Khởi sắc du lịch cộng đồng

Thứ tư, 25 Tháng 12 2019 10:18 (GMT+7)
Du lịch cộng đồng đang trở thành xu hướng thu hút du khách, nhất là giới trẻ. Được hòa mình cùng thiên nhiên, thưởng thức các món ăn dân dã địa phương, nghe những bản tình ca đậm chất núi rừng và trên hết là được tận hưởng cuộc sống trong lành, xanh sạch chính là mong mỏi của mọi đối tượng du khách.
 
Du khách trải nghiệm máy đánh chữ kiểu cũ trong quán cà phê du lịch cộng đồng tại Trà Vinh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Du khách trải nghiệm máy đánh chữ kiểu cũ trong quán cà phê du lịch cộng đồng tại Trà Vinh. Ảnh: VIỆT DŨNG
 
Cây nhà lá vườn
 
Trưa cuối tuần, trong ánh nắng vàng ruộm trên các tán dừa ở khu vực Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh), du khách khá ngạc nhiên và thích thú khi trò chuyện cùng một thanh niên có giọng nói trong trẻo. Đó là Quốc Vinh, 22 tuổi, làm hướng dẫn viên du lịch cộng đồng được hơn 3 tháng. “Học xong phổ thông, em ở nhà phụ mẹ trồng lúa, hái dừa, phát triển kinh tế gia đình. Khi tỉnh thí nghiệm làm du lịch cộng đồng tại cồn, em xung phong làm thử. Lúc đầu run lắm, nói không nên lời vì ít khi tiếp xúc với người lạ, nhưng sau quen dần. Giờ đây, em có thể nói chuyện tự tin, thoải mái với du khách”, Quốc Vinh nói. 
 
Trong bộ đồ bà ba với nón lá truyền thống, nhiều hướng dẫn viên trẻ “cây nhà lá vườn” (sinh sống tại Cồn Chim) nhiệt tình hướng dẫn du khách trải nghiệm, tham quan những cánh đồng lúa đã thu hoạch, còn sót lại những gốc rạ vàng ươm. Chạy dọc theo các cánh đồng là những hàng dừa xanh mướt, nặng trĩu trái ngọt; lối vào nhà từng hộ dân đồng thời là các điểm tham quan, trồng nhiều rặng hoa li ti, đang mùa khoe sắc. “Đẹp quá. Tôi không ngờ bà con nơi đây làm du lịch khéo thế.
 
Chúng tôi được uống nước dừa, nạy dừa bằng các dụng cụ chế tác từ gáo dừa, đội nón lá tết bằng dừa, che nắng bằng dù dừa. Trên cồn không sử dụng các vật dụng bằng nhựa dùng một lần, nên cũng khuyến cáo du khách lỡ cầm đến thì phải đem về”, chị Nguyễn Thụy Anh, du khách đến từ TPHCM cho biết. Bà Nguyễn Thị Bích Vân (cô Vân Bếp xưa), cho hay, hàng chục hộ dân ở đây làm du lịch cộng đồng bằng cách tận dụng những gì sẵn có. Bà Vân chuyên làm các món mứt từ dừa non, sương sâm; cô Ba sữa làm bánh rau mơ, nhờ tận dụng lá mơ xung quanh nhà trồng được; điểm tham quan Bé Thảo chuyên về nước dừa cũng như các vật dụng từ dừa… Các điểm dừng chân ăn uống gồm: tôm, cua, cá, gà đều do bà con địa phương nuôi trồng, nên thịt ngon ngọt, rất tươi. 
 
Ngược về phía địa đầu Tổ quốc, nơi núi rừng Tây Bắc hùng vĩ cũng có một số khu du lịch cộng đồng khá nổi tiếng thuộc huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Nhiều bản làng, khu du lịch được địa phương tập trung thành chuỗi phục vụ du khách, đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán 2020 này. Điển hình như chương trình xuống đồng Tả Van, xòe Thanh Phú, cấp sắc Thanh Kim, lễ hội trên mây, một ngày làm nông dân Tả Phìn…
 
Du khách đến đây có thể tham gia các tuyến du lịch cộng đồng (thị trấn Sa Pa - Ý Linh Hồ - Lao Chải - Tả Van; Lao Chải - Tả Van - Bản Hồ - Thanh Phú - Nậm Sài; thị trấn Sa Pa - Tả Phìn - Móng Sến - Tắc Cô…). Trong số này, có điểm du lịch thôn Sả Séng (xã Tả Phìn), điểm du lịch Cát Cát (xã San Sả Hồ) được khách nước ngoài rất thích. “Khách được thưởng thức đặc sản địa phương, leo núi, trải nghiệm cuộc sống của dân tộc bản địa rất vui, nhiều sắc màu”, anh Nguyễn Văn Quân (ngụ tại Lê Văn Sỹ, quận 3, TPHCM) từng trải nghiệm du lịch ở Sa Pa kể lại. 
 
Biến di sản thành tài sản
 
Tuy còn non kinh nghiệm làm du lịch (chính thức hoạt động từ 9-9-2019), nhưng bà con ở Cồn Chim đã biết tận dụng thế mạnh vốn có của địa phương. Nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa của vùng quê Nam bộ, cảnh quan môi trường thân thiện, không khí trong lành. Khoảng 220 người dân ở Cồn Chim đang sinh sống nhờ nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sạch. 
 
Thông tin từ tỉnh Trà Vinh, địa phương đang thực hiện các chính sách hỗ trợ tổ chức, gia đình, cá nhân đầu tư phát triển du lịch. Cụ thể, đối với gia đình đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) từ 2-5 phòng, với mức hỗ trợ một hộ 30 triệu đồng/phòng; đồng thời hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn nhưng không quá 150 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 36 tháng tại các tổ chức tín dụng.
 
Thêm nữa, tỉnh cũng hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp đặc sản, hàng lưu niệm có quy mô 200m2 trở lên, sức chứa trên 100 khách, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/m2 xây dựng, tối đa không quá 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ 10% giá trị phương tiện đường thủy vận chuyển khách du lịch (trên 20 khách) cho tổ chức, hộ gia đình đầu tư mua sắm phương tiện, không quá 50 triệu đồng/phương tiện. 
 
Đối với huyện Sa Pa (Lào Cai), địa phương xác định phương châm “biến di sản thành tài sản” bằng cách phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù, hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo. Tranh thủ những vẻ đẹp, cảnh quan sẵn có, bà con địa phương được khuyến khích tham gia phát triển du lịch bền vững, như: bán hàng lưu niệm, hướng dẫn khách leo núi, biểu diễn văn nghệ, dịch vụ tắm lá thuốc núi của người Dao đỏ… Ghi nhanh tại một số làng như Cát Cát, đang có khoảng hơn 100/360 người làm du lịch; trên 100/516 người dân ở làng Lý Lao Chải tham gia hoạt động du lịch.
 
Phương châm “Du khách không mang gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” được tuyên truyền đều đặn, tích cực ở khắp nơi.
 
GIA HÂN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn