Câu chuyện du lịch nông nghiệp

Thứ tư, 25 Tháng 12 2019 07:33 (GMT+7)
Nói nào ngay, cách đây vài năm, người nông dân quê mình đâu có “mơ” một ngày trở thành ông chủ của những điểm du lịch đâu! Trước giờ, suốt ngày chỉ “quanh đi, quẩn lại” chuyện đồng án, vườn tược thôi. Trồng trọt thì không ai bằng, chăn nuôi chẳng ai chê. Trông lên trời thì biết chắc chắn khi nào mưa, lúc nào nắng. Ngó xuống đất thì biết ngay chỗ nào chai, chỗ nào xốp. Nhưng giờ đổi thay rồi, làm chủ một điểm du lịch rồi, mặc dù vẫn có lúc còn hiểu hơi phập phù thế nào là du lịch, thế nào là điểm tham quan, thế nào là quán ăn miệt vườn...
Ảnh minh họa
 
Thì mới đầu có miếng vườn, thấy khách đến tham quan xin chụp hình làm kỷ niệm thì bán vé tham quan. Rồi có khách thì bán thêm trái trên cây, thêm ly nước cho khách đỡ khát, dần dần “tập tành” bán bữa cơm cho khách đường xa. Vậy là, phải cất tum, dựng chòi. Chỗ này lát thêm con đường, chỗ kia bắc thêm cây cầu. Rồi sắm thêm mấy bộ bàn, mua thêm vài chục cái ghế. Đồ sắt đồ nhôm cũng được, mà đồ nhựa, đồ gỗ cũng xong. Bếp núc, nhà vệ sinh thì có sẵn hoặc “cơi nới” thêm. Thức ăn thì đồ vườn nhà không đủ thì chạy ra chợ. Nấu ăn thì cũng người trong nhà thôi mà, đâu cần thuê mướn đầu bếp làm gì cho mất công, tốn tiền. Vậy là đón khách được rồi. Ai nói làm du lịch là cần phải tinh tế thế này, phải chu đáo thế kia, dễ ợt, có gì khó khăn đâu ta?
 
Mà nói cho công bằng, lâu lâu cũng có ngành chuyên môn mời đi tập huấn, đưa đi vài chuyến tham quan, lại được mấy thầy về chia sẻ kiến thức, kỹ năng. Nào là, tiếp tân phải vầy, bếp núc phải vầy, bưng bê phải vầy... Vậy là mần thôi! Nhà này mần được thì nhà kia sao không mần được? Vậy là, khai trương. Vậy là đón khách. Rộn rã lắm! Vui vẻ lắm! Hồi trước giờ ra vô chỉ có vợ có con, giờ thì đoàn này đi, đoàn khác lại đến. Vậy là vừa vui, vừa có đồng ra đồng vô rồi! Nhưng hình như có điểm càng ngày càng đông, lại có điểm càng ngày càng thưa vắng. Mấy ông chuyên gia phán, tại vì điểm du lịch, tham quan nào cũng na ná điểm nào, món ăn nào cũng giông giống món ăn nào. Thì “quanh đi quẩn lại” cũng bơi xuồng, tát cá, rồi tát cá, bơi xuồng. Chỗ này cá lóc nướng trui thì chỗ kia lại nướng trui cá lóc... Khách họ sẽ thấy nhàm chán!
 
Khách hàng là thượng đế nên phải chìu chuộng. Ồn ào một chút chẳng sao, khạc nhổ một chút xá gì. Nhiều khách mới tới thì áo quần còn chỉnh tề, hứng lên vài ba ly thì cởi trần trùng trục cho nó mát cũng không sao. Nhóm khách nầy thì khoái ca hát vui vẻ, đoàn khách khác thì không thích ồn ào. Vậy là, đón được khách này thì khách khác bỏ đi. Còn nữa, hình như cái mình cho là ngon chưa chắc khách cho là ngon. Cái vụ khẩu vị mặn ngọt, chua cay, mới khó chớ. Người thích vị vầy, người chuộng vị khác. Món mình cho là thơm ngon thì họ “chê ỏng, chê ẹo”, mà dầu có ngon thật thì họ rùng mình sợ ngọt, sợ khét, sợ mỡ dầu...
 
Vậy đó, đón khách lần đầu đã khó, để khách còn trở lại nhiều lần lại càng khó hơn. Điều gì có thể níu chân khách ở lại và trở lại đây? Chắc là phải có điều gì đó “khang khác”, hay nói theo mấy thầy du lịch là “phải biết tạo ra sự khác biệt”. Nhưng ai là người giúp cho các điểm du lịch tạo ra sự khác biệt? Suy cho cùng, bà con mình chỉ là “tay ngang” không hà, học hành thì cũng có nhưng chắc còn “lõm bõm” lắm. Mấy nhà tư vấn thì xong việc đi rồi, các ngành chuyên môn khi khai trương thì đông đủ, giờ thì lâu thiệt lâu là lâu mới trở lại thăm, phán này phán nọ. Khách thì dòm ngó, chê bai thì nhiều, mấy ai thiệt tâm ngồi lại để góp ý cho bà con mình đây?!?
 
Kinh phí thì Nhà nước hỗ trợ một phần, gom góp một phần, vay hỏi một phần. Để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước thì phải làm đúng, đầy đủ thủ tục này, đề án kia, thiết kế nọ. “Nông dân không hà”, đâu phải ai cũng tự làm được. Vậy là, có khi “tiền vay bạc hỏi” làm trước mà chờ hoài chưa nhận được đồng vốn hỗ trợ. Vừa làm vừa lo, vừa làm vừa run! Phát triển du lịch đã có hẳn một đề án kèm theo đó là chính sách cụ thể, chỉ cần ngành chuyên môn sâu sát, nhiệt tâm, chân tình với bà con là làm được thôi. Vai trò của cơ quan chức năng không chỉ là quản lý chặt chẽ nguồn vốn, mà còn là tư vấn làm sao để bà con mình nhận được chính sách hỗ trợ một cách kịp thời. Ngành chức năng, người được phân công nhiệm vụ phải “lo cùng nỗi lo” của bà con, lúc nào cũng phải trăn trở sao cho giúp bà con mình một cách thuận tiện nhất, nhanh chóng nhất.
 
Muốn vậy, ngoài cái tâm, những người có chức năng phải thẩm thấu được giá trị của việc mình làm, phải cảm nhận được niềm hạnh phúc một khi giúp bà con mình đổi đời, quê mình có thêm nhiều điểm du lịch, nhiều người làm du lịch nông nghiệp thành công. Làm gì mà không biết tự hào, không thấy được niềm vui khi giúp cho người khác thì sẽ không “cháy hết mình”, thậm chí rơi vào thờ ơ, vô cảm.
 
Du lịch nông nghiệp không phải chỉ vì mục tiêu tăng trưởng ngành du lịch, mà sâu xa hơn là định vị thương hiệu cho nền nông nghiệp “Giá trị xanh từ những tiềm năng xanh” của Đất Sen hồng!
 
Xích Lô - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn