Than Uyên – Vẻ đẹp tiềm ẩn

Thứ tư, 04 Tháng 12 2019 08:15 (GMT+7)
Than Uyên là huyện miền núi thuộc tỉnh Lai Châu. Dù là huyện miền núi nhưng Than Uyên không chỉ có núi đồi mà còn có những cánh đồng lúa bát ngát và hồ nước mênh mông với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và những nét văn hóa riêng để lại cho du khách những ấn tượng đặc biệt.
 
 
Than Uyên là vùng đất kiểu thung lũng bồn địa dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, có vùng đồng bằng thấp và vùng núi cao. Nằm ở độ cao 500 - 1.800m so với mặt biển, Than Uyên có hai dãy núi chạy song song: phía Đông là dãy Hoàng Liên Sơn và phía Tây là dải đồi núi thấp thuộc dãy Pu Sam Cáp, nằm giữa hai dãy núi là cánh đồng Mường Than. Giữa những cánh đồng hoặc các vùng đồi núi thấp, ven các sông suối còn có rất nhiều dãy núi đá vôi.
 
Nơi đây có hai mùa chính là mùa mưa và mùa khô rõ rệt, tuy nhiên trong từng thời điểm giao mùa thì cảnh sắc thiên nhiên ở đây đẹp tuyệt vời. Mùa xuân, Than Uyên như bừng lên sức sống mới, tươi tắn với những loài hoa ban, hoa đào, hoa mận rực rỡ, những vườn cây, núi đồi trải một màu xanh non của lộc biếc. Vào mùa thu, Than Uyên dịu dàng với mặt nước hồ xanh biếc lăn tăn gợn sóng, những hàng cây lác đác lá vàng và những đồi cỏ ngả màu vàng xanh, những rừng thông xanh đậm như chuẩn bị sẵn sàng cho một mùa đông rét mướt.
 
Ở Than Uyên có hang núi Thẩm Đán Chiể (xã Mường Kim) đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh vì ở đây đã phát hiện được các di tích hóa thạch của người tối cổ. Bên cạnh đó, các hang Thẩm Poóng, Thẩm Nánh ở xã Ta Gia, hang Che Bó ở xã Phúc Than đều là những hang rộng, có cả hang khô và hang nước, phù hợp với cuộc sống của loài người thuở sơ khai rất cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu.
 
Than Uyên đang là một điểm đến hấp dẫn của du khách, đặc biệt với những ai yêu vẻ đẹp mộc mạc của cảnh quan tự nhiên miền núi. Đến Than Uyên du khách không thể bỏ qua những cánh đồng. Từ mùa ruộng đổ nước vụ chiêm tháng giêng, vụ mùa tháng bảy đến khi lúa thì con gái và mùa lúa chín, mỗi mùa những cánh đồng ở Than Uyên lại có vẻ đẹp rất riêng. Đi từ Mường Kim đến Mường Cang, Hua Nà là những cánh đồng nhỏ ven suối hay tới cánh đồng Mường Than, Phúc Than là những cánh đồng rộng bát ngát chạy đến chân núi. Đến Than Uyên vào mùa lúa trổ đòng và mùa lúa chín, hương lúa tỏa hương khắp cả một vùng làm say đắm biết bao du khách.
 
 
Hiện nay, Than Uyên có thêm 2 hồ thủy điện lớn là Bản Chát có diện tích mặt hồ rất lớn và Huổi Quảng có mặt hồ hẹp và dài. Xung quanh hồ thủy điện là rừng cây tự nhiên, rừng cao su và bản làng của người Thái, người Kh’mú. Những quả núi, ngọn đồi trước kia cao chót vót giờ chìm sâu trong làn nước biếc thành những đảo nhỏ lúp xúp trên mặt hồ. Du khách có thể chèo thuyền quanh hồ hoặc thuê thuyền máy để dạo chơi trên mặt hồ xanh yên bình.
 
Ẩm thực Than Uyên có nét độc đáo rất riêng. Người dân tộc Thái ở Than Uyên nấu ăn rất cầu kỳ và quan tâm đến gia vị. Món ăn của họ đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như: hạt mắc khén, ớt, tỏi, gừng, muối... Những món ăn độc đáo của người Thái như: “cáy pỉng” (gà nướng) món “mọ” (gà hầm tấm gạo và gia vị), món “nhứa giảng” (thịt trâu hun khói), “khảu lam” (cơm lam), “nhứa mù khủa” (thịt lợn hấp)... Đến Than Uyên mà chưa từng ăn “pa pỉn tộp” (cá nướng), “khẩu hốc” (nắm xôi), “séng cù” (cơm gạo thơm dẻo) thì như chưa từng đến nơi đây.
 
Ngoài ẩm thực của người dân tộc Thái thì món bánh giày của người dân tộc Mông cũng mang hương vị rất đặc biệt. Bánh được làm từ xôi nếp vừa đồ xong còn nóng hổi, đổ ra máng gỗ và dùng chày giã liên tục cho đến khi xôi nát như bột nhuyễn quyện vào nhau thì nặn thành những chiếc bánh tròn lớn, đặt trên lá dong xanh, rắc thêm chút vừng, chút đỗ xanh giã nhỏ. Nhìn chiếc bánh trắng tinh lấm tấm đỗ vừng, hấp dẫn vô cùng. Đặc biệt khi bánh giày khô, cứng lại, phải dùng dao chặt từng miếng nhỏ, cho vào chảo mỡ nóng rán giòn, thơm và ngậy...
 
Ở Than Uyên có nhiều lễ hội nhưng được nhiều người biết đến nhất là Then Kin Pang diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm tạ ơn các đấng thần linh trên mường trời. Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) sau Tết Nguyên đán cũng là một nghi lễ quan trọng trong nông nghiệp, mở đầu một năm mới, một mùa sản xuất mới, cầu cho mùa màng bộ thu, bản làng yên vui…
 
Đến Than Uyên vào thời gian nào cũng rất tuyệt. Tháng 7, Than Uyên đến mùa đổ nước ruộng vụ mùa, những cánh đồng sẽ đầy ăm ắp nước, sáng long lanh dưới ánh nắng mặt trời. Tháng 9, Than Uyên thật êm đềm và trong trẻo. Tháng 11 - 12, những cánh đồng, những vạt nương lại vàng ruộm lúa chín. Và mùa xuân tới, Hội Xòe chiêng, Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Then Kin Pang lại mở... Tất cả đang chờ đợi du khách tới trải nghiệm và khám phá.
Đinh Hồng Nhung - (vtr.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn