Mục tiêu nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển một số loài cây thuốc có giá trị; hình thành khu sản xuất cây thuốc tập trung, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; nâng cao ý thức của nhân dân trong vùng về bảo vệ tài nguyên cây thuốc. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề tài và báo cáo UBND tỉnh.
6 nội dung chính thực hiện đề tài gồm: điều tra, khảo sát khu vực núi Cấm (điều kiện thời tiết, phân tích đất đai khu vực trồng mô hình); sưu tập bổ sung 30 loài cây thuốc phục vụ công tác nhân giống và bảo tồn. Thiết kế quy hoạch khu vực trồng cây dược liệu (diện tích 5.000m2 tại núi Cấm).
Hoàn thiện quy trình nhân giống, chăm sóc cây con ngoài vườn ươm và nhân nhanh số lượng cho 5 loài cây thuốc tiêu biểu phục vụ công tác xây dựng mô hình sản xuất dưới tán rừng và ngoài đồng. Xây dựng mô hình trình diễn trồng cho 5 loài cây thuốc trồng dưới tán rừng và trong nông hộ theo hướng VietGAP. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thuốc theo hướng VietGAP.
Trồng dược liệu tại khu bảo tồn
Đến nay, nhóm chủ nhiệm đề tài phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang, Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty Cổ phần Phát triển du lịch An Giang đã thu thập thông tin về khí hậu, địa lý, đất đai là căn cứ để xây dựng quy trình trồng và chăm sóc cây thuốc. Phỏng vấn các lương y, nhà quản lý địa phương có kinh nghiệm lâu năm về cây thuốc vùng Bảy Núi để chọn lựa các giống cây thuốc quý, có giá trị phục vụ công tác sưu tập bảo tồn. Khảo sát thực địa khu vực du lịch núi Cấm, lấy mẫu đất phân tích... Sưu tập bổ sung 30 giống cây dược liệu phục vụ công tác bảo tồn.
Được sự thống nhất giữa đơn vị thụ hưởng là Công ty Cổ phần Phát triển du lịch An Giang, đơn vị chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng mô hình trồng, chọn 5 cây thuốc phục vụ cho nghiên cứu nhân giống là: trà tiên, bách hợp, khổ qua rừng, đương quy Nhật, sâm cao. Trong đó nghiên cứu quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm cành trên cây trà tiên, bách hợp; nghiên cứu quy trình trồng nhân giống bằng phương pháp gieo hạt trên khổ qua rừng và đương quy Nhật; nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp cấy mô trên sâm cao.
Đã thiết kế quy hoạch vùng trồng 5.000m2 tại Khu du lịch Lâm viên núi Cấm thuộc Công ty Cổ phần Phát triển du lịch An Giang để phục vụ trồng sản xuất cây thuốc vừa phục vụ tạo cảnh quan khu vực, là điểm tham quan về mô hình trồng cây thuốc hiệu quả. Thiết kế cảnh quan khu vực trồng bảo tồn - sản xuất cây thuốc. Hoàn thiện quy trình nhân giống, chăm sóc cây con ngoài vườn ươm và nhân nhanh 5 loài cây thuốc đại diện tiêu biểu của núi Cấm. Xây dựng và hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc 5 loại cây thuốc trên.
Chị Trần Thị Thu Em (Trưởng ban Ứng dụng công nghệ sinh học Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển du lịch An Giang - Khu du lịch Lâm viên núi Cấm) cho biết: “Dự án nhằm khôi phục bền vững các cây dược liệu có giá trị hiện nay như: xạ đen, hoàng ngọc, đương quy, sâm cao, trà tiên và khổ qua rừng. Hướng tới, sau khi khách du lịch có những chuyến tham quan thưởng ngoạn núi Cấm bằng các dịch vụ như: cáp treo, xe du lịch.. khách du lịch có thể đến đây tham quan, tìm hiểu, biết được bộ sưu tập cây dược liệu của núi Cấm. Đặc biệt là mô hình sản xuất cây dược liệu thực tế.
Tại đây, khách du lịch có thể trao đổi, học hỏi quy trình sản xuất canh tác, thu hoạch cây dược liệu và có những sản phẩm dược liệu sơ chế tại vùng trồng làm quà tốt cho sức khỏe “.
Đề tài quy mô 5.000m2, hiện nay đơn vị đã trồng gần 6.000m2, với 9 loại cây dược liệu, gồm 5 loại trên và hà thủ ô đỏ, kim ngân hoa, chè vằn, xạ đen. Khu trồng dược liệu đã đón nhiều đoàn khách tham quan, các trung tâm, Hội Đông y và học sinh; được khách du lịch đánh giá rất cao.
Đề tài hoàn thành tỉnh sẽ có được bộ sưu tập cây thuốc (30 giống cây sưu tập mới), 10.000 cây giống của 5 loài cây thuốc có giá trị về y học, tiêu biểu của núi Cấm; sơ đồ thiết kế cảnh quản khu cực trồng cây thuốc, nhà trưng bày cây thuốc, 15 quy trình công nghệ...
Trên cơ sở kết quả điều tra khí hậu, đất đai khu vực núi Cấm, kế thừa các kết quả nghiên cứu quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sơ chế và bảo quản các loài cây dược liệu. Tới đây sẽ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm cây thuốc để vừa làm nơi bảo tồn - sản xuất một số loài cây dược liệu có giá trị. Đồng thời, là nơi tạo cảnh quan cho Khu du lịch núi Cấm để các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập, nhân rộng.
HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)