Hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của ĐBSCL

Thứ hai, 02 Tháng 12 2019 13:09 (GMT+7)
Thu hút, hấp dẫn du khách bằng những sản phẩm mới, đặc thù... luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành công nghiệp không khói. Hội thảo “Giới thiệu sản phẩm du lịch ĐBSCL” vừa diễn ra trong khuôn khổ VITM Cần Thơ 2019, gợi mở, giúp ĐBSCL có những định hướng phát triển du lịch phù hợp trong thời gian tới.
 
 
Theo ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT & DL) TP Cần Thơ,  Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (DL) ĐBSCL, tiềm năng DL của vùng chưa được đầu tư đúng mức để khai thác hiệu quả. Hoạt động DL chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm tương tự nhau, dễ gây nhàm chán, khai thác sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn, mạnh ai nấy làm. Vì thế sản phẩm DL vùng chưa thực sự hấp dẫn và khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao.
 
Nói về sản phẩm đặc thù, đại diện từ Kiên Giang cho rằng sản phẩm DL của Kiên Giang cơ bản dựa trên định hướng Chiến lược phát triển sản phẩm DL tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, kết hợp cùng đề án Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL. Phú Quốc được chọn làm điểm nhấn chính với nhiều sản phẩm đặc trưng; trong đó, phải nói đến nghỉ dưỡng, biển đảo cao cấp. Tuy nhiên, để hình thành sản phẩm đặc thù và định vị cho DL ĐBSCL, cần sự chung tay của các địa phương.
 
“Chúng ta cần nghiên cứu, khai thác tốt sự khác biệt để tạo ra sản phẩm đặc thù của địa phương, từ đó liên kết với nhau tạo thành chuỗi sản phẩm vùng” - ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở DL tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Cần Thơ và Phú Quốc đều có cảng hàng không và đang vận hành tốt.
 
Thực tế, du khách đến Phú Quốc đều có mong muốn đến các tỉnh khác ở ĐBSCL và việc nối chuyến đến Cần Thơ rất hiệu quả; Cần Thơ và Phú Quốc cũng trở thành điểm trung chuyển khách tốt. Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ, chia sẻ, việc khai thác các đường bay sẽ mang khách về Cần Thơ và ĐBSCL nhiều hơn. “Chúng tôi mong sẽ có nhiều đường bay được khai thác hơn nữa vì điều này giúp ĐBSCL được kết nối với các vùng trung tâm về DL hiệu quả hơn”- bà Lê Đình Minh Thy nói.
 
Thực tế, về việc khai thác sản phẩm DL ĐBSCL, các đơn vị lữ hành có cách khai thác các dòng tour, tuyến đa dạng nếu địa phương cung cấp được những sản phẩm phù hợp. “Chúng tôi muốn giới thiệu hình ảnh DL miền Tây đặc trưng, có sự khác biệt và đa dạng giữa các dòng sản phẩm đến người mua và du khách quốc tế, để khách cảm nhận được một ĐBSCL không chỉ có sông nước, cây trái. Con người, văn hóa cũng là những đặc trưng rất độc đáo mà nếu được khai thác tốt, có thể sẽ mang lại cho DL miền Tây những sắc thái mới mẻ hơn.
 
Đặc biệt, ở các điểm đến như Cần Thơ, Vĩnh Long… ngoài tham quan, du khách có thể kết hợp tổ chức du lịch MICE vì dịch vụ và hạ tầng ở các điểm đến này hiện tại khá tốt, có thể đáp ứng cho các loại hình du lịch hội nghị, sự kiện mà không quá tốn chi phí di chuyển bằng đường bay vừa có thể kết hợp tham quan trên đường đi”- bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành Fiditour, chia sẻ.
 
Gian hàng quảng bá du lịch của Hậu Giang tại VITM Cần Thơ 2019.
 
Nhiều đơn vị lữ hành đánh giá, sản phẩm DL ĐBSCL vẫn có sức hút với du khách, nhất là các tour trải nghiệm văn hóa, cộng đồng, tuy nhiên điều cần thiết là phải trau chuốt về chất lượng. Để tạo ra sản phẩm DL đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL, các địa phương cần thiết phải quan tâm đến việc hình thành không gian và chuỗi sản phẩm liên kết.
 
ĐBSCL đã ký kết nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh, thành, khu vực trên cả nước và gần đây là chương trình mang tính chiến lược đang được bàn thảo giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh (chuẩn bị ký kết vào trung tuần tháng 12). Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DL Việt Nam cho rằng: “Việc liên kết giữa các địa phương là rất cần thiết nhưng điều cần quan tâm chính là lượng khách và doanh thu phải tăng trưởng bền vững. Vì thế, trong các ký kết phải đặt ra mục tiêu rõ ràng là tăng bao nhiêu khách và phải có những hành động cụ thể, thiết thực chứ không nói chung chung”.
 
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng VITM Cần Thơ và những diễn đàn, hội thảo, hội nghị bên lề, được xem là những cú hích quan trọng cho du lịch Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Đây là tiền đề để tạo ra những sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, những liên kết vùng hiệu quả, từ đó thúc đẩy du lịch ĐBSCL phát triển.
Bài, ảnh: Ái Lam - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn