh tế này thật tuyệt vì khi tiếp cận với khách du lịch, vốn kiến thức của mình cũng được phong phú thêm, tư duy cũng nhanh nhạy hơn trước. Điều tôi ấn tượng nhất khi tiếp cận với khách hàng Châu Âu chính là sự tử tế, văn minh, họ biết tôn trọng tự nhiên bằng cách sống chan hòa cùng nó. Họ thích khám phá nhưng lại rất tôn trọng văn hóa bản địa của cư dân địa phương. Dựa vào những điều này nên tôi thiết kế nhiều dịch vụ khác nhau cho du khách như: hướng dẫn khách làm một số loại bánh dân gian của người Việt Nam, trải nghiệm hái rau, nấu nướng các món ăn dân dã miền Tây nhưng theo khẩu vị du khách, trải nghiệm trồng hoa kiểng...

Rủ hàng xóm “xé hàng rào” cùng làm du lịch

Không dừng lại làm kinh tế một mình, thầy Phong còn “rủ” cả những người hàng xóm “xóa bỏ hàng rào” để cùng nhau chung tay làm mô hình du lịch cộng đồng. Hiện tại, ngoài chu vi Homestay ngôi nhà tre hơn 4.000m2, ông giáo Phong còn “rủ” thêm nhiều hộ trồng hoa kiểng và rau màu xung quanh với tổng diện tích hơn 4ha để cùng phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Anh Lê Văn Thuận, người hàng xóm có vườn hoa liền kề với Homestay ngôi nhà tre bộc bạch: “Mặc dù hiện tại tôi chưa thu được lợi nhuận gì nhiều từ làm du lịch nhưng khi thấy khách du lịch hào hứng thăm thú vườn hoa của mình, tôi rất vui và tự hào. Từ ngày bắt tay với anh Phong làm du lịch, tôi tự trang hoàng cho khu vườn của mình đẹp hơn, sạch sẽ hơn để tiếp đón du khách. Trong tương lai, nếu có điều kiện tôi sẽ hợp tác cùng anh Phong và bà con ở đây phát triển thêm các dịch vụ đi kèm với dịch vụ lưu trú và nhà hàng của anh Phong để khách du lịch có thể trải nghiệm đa dạng hơn văn hóa của người dân làng hoa nơi đây”.

Bên cạnh vườn hoa của anh Thuận thì trải nghiệm trồng rau, hái rau sạch ở vườn của lão nông Lâm Văn Học ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông cũng là một trong những dịch vụ hấp dẫn du khách khi đến với Homestay ngôi nhà tre.

“Thấy khách du lịch vui vẻ mình cũng vui, vì vậy trong vườn rau của mình, tôi cố gắng trồng luân canh nhiều loại rau quả. Cụ thể như, dưới mương thì trồng bông súng, trên bờ trồng đu đủ, xoài, rau lang, đậu đũa, đậu bắp... Lối đi trong vườn cũng được cải tạo thông thoáng để du khách di chuyển tiện lợi. Tôi thấy mô hình làm du lịch cộng đồng này rất thú vị bởi ngoài tiền thu được từ cây trái trong vườn, tôi còn có thêm khoản lợi nhuận từ du lịch. Điều quan trọng là từ khi cùng thầy Phong làm du lịch đến giờ, tôi thấy tư duy của mình bắt đầu nhanh nhạy hơn, cởi mở hơn trước rất nhiều” - ông Học vui vẻ chia sẻ.

“Phát triển du lịch bây giờ không thể làm một mình. Khách nước ngoài họ thích đến quê mình vì văn hóa bản xứ độc đáo. Để duy trì văn hóa bản xứ đó thì không thể một mình là có thể làm được mà cần có sự chung tay của những người hàng xóm, của cả cộng đồng. Muốn để cộng đồng cùng chung tay với mình thì mình phải “thủ thỉ” để anh em hiểu thế nào là ngành công nghiệp không khói và ngành công nghiệp này có giá trị siêu lợi nhuận ra sao. Tôi tin rằng, nếu cùng chung tay thì “chiếc bánh lợi ích” sẽ được nhân lên rất nhiều khi cả cộng đồng đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế du lịch” - thầy Phong tâm tình.

Mỹ Lý - (baodongthap.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn