Những câu chuyện phát triển du lịch xanh – bền vững ở Mù Cang Chải

Thứ hai, 07 Tháng 10 2019 10:37 (GMT+7)
Du lịch “xanh” là một điểm đến và một hành trình dài của những người yêu xê dịch. Họ tự “quản chế” mình hạn chế xả rác, mang theo các đồ dung tái sử dụng... Vì thế, họ cũng cần những điểm đến xanh, để an lành thảnh thơi tận hưởng kỳ nghỉ của mình, và có lẽ, trong rất nhiều điểm đến ồn ào khói bụi và đông đúc, Mù Cang Chải là một điểm đến xanh an lành hiếm hoi cho khách du lịch hiện tại và tương lai.

Ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện uỷ huyện Mù Cang Chải cùng bà con trong mùa chăm sóc lúa.

Chính vì hiểu tâm lý này, các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam như Mù Cang chải đang dần trở nên “xanh” hơn cùng những bài toán bền vững hơn. Điều này đến từ tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý địa phương và các nhà đầu tư, những chủ công trình cân bằng giữa bê tông, sỏi đá với cây hoa, lá rừng và suối tự nhiên, đồng ruộng.

Riêng đối với Mù Cang Chải – một địa danh nổi tiếng nhưng may mắn còn giữ được vẻ bản địa nguyên sơ từ con người đến phong cảnh, có lẽ là điểm đến xanh chuẩn nghĩa khi nhận thức và thực thi phát triển du lịch xanh là mục tiêu lớn nhất được đặt lên hàng đầu.

Những câu chuyện du lịch vốn vô cùng dung dị, hiền hoà và thực tế đến hài hước như chính những chủ thể của ngành Du lịch xứ Mù Cang Chải góp nhặt được trên chặng đường dong duổi dọc hành trình trên những cung đường đèo hùng vĩ và vực sâu thăm thẳm đầy thách thức đều là những câu chuyên đầy thú vị.

Ví dụ như câu chuyện du lịch về việc những du khách người Mỹ, người châu Âu bay trực thăng lên Mù Cang Chải để nghỉ 3 đêm mà không tiêu hết 100 USD chi phí dịch vụ; hay chuyện khách đến homestay tìm chủ nhà thì chủ nhà đi chơi hội hết nên khách tự tìm chìa khoá, tự sinh hoạt, tự gửi tiền và tự về.

Chuyện về việc vận động thành lập đội xe ôm tự quản và mặc áo đồng phục khi có khách; Chuyện vận động người dân di dời chuồng trại trâu bò, lợn dê, gà ra khỏi gầm nhà sàn hoặc ra xa nhà, chuyện vệ sinh sạch sẽ lắp thiết bị điện nước để làm homestay đón khách... nhưng người dân thích thì làm thôi, không thích thì không làm đâu...

Mù Cang Chải mùa vàng khi lúa chín.

Chuyện về tập tục thói quen của đồng bào trong giao thương hàng hóa hay dựng quán làm dịch vụ bán đồ ăn, nước uống, trông xe cho khách du lịch nhưng có khi chồng đồng ý về vợ không đồng ý lại chạy theo đòi lại hoặc không cho làm là chuyện bình thường; Chuyện những vị khách Nhật khao khát khi thấy những loại thảo dược quý giá (Tâm thất rừng, nấm Linh Chi, Thiên Nam Tinh...) thì người dân bán như rau, khoai ở chợ, chuyện những người yêu đặc sản tìm cách xuất khẩu cốm sang các nước Nhật, Mỹ, Đức...; Chuyện lãnh đạo địa phương xuống tận bản ăn ngủ uống rượu cùng dân như người nhà, để mỗi cuộc phát động người dân tự giác trồng cây, trồng hoa cho đẹp con đường, đẹp mỗi ngôi nhà, cùng góp nhà góp công kết hợp cùng các starup du lịch phát triển du lịch là những hoạt động thiết thực đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ở vùng đất quá đỗi bình yên bình dị này...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện uỷ huyện Mù Cang Chải ghi nhận, những năm gần đây, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được đông đảo du khách, bạn bè trong nước và quốc tế biết đến là một địa danh du lịch với nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhất là danh thắng quốc gia ruộng bậc thang cùng truyền thống văn hóa đặc sắc, khí hậu trong lành.

Theo ông Bí thư huyện, Mù Cang Chải còn được biết đến với nhiều sản vật quý, có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng làm thực phẩm và dược liệu, có công dụng hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật như: Mật ong, Thảo quả, Sơn Tra, Nấm Linh chi rừng và nhiều loại thảo dược khác… là tiềm năng, cơ hội để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thu nhập và việc làm cho xã hội, góp phần ổn định xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, giữ gìn vệ sinh môi trường...

Ông Nông Việt Yên chia sẻ, với lợi thế của mình huyện, Mù Cang Chải chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với quan điểm: “Phát triển du lịch phải đặt trong sự phát triển toàn diện của địa phương, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền, với vai trò trụ cột và làm động lực của cộng đồng các doanh nghiệp, trong đó lấy nhân dân làm trung tâm, là chủ thể, mọi hoạt động đều xoay quanh và hướng về người dân; gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường bền vững". Điều đó được thể hiện qua những định hướng cụ thể.

Thứ nhất là quy hoạch tổng thể về du lịch huyện Mù Cang Chải không để phá vỡ không gian danh thắng, đồng thời có định hướng phát triển du lịch chủ động, bền vững và phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh và khu vực.

Thứ hai là thu hút, đào tạo, cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch, nhất là những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu địa bàn và truyền thống văn hóa bản địa.

Thứ ba là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, nhất là hạ tầng về giao thông, cơ sở lưu trú và các dịch vụ; bảo tồn, tôn tạo và nâng tầm danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng danh thắng quốc gia đặc biệt), hướng tới đề nghị UNESCO công nhận danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Di sản thế giới; xây dựng khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích trên 23 nghìn ha tại khu bảo tồn sinh cảnh thiên nhiên xã Chế Tạo và các xã phụ cận. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng các loại hình du lịch, dịch vụ, duy trì tốt các loại hình du lịch phổ biến hiện nay trên địa bàn huyện như: Du lịch thăm quan, du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm... theo hướng phát triển du lịch xanh.

Bay dù lượn từ đèo Khâu Phạ xuống thung lũng là một trải nghiệm đáng nhớ với du khách.

Ngoài ra, huyện chủ trương phát triển sản phẩm và thương hiệu du lịch gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành nghề về du lịch, các ngành nghề truyền thống góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như vễ sáp ong, dệt thổ cẩm.., đồng thời, phát triển chuỗi liên kết giá trị trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, nhất là trong nuôi trồng và chế biến dược liệu... tạo chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch.

Để thực hiện được những mục tiêu định hướng trên, hiện nay, huyện đang khuyến khích, thu hút đầu tư vào phát triển dịch vụ du lịch; vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất, chế biến được liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe.

“Nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến quy hoạch Mù Cang Chải để tìm cơ hội xây dựng lên những dự án kinh doanh hấp dẫn của riêng mình. Nhưng điểm chung dù làm bất động sản du lịch, hay làm nông nghiệp, dược liệu, đối với Mù Cang Chải dứt khoát phải là những dự án xanh – bền vững cho một chiến lược lâu dài”, ông Nông Việt Yên nhấn mạnh thêm.

PV - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn