Khai thác du lịch văn hóa: Phát huy vai trò của cộng đồng

Thứ ba, 29 Tháng 10 2019 07:25 (GMT+7)
Có thể nói, khai thác và phát huy giá trị văn hóa là thế mạnh của du lịch Bạc Liêu. Đây chính là lợi thế cạnh tranh và tạo bản sắc riêng cho du lịch tỉnh. Song, việc khai thác và phát huy như thế nào để mang lại hiệu quả cũng là chuyện đáng bàn.

Lễ hội Kỳ yên của cộng đồng người Hoa Bạc Liêu.

Chưa khơi dậy yếu tố cộng đồng

TP. Bạc Liêu tập trung nhiều công trình văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, cũng là địa phương được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận có nhiều điểm du lịch hấp dẫn nhất. Trong 9 điểm du lịch của tỉnh được công nhận, TP. Bạc Liêu đã có đến 8 điểm, gồm: Khu du lịch Quán âm Phật đài, Điện gió, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương, khu du lịch biển nhân tạo Nhà Mát, khách sạn Bạc Liêu và Khu du lịch sinh thái Hồ Nam.

Những năm qua, các điểm du lịch này thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh đất và người Bạc Liêu, phát triển thương mại, dịch vụ và tăng trưởng kinh tế của thành phố, của tỉnh. Theo thống kê, mỗi năm TP. Bạc Liêu đón hơn 1 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân khoảng 16%/năm, tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm.

Để có được những kết quả trên, TP. Bạc Liêu đã tranh thủ huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội để thu hút du khách. Song, việc khai thác du lịch trong thời qua, nhất là du lịch văn hóa cũng còn tồn tại nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Du khách tham gia múa Lâm-thôn ở chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu).

Một trong những khó khăn và bất cập lớn nhất là chưa phát huy được vai trò của cộng đồng cho phát triển du lịch. Trong khi đó, cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển du lịch bền vững. Đơn cử là việc phát triển các dự án du lịch lâu nay chủ yếu dựa vào nguồn lực của doanh nghiệp, chứ chưa quan tâm nhiều đến yếu tố cộng đồng. Nghĩa là khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng hoàn thành dự án du lịch và đưa vào khai thác là kể như xong. Còn việc cộng đồng dân cư ở khu vực xung quanh có được hưởng lợi, cũng như chung tay để góp phần phát triển dự án du lịch đó thì gần như chưa được quan tâm! Bất cập này đã làm cho nhiều dự án du lịch gặp khó khăn là không đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, luôn khan hiếm nguồn nhân lực vì lao động địa phương không tham gia làm du lịch.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vai trò của cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Nghĩa là họ chưa được chia sẻ lợi ích kinh tế và chưa thấy được trách nhiệm của mình trong việc tạo môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển. Do vậy, họ vô tư xả thải rác gây ô nhiễm môi trường, kinh doanh du lịch theo kiểu “ăn xổi ở thì”; thậm chí lợi dụng sự bất cẩn, nhẹ dạ của du khách để kiếm lợi bất chính thay vì tạo lòng tin và xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách.

Có thể thấy, tại nhiều điểm du lịch trên thế giới, du khách khi đến nghỉ dưỡng không sợ bị mất cắp, hoặc cướp giật, bởi cộng đồng dân cư ở khu vực đó nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh và tạo lòng tin cho du khách. Họ bảo vệ du khách cũng chính là bảo vệ thu nhập và kinh tế của gia đình mình.

Xét ở góc độ nào đó, cộng đồng dân cư còn quyết định đến chất lượng và hiệu quả của các dự án du lịch, vì chẳng có du khách nào lại muốn tiếp tục đến một nơi mà dân cư ở khu vực đó thiếu thiện cảm, mất an ninh trật tự và họ không được tôn trọng. Đây cũng là lý do mà ngành Du lịch TP. Bạc Liêu đề ra khẩu hiệu “Người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh và lịch thiệp”. * Du khách tham gia múa Lâm-thôn ở chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu).

Cần sự đồng thuận của người dân

Phản ánh vấn đề này để thấy rằng, việc phát triển các dự án du lịch cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, trong đó, việc giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế chính là giải pháp không thể thiếu cho phát triển bền vững. TP. Bạc Liêu sẽ khó phát triển du lịch sinh thái vườn hay mô hình du lịch homestay ở các xã vùng ven biển, nếu cộng đồng dân cư ở khu vực đó không đồng thuận. Do vậy, phương châm hành động “Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” không đơn thuần là người dân tham gia với doanh nghiệp làm du lịch để chia lợi nhuận, mà còn là phát huy vai trò của họ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa đặc thù của từng địa phương. Đây chính là lợi thế mà các nhà quản lý du lịch cần tập trung khai thác để làm phong phú và đa dạng các sản phẩm du lịch. Điển hình như khu du lịch Giồng Nhãn (trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông) là nơi giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng người Hoa và Khmer. Bản sắc văn hóa ấy cũng được coi là tài nguyên cho phát triển du lịch văn hóa.

Du khách tham quan nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Phát triển du lịch văn hóa hay du lịch cộng đồng là vấn đề không mới, nhưng cái mới ở đây chính là cần nhận thức đúng về vai trò, vị trí của loại hình du lịch này mà người dân là chủ thể. Cụ thể, trong phát triển du lịch lễ hội, doanh nghiệp không thể tham gia trực tiếp vào việc tổ chức lễ, mà thực hiện các nghi thức, hành lễ chính là cộng đồng. Vì cộng đồng vừa là người sáng tạo văn hóa, nhưng đồng thời cũng vừa là người hưởng thụ, giữ gìn những nét đẹp văn hóa ấy. Họ có thể mời du khách tham gia múa Lâm-thôn (của đồng bào Khmer), hay dự lễ Kỳ yên cầu phúc lộc (của đồng bào người Hoa)…

Từ ý nghĩa và tầm quan trọng của cộng đồng cho thấy, nếu phát huy được vai trò của cộng đồng thì sẽ góp phần xây dựng du lịch bền vững và huy động thêm nhiều nguồn lực cho ngành "công nghiệp không khói".

 

KIM TRUNG - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn