Đến Nông Sơn có thể theo dòng Thu Bồn men theo sông nước mà ngược về Hòn Kẽm Đá Dừng đi qua những triền bãi ven sông để thấy cái màu xanh của rau đậu, của dưa hấu và cả những ruộng dâu ngát màu xanh. Cái thú đi dọc triền sông nước thì có thể dừng chân thưởng lãm những trời mây Nông Sơn. Từ miền xuôi đi lên, dừng chân tại Khương Quế ghé thăm lăng Bà Thu Bồn để cảm nhận nét văn hóa của những ngư dân sông nước Thu giang, đem về mấy gói lá thuốc tại lăng Bà. Rồi đến bến đò Trung Phước ghé vào khu chợ để thấy nô nức tấp nập bán mua, và còn tự tay chọn lựa những sản vật địa phương đem ra từ những nhà vườn Trung Viên, Trung Nam để làm quà cho khách phương xa. Rời bến chợ, ghé sang làng cây trái Đại Bình thăm thú cây trái đương mùa tốt tươi, để ngắm làng Nam Bộ giữa miền Trung nắng gió; để với tay là chạm những cành cây trái lủng lẳng nào bưởi trụ, cam, quýt, sầu riêng… thú nhất là vừa tham quan cây trái vừa được thưởng thức ngay dưới những tán cây rợp mát do phù sa sông Thu nuôi trồng. Tiếp tục ngược con nước theo đến Dùi Chiêng, Đông An rồi về Hòn Kẽm cả một miền sông nước thu lại trong tầm mắt ngát xanh, để thấy cái đẹp yên ả của mảnh đất trù phú này.
Nếu không chọn theo con nước để về Nông Sơn thì có thể qua đèo Le hoặc đèo Phường Rạnh để đến với vùng đất này. Theo đường đèo Le hướng từ huyện Quế Sơn đi lên, dừng chân Suối Mát để bao quát cái uốn lượn của các cung đèo. Đối với những du khách đến Nông Sơn theo cung lộ đèo Le có lẽ ấn tượng nhất là những đoạn đường cong cong mang lại những cảm giác thật đặc biệt và hấp dẫn không kém là những chân hàng quán thấp thoáng ẩn hiện sau những chặng cong vòng. Gà tre đèo Le nức tiếng xa gần và tuyệt vời hơn khi được ngồi thưởng ngoạn thi vị ẩm thực ngay trên cái cheo leo đỉnh đèo sáng sớm hay chiều về mây còn giăng tràn xuống kín cả con đường. Qua bên kia con đèo là đã hiện lên những nếp nhà của những người dân nơi đây, theo đường DT 611 dừng chân để thăm thú nước nóng Tây Viên bảng lảng hơi khói tỏa ra giữa đồng ruộng xanh ngát để thấy cái kỳ thú của thiên nhiên dày công kiến tạo. Ghé chợ Thơm để cảm nhận cảnh chợ quê còn nồng hậu bán mua. Rồi thăm thú đập Làng ở hữu ngạn Sơn Viên, đập Hóc Hạ ở tả ngạn Quế Lộc, đập Ông Đà ở Quế Trung để chiều tà có thể thong dong buông cần trúc đợi cá cắn câu. Theo con lộ đi qua những cánh đồng lúa là đến trung tâm huyện để rồi hòa vẻ yêu thương.
Theo cung đường Phường Rạnh thì chạy từ hướng khu di tích Mỹ Sơn chạy lên qua Trung An để thấy cái mới mẻ của cung lộ mới mang lại những khởi sắc cho người dân nơi đây. Cũng như men theo đường sông nước, ta cũng có thể viếng lăng Bà, thăm những triền bắp, triền khoai. Rồi theo về Cây Mùn dừng chân chỗ giao lộ ngã ba để nghe các bà đi chợ về nghỉ mát uống nước kể chuyện chân quê từ mấy ang thóc lúa, con gà… mới thấy cái mộc mạc của người dân nơi đây. Từ điểm này hai hướng lộ về Nông Sơn giao lại với nhau. Đến Trung Phước - khu sầm uất nhất của huyện vùng cao này để thấy cái tấp nập bán mua, của những khu hành chính tận tụy phục vụ nhân dân. Và để thăm các khu mỹ nghệ trầm hương, lựa chọn cho mình những sản vật đặc hữu của làng nghề này từ những chạm nổi điêu khắc tinh tế, những vòng hạt, những nén hương trầm mặc…
Đến Cà Tang lại chia đôi ngả cung đường, qua bên kia cầu Nông Sơn là nhà máy nhiệt điện đang hoạt động ngày đêm hòa vào dòng điện lưới quốc gia - trái tim của ngành công nghiệp Nông Sơn. Để theo chân những cô thợ mỏ vào những vỉa than để xem cái khoáng vật mang lại những thay da đổi thịt cho vùng đất này. Ngược đèo Nông Sơn về Phước Ninh để dừng chân Dùi Chiêng, Xuân Hòa hay ngắm những đồi cao su đang mùa thay lá chuyển sang màu đỏ nhuộm cả cánh rừng. Đến Quế Lâm để vào thăm những vựa mía đường của Tí, Sé mua cái bánh tráng nướng từ mấy lò bánh quanh xóm nhỏ, nhúng vào chảo đường non nghe dậy mùi ngào ngạt mà tan giòn trong khoang miệng nôn nao. Qua Cầu Treo vắt mình qua sông Thu thơ mộng xuôi xuống Quế Phước ghé Phú Gia rồi xuống Quế Ninh thăm chợ Khánh Bình theo rẻo đường xuôi lại về Cà Tang…
Nông Sơn đẹp lắm theo cảm quan của những người dừng ghé, đi đâu tại Nông Sơn cũng thấy xung quanh mình là những ngọn núi bao quanh sừng sững, để thấy ta như lọt trong cái thung lũng hiền hòa. Những đồng ruộng xanh ngát kéo dài đến tận chân núi, dòng sông thì hiền hòa chảy chất nặng phù sa cho các nhà vườn cây trái. Vãn cảnh núi non, sông suối, hồ đập để thấy cái yên bình nhè nhẹ như làn khói nóng Tây Viên. Đến Nông Sơn đừng chỉ dừng chân tại làng cây trái hay quẩn quanh khu trung tâm huyện mà hãy thử rong ruổi theo các cung đường để thấy cảnh sống còn lắm thân thương như rũ bỏ muộn phiền phố thị của những người chân quê với những khu vườn rợp mát cây xanh và tình người nồng đượm vô ngần.