Những năm gần đây, cộng đồng dân cư làm DL theo hình thức homestay hoặc tham gia vào các dịch vụ bán hàng, hướng dẫn tham quan, vận chuyển, hướng dẫn du khách… đang ngày càng phát triển và trở thành mô hình DL mang lại lợi ích kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương và cộng đồng dân cư bản địa. DL cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên cũng như các giá trị văn hóa độc đáo. Mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tiếp nối thành công của các lớp học trước, Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức DL cộng đồng” cho người dân địa phương làm DL trên địa bàn TP. Châu Đốc.
Người dân địa phương thân thiện, hướng dẫn du khách tận tình… là một nhân tố quan trọng góp phần để du lịch phát triển bền vững
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư tỉnh Lê Trung Hiếu cho biết, thông qua lớp tập huấn, người dân thấy được lợi ích DL đem lại, biết về kỹ năng phục vụ, giao tiếp, thái độ ứng xử văn minh, thân thiện với du khách, từ đó thay đổi nhận thức, phong cách làm DL. Cộng đồng làm DL, điều đầu tiên, người dân được chính người trực tiếp thụ hưởng nguồn lợi từ kinh doanh, phục vụ DL. Nói đơn giản hơn, nếu người dân muốn khách DL đến với mình nhiều hơn, để khách mua sắm, lưu trú nhiều hơn thì điều quan trọng nhất chính là mỗi người dân làm DL phải thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự… để du khách hài lòng và muốn trở lại DL lần sau.
Là người tham gia lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức DL cộng đồng” cho người dân tại khu DL núi Sam, ông Nguyễn Thanh Phương (Chủ cơ sở kinh doanh lưu trú tại phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) cho rằng, những lớp học này rất bổ ích đối với cộng đồng dân cư làm nghề kinh doanh, phục vụ DL vì người dân không có nhiều kiến thức về DL. Ngay sau lớp tập huấn, ông sẽ áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế để phục vụ khách DL đến tham quan. Mặt khác, để thu hút du khách, để khách an tâm hơn khi đến với Châu Đốc nói riêng, tỉnh An Giang nói chung rất cần sự chung tay của những người làm nghề kinh doanh, phục vụ DL. Trong phục vụ du khách luôn tận tình, lịch sự, buôn bán đúng giá, hàng hóa chất lượng. Bên cạnh đó, cũng mong chính quyền địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy đuổi, “dẹp” những người mua bán chim phóng sinh, gạo muối, nhang đèn, cò mồi, chèo kéo du khách… để Châu Đốc thật sự là điểm đến an toàn, thân thiện với du khách.
An Giang hiện có 95 cơ sở lưu trú DL (1 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao, 8 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 2 nhà nghỉ DL), có 2 khu DL (Khu DL núi Cấm, Khu DL quốc gia núi Sam) và 13 điểm tham quan DL. Trong 9 tháng của năm 2019, An Giang đón trên 8,3 triệu lượt khách (tăng 3,75% so năm 2018, đạt 90,22% so với kế hoạch). Trong đó, lượt khách lưu trú tại các khách sạn đạt chuẩn là 500.000 lượt (tăng 4,17% so năm 2018, đạt 71,43% so với kế hoạch); lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 360.000 lượt (tăng 12,5% so năm 2018, đạt 72% kế hoạch); khách quốc tế ước đạt 65.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 4.700 tỷ đồng (tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2018, ước đạt 85,45% so kế hoạch). Riêng lượng du khách đến TP. Châu Đốc gần 5,4 triệu lượt (tăng 6,1% so cùng kỳ). Con số trên cho thấy lượng du khách đến An Giang rất đông, nhưng lượng khách lưu trú, “xài tiền” còn rất hạn chế.
ThS Nguyễn Thị Trung Trinh (giảng viên Khoa Lữ hành, Trường Cao đẳng Nghề DL Sài Gòn) cho rằng: “Du khách đến đông chưa đủ, quan trọng là làm sao để khách lưu trú, tiêu tiền, mua sắm hàng hóa. Để làm được điều này thì địa phương, các công ty DL, lữ hành cần quan tâm, đầu tư thêm những sản phẩm DL, các trò chơi giải trí… để “giữ khách” lưu trú. Đặc biệt, nhân lực là yếu tố cần thúc đẩy trước. Bởi, nếu chúng ta có nguồn nhân lực tốt thì đương nhiên chất lượng dịch vụ sẽ tốt, mà chất lượng tốt thì du khách sẽ quay lại. Vì vậy, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phục vụ DL cho cộng đồng dân cư là việc làm cần thiết, phải nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích mà DLcộng đồng mang lại. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động phục vụ du khách của người dân làm DL tại địa phương”.