Núi Cô Tô. Ảnh: T.T
An Giang có diện tích tự nhiên 3536,8km2, phía tây bắc giáp Campuchia, phía tây nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía nam giáp TP. Cần Thơ, phía đông giáp tỉnh Đồng Tháp. An Giang là 1 trong 2 tỉnh ĐBSCL có đồi núi, hầu hết tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, gồm: núi Cấm, núi Dài, núi Kéc, núi Dài Năm Giếng, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Trà Sư, núi Bà Đội Om, núi Nam Qui, núi Phú Cường… Ngoài ra, còn có một số ngọn núi khác, như: núi Sam (TP. Châu Đốc), núi Sập, núi Ba Thê (Thoại Sơn), núi Nổi (TX. Tân Châu)… Cao nhất trong các núi ở An Giang là núi Cấm (còn gọi là Thiên Cấm Sơn, cao 716m, ở xã An Hảo, Tịnh Biên) là ngọn núi hùng vĩ nhất trong dãy Thất Sơn. Núi Cấm được ví như “Đà Lạt của miền Tây”, có khí hậu mát mẻ quanh năm với thảm thực vật phong phú, nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, đặc biệt nổi tiếng với nhiều chùa, miếu, am, hang động, như: vồ Thiên Tuế, điện Bồ Hong, sân Tiên, vồ Chư Thần, vồ Ong Bướm, vồ Đầu, chùa Vạn Linh, suối thanh long... gắn với huyền thoại, truyền thuyết đầy lý thú về vùng đất và con người chốn non cao. Trên đỉnh núi Cấm có tượng Phật Di Lặc cao hơn 33m được công nhận đạt kỷ lục Guinness: “Tượng Phật cao nhất trên đỉnh núi ở Châu Á” và là tượng Phật lớn nhất Việt Nam. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nơi đây thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, cúng viếng.
Núi Cấm. Ảnh: THANH TIẾN
Dọc theo Tỉnh lộ 948 về hướng Châu Đốc, từ xa du khách có thể thấy một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, có hình dạng như đầu một con chim ở lưng chừng núi. Đây là núi Kéc (còn gọi là Anh Vũ Sơn, cao khoảng 250m, ở xã Thới Sơn, Tịnh Biên). Núi Kéc có các địa điểm nổi tiếng, như: sân Tiên, giếng Tiên, điện Chư Thần, điện Phật Mẫu, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long… gắn với nhiều truyền thuyết dân gian. Nếu đứng từ đỉnh núi Kéc có thể thấy dãy Ngũ Hồ Sơn như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp. Ngũ Hồ Sơn (còn gọi là núi Dài Năm Giếng) là ngọn núi cao đứng hàng thứ 4 trong Bảy Núi. Có tên núi Dài Năm Giếng vì trên đỉnh núi có 5 cái hố sâu nằm thẳng hàng trên mỏm đá to giống như 5 giếng nước. Cách thị trấn Tri Tôn (Tri Tôn) không xa, như con chim phụng hoàng khổng lồ sải cánh giữa đồng bằng, núi Cô Tô (còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, cao 614m, ở xã Núi Tô, Tri Tôn), ngọn núi cao thứ 2 trong dãy Thất Sơn. Truyền thuyết kể rằng, trong một đêm tối trời, các tiên ông trên núi Cấm lấy đá nghịch ném xuống đồng bằng, sáng ra thành một ngọn núi đá với nhiều hang động và suối nhỏ chảy róc rách. Vì vậy, lúc xưa núi có nhiều chim phượng hoàng hay bay xuống chơi nên trên đỉnh núi đến nay vẫn còn lưu lại dấu chân. Xa hơn là núi Tượng (còn gọi là Liên Hoa Sơn, cao 145m, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn), từ xa nhìn núi có hình con voi phục, trên sườn núi có một vồ đá nhô ra giống như đầu con voi nên dân gian gọi đây là núi Tượng. Núi có nhiều hang, vồ, như: vồ Đảnh Thượng, vồ Giếng Tiên, vồ Phụng Hoàng San, hang Tám Ất, hang Cây Da… gắn với nhiều truyền thuyết về Đức Bổn sư Ngô Lợi và tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa đến đây khai phá, lập làng, khai sáng đạo và những chứng tích trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Ngược về miền xuôi, độc đáo nhất có lẽ là núi Nổi (còn gọi là Phù Sơn, xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu). Tuy chỉ cao hơn 10m nhưng vào mùa nước nổi, các cánh đồng xung quanh đều ngập lênh đênh như biển, duy chỉ còn núi Nổi nhô lên khỏi mặt nước. Tương truyền, ngày xưa có một vị vua cùng đoàn tùy tùng đi ghe đến đây bị chìm và hóa thành ngọn núi nổi trên mặt nước, nước dâng lên đến đâu núi nổi đến đó.
“bạn em nói chưa khám phá núi non là xem như chưa đến An Giang. Thật vậy, núi non ở An Giang quá đẹp, hùng vĩ và thơ mộng, mang lại cảm giác bình yên thư thả… Không chỉ vậy, khi đến đây còn được nghe những câu chuyện dân gian huyền bí, tham quan, chứng kiến những di tích, chứng tích trong công cuộc khai hoang lập làng, mở cõi, chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền nhân…” - Lê Bảo Thanh Thảo (du khách TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.