Đài phun nước nghệ thuật kết hợp âm nhạc tạo thêm điểm đến thú vị tại trung tâm TPHCM cho du khách. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trải nghiệm “Tinh hoa Tết Việt”
Xuân này, du khách đến tham quan TPHCM sẽ ngạc nhiên với những đường tour thân thuộc nhưng được làm mới, hấp dẫn hơn. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, thời gian qua, sở đã cùng doanh nghiệp cung ứng 8 tour khởi hành hàng ngày tới những điểm đến nổi tiếng của TP. Trong số này, du khách quốc tế tham quan đông hơn (khoảng 95%), còn lại là người dân TPHCM và các địa phương khác.
Năm 2020, TPHCM sẽ triển khai đưa các chương trình, điểm đến và trải nghiệm thú vị, sáng tạo ngay tại nơi người dân sinh sống để thu hút du lịch. Một trong các tour nổi bật dịp tết này chính là chùm tour “Tinh hoa Tết Việt: Free walking tour khám phá Sài Gòn xưa”, gồm tham quan Bưu điện TP - Nhà hát TP - Dinh Xã Tây (trụ sở UBND TPHCM) - Bảo tàng TPHCM - Hội trường Thống Nhất - Hồ Con Rùa - Nhà thờ Tân Định - Cà phê Cộng - Công viên Lê Văn Tám; City tour khám phá văn hóa người Hoa ở phố lồng đèn quận 5 - Trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam; “Việt Nam chuyện chưa kể - Sài Gòn xưa và nay”; “Sài Gòn rực rỡ sắc màu hoàng hôn”.
Lần lượt khám phá tour tham quan thành phố, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực đường phố, những món ăn đặc trưng trên vỉa hè TPHCM; ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn và dùng cocktail; tham gia làm nông dân, trải nghiệm làm đầu bếp, khám phá địa đạo Củ Chi…
Vợ chồng du khách người Mỹ là Marry và Paul Rozzell từng trải nghiệm Tết Nguyên đán tại Việt Nam chia sẻ, họ cảm nhận không khí vui tươi, ấm áp khi mọi gia đình Việt đều trang trí nhiều hoa, giăng đèn, treo cờ chuẩn bị đón tết về. Không khí này khá giống lễ Giáng sinh của nước họ.
“Chúng tôi tập gói bánh tét, đi chợ mua hoa mai, cúc, vạn thọ, tìm hiểu về cuộc sống đa sắc màu của đất nước các bạn. Tôi còn biết thêm, người đầu tiên đến nhà các bạn xông đất vào ngày mùng 1 sẽ mang lại may mắn, hạnh phúc cho gia chủ. Có dịp được chung vui mừng xuân mới ở một số gia đình người Việt, chúng tôi cảm thấy thật ấn tượng, khó quên”, chị Marry kể.
Gắn kết du lịch TPHCM - ĐBSCL
Điều đặc biệt đối với du lịch TPHCM năm 2020 là tiếp tục thắt chặt, kết nối du lịch thành phố với các tỉnh ĐBSCL. Trước đó, trong những tháng cuối năm 2019, thành phố đã liên tiếp có những ký kết hợp tác, tổ chức các chuỗi hội thảo tại TPHCM cũng như ĐBSCL.
Các nội dung thỏa thuận hợp tác chính thức có hiệu lực từ năm 2020-2025, bao gồm: Tăng cường trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL (thị trường khách du lịch, nguồn nhân lực, công tác đào tạo…); triển khai phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của từng địa phương; xây dựng thương hiệu du lịch vùng; TPHCM hỗ trợ giới thiệu giảng viên đào tạo, tập huấn cho các địa phương theo nội dung tỉnh đề xuất; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vào các địa phương…
Tại khuôn khổ diễn đàn kết nối du lịch TPHCM - ĐBSCL cuối năm 2019, có 179 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí đã được giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng TPHCM mời gọi đầu tư 51 dự án có tổng nhu cầu vốn gần 40.000 tỷ đồng. Hầu hết dự án này đều được các nhà đầu tư rất quan tâm.
|
Ông Micheal Satzger, quản lý dự án Công ty Roland Berger Vietnam, nhận định ĐBSCL rất cần những chiến dịch quảng cáo điểm đến phù hợp, nên có khẩu hiệu chung cho du lịch toàn vùng, chẳng hạn với tên gọi “Khám phá phương Nam”, để du khách ấn tượng về cả vùng du lịch.
Một số chuyên gia du lịch cũng cho biết, khách nước ngoài cực kỳ thích thú khi tham quan vùng sông nước ĐBSCL, bởi không gian khác biệt, đậm nét văn hóa Nam bộ. Mà điển hình như việc triển khai các loại hình du lịch cộng đồng đang được du khách giới thiệu cho nhau ngày càng nhiều.
Ví dụ, Khu du lịch Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh) đang được du khách TPHCM cũng như khách quốc tế dành nhiều ưu ái, dù mới đi vào hoạt động từ ngày 9-9-2019. Mô hình này ưu tiên cho phát triển xanh, bền vững, sử dụng dây lạt tre buộc bánh, lót bánh bằng các loại lá, dùng ống hút bằng cỏ bàng thay cho ống nhựa, dù che nắng tết từ lá dừa...
“Du khách luôn quan tâm đến các mô hình du lịch phát triển bền vững và ấn tượng tốt, cho điểm cộng đối các vật liệu thân thiện môi trường. Chúng tôi khuyến khích bà con làm du lịch cộng đồng tại một số nơi có thế mạnh ở địa phương, đồng thời có các chính sách hỗ trợ phù hợp”, ông Trần Minh Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh, nói.
Để ngành du lịch TPHCM nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung thực sự “cất cánh”, rất cần sự gắn kết chặt chẽ, chăm chút nhiều hơn cho các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương. Mục tiêu hướng đến sự phát triển du lịch bền vững, vì cộng đồng.
THI HỒNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)