Đình làng ở Đồng Tháp hầu hết được mô phỏng theo đình làng miền Bắc mang đậm kiến trúc văn hóa Việt
Các đình làng đang được tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát huy giá trị. Tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp lập Dự án phát huy giá trị hệ thống đình làng trên địa bàn tỉnh nhằm phục hồi các chức năng cơ bản (chức năng tín ngưỡng dân gian, hành chính, sinh hoạt văn hóa), bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của hệ thống đình làng; bước đầu giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; đưa các đình làng có giá trị tiêu biểu vào danh mục tour, tuyến du lịch nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển du lịch và Đề án Tạo dựng hình ảnh địa phương của tỉnh Đồng Tháp.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết, đình làng ở Đồng Tháp hầu hết được mô phỏng theo đình làng miền Bắc, định hình từ thế kỷ 16, qua quá trình mấy trăm năm khai hoang mở đất có rất nhiều đình làng cổ mang đậm kiến trúc văn hóa Việt. Thời gian qua hệ thống đình làng được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo trùng tu tôn tạo, phục dựng lại nguyên trạng; một số lễ hội truyền thống được khôi phục về hình thức, quy mô tổ chức các hoạt động ngày càng mở rộng thu hút sự quan tâm và tham gia của quần chúng nhân dân.
Hoạt động tín ngưỡng tại các đình làng ở Đồng Tháp phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời lưu giữ, kế thừa những giá trị văn hóa lịch sử riêng của vùng đất Nam Bộ. Trong sinh hoạt đình làng, các nghi thức, hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ; trong lễ hội, thời gian phần lễ được rút ngắn, kéo dài phần hội với nhiều nội dung hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, vui chơi giải trí cho người dân.
Ngày nay, đình làng không chỉ là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật mà còn là nơi để tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tri ân các anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền nhân có công trong việc khai hoang, mở cõi, lập ấp, lập làng; đình làng cũng là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em trong tỉnh như Kinh, Hoa, Khmer Nam Bộ… đoàn kết cùng nhau xây dựng và phát triển vùng đất mới.
Dự án Phát huy giá trị hệ thống đình làng sẽ góp phần quan trọng vào việc bổ sung, hỗ trợ, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; tạo môi trường gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và nhân dân trong đời sống cộng đồng; đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân địa phương và du khách; quảng bá hình ảnh địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị một di sản kiến trúc văn hóa độc đáo của dân tộc, địa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế; hỗ trợ các địa phương bước đầu hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối với các địa phương chưa có kinh phí xây dựng Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã, Nhà văn hóa ấp hoặc liên ấp theo quy định…