Ông Tư Cá Linh (bìa trái) chụp hình cùng khách du lịch
Tham gia kháng chiến chống Mỹ từ những năm 1970, sau khi đất nước thống nhất, ông Nguyễn Bé Tư trở về với cuộc sống đời thường và bắt tay vào “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế tại vùng đất Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự). Ông Tư nhớ lại: “Thời điểm đất nước mới thống nhất, vùng đất này còn nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ làm có một vụ lúa mùa nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Để tìm miếng cơm, manh áo cho vợ con, tôi phải chật vật làm đủ nghề”.
Nhận thấy việc canh tác lúa chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, ông Tư quyết định chọn cây sen để canh tác. Vậy là năm 2011, ông Tư chuyển toàn bộ “cơ ngơi” về bám trụ với diện tích hơn 4ha đất tại ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông và chuyển 3ha trồng lúa sang trồng sen. Ông Tư chia sẻ: “Chỉ 2 năm đầu, cây sen giúp kinh tế gia đình khá lên đôi chút nhưng từ năm thứ 3 trở đi, giá sen xuống thấp, đầu ra khó khăn khiến tôi một lần nữa trăn trở với bài toán đầu ra nông sản...”.
Với bản tính kiên cường của người lính cụ Hồ, ông Nguyễn Bé Tư chưa bao giờ chịu đầu hàng trước khó khăn. Ông Tư tiếp tục tìm tòi, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế mới tại các địa phương để xây dựng cho mình mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Một lần tình cờ, ông Tư đến tham quan mô hình kinh doanh du lịch homestay (dịch vụ lưu trú tại nhà dân) tại Cà Mau, ông nhận ra địa phương mình đang có những lợi thế để làm du lịch theo hình thức này. Thuận lợi hơn khi nhà ông Tư gần khu Ramsar Tràm Chim và loại hình du lịch homestay này vẫn còn khá mới lạ tại huyện Tam Nông, chưa có ai khai thác, việc đầu tư vào lĩnh vực này sẽ tạo nét đột phá trong phát triển kinh tế...
Du khách trải nghiệm dịch vụ bơi xuồng hái sen tại homestay Tư Cá Linh
Nghĩ là làm, khi xây dựng căn nhà để ở, ông Tư đầu tư hẳn 7 phòng để làm homestay cho khách. Đồng thời, với diện tích 3ha trồng sen của mình, ông Tư xây dựng lúc đầu là 2 căn nhà lá phục vụ cho khách lưu trú. Sau này, ông mở rộng xây thêm 2 căn nữa khi nhu cầu du khách đến lưu trú ngày càng đông, đáp ứng nhu cầu cho du khách. Hiện nay, khu homestay của ông có 11 phòng, có thể phục vụ trên 60 khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng.
Ngoài dịch vụ lưu trú, để làm phong phú thêm các hoạt động tại điểm homestay của mình, ông Nguyễn Bé Tư còn đầu tư thêm các dịch vụ giải trí khác để thu hút du khách như: bơi xuồng hái sen, câu cá, cất vó, chạy xe đạp khám phá vùng quê... Đặc biệt là dịch vụ tát mương bắt cá tạo sự thích thú đối với du khách. Anh Hoàng Văn Tiến - du khách ở TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Trước nay, tôi có nghe bạn bè giới thiệu về homestay Tư Cá Linh nhưng hôm nay mới có dịp đưa gia đình đến điểm du lịch này. Khác biệt lớn nhất so với các điểm homestay khác là không gian tại đây rất thoáng mát, cách thiết kế phòng sạch sẽ, tiện lợi. Đặc biệt với tôi là dịch vụ bắt cá, bơi xuồng giúp gia đình trải nghiệm một ngày làm nông dân rất vui và thú vị. Nếu có dịp về Tam Nông lần nữa, tôi sẽ trở lại nơi đây để nghỉ dưỡng, tham quan”.
Dịch vụ tát mương bắt cá tạo sự thích thú đối với du khách
Ông Nguyễn Bé Tư chia sẻ: “Du khách đến với khu homestay đủ các thành phần, từ sinh viên đến các nhóm du lịch gia đình, kể cả người nước ngoài. Khách đến thường liên hệ trước để đặt trước chỗ nghỉ và nếu có nhu cầu ăn uống tại đây thì điểm du lịch còn phục vụ chu đáo các món ăn đồng quê mang nét đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười”.
Trước tín hiệu lạc quan từ thị trường, ông Nguyễn Bé Tư sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1.300ha trồng sen để vừa phục vụ điểm du lịch vừa làm kinh tế. “Tôi nghĩ mình có thể làm du lịch lâu dài hơn nữa nếu làm đúng và trúng theo thị hiếu du khách. Không chỉ tôi mà nếu nông dân quê mình có đam mê và quyết tâm làm du lịch thì đều có thể thành công”, ông Nguyễn Bé Tư chia sẻ.