Cơn bão Covid-19: Khách sạn và du lịch ảnh hưởng như thế nào?

Thứ hai, 30 Tháng 3 2020 11:03 (GMT+7)
Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế thế giới, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng tương tự do Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang là những thị trường trọng điểm, chiếm tới 56% lượng khách quốc tế năm 2019. Thêm vào đó, trong hai tuần qua, khi châu Âu và châu Mỹ là 2 thị trường chiếm tới 17% tổng lượt khách đến Việt Nam năm 2019 thì tình hình dịch bệnh tại đây đang ngày càng diễn biến phức tạp.
con bao covid 19 khach san va du lich anh huong nhu the nao
Phố cổ Hà Nội thưa thớt khách du lịch.
 
Lượng khách sụt giảm
 
Trong thông báo ngày 6/3, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo rằng lượng du khách quốc tế sẽ giảm từ 1 - 3% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 3 - 4% như trong dự báo hồi tháng 1 trước khi xuất hiện dịch Covid-19.
con bao covid 19 khach san va du lich anh huong nhu the nao
Nguồn: UNWTO.
 
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Đây sẽ là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính Phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới, chúng tôi dự báo lượt du khách quốc tế sẽ còn giảm mạnh hơn con số dự kiến này. Yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm khách quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á là do sự phụ thuộc lớn của khu vực này vào thị trường khách Trung Quốc, trong khi đây là quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh”.
 
Theo nhận định của JLL, tác động của tâm lý hạn chế đi lại và lệnh cấm nhập cảnh từ nhiều quốc gia đã ngay lập tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khách sạn và du lịch. Trong ngắn hạn, tỷ lệ lấp đầy của ngành sẽ giảm. Các thị trường có tỷ lệ khách quốc tế cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi các khu vực có thể phục vụ du khách trong nước có thể bị ảnh hưởng ít hơn. Thị trường khách sạn và du lich có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian ngắn.
 
Ở Việt Nam, để ngăn chặn sự lây lan của virus, Chính phủ đã tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài. Sự sụt giảm đáng kể của lượng khách quốc tế, trong đó đóng góp một phần lớn là khách Trung Quốc, cùng với sự sụt giảm thị trường khách nội địa, đã gây ra những tổn thất không nhỏ đến các khách sạn, nhà hàng, cũng như các địa điểm tổ chức hội nghị và sự kiện.
 
Trước tình hình này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung cho rằng, du lịch của Việt Nam dự kiến trong 3 tháng tới chịu thiệt hại trong khoảng từ 6 - 7 tỷ USD bởi riêng khách du lịch Trung Quốc, khoảng 30%, sẽ giảm 90 - 100%. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào cảnh kiệt sức.
 
Ngành du lịch, khách sạn lao đao
 
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới. Vì thế, ngành du lịch, khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
con bao covid 19 khach san va du lich anh huong nhu the nao
Khách sạn, nhà hàng ế ẩm vì vắng khách.
 
Khảo sát của phóng viên, tại thị trường khách sạn Việt Nam, không chỉ khách sạn nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề, ngay cả các cơ sở lưu trú của các tập đoàn khách sạn lớn ở Hà Nội như Mường Thanh, Bảo Sơn, Deawoo, Grand Vista, Fortuna, Sheraton… cũng bị khủng hoảng.
 
Để cắt giảm chi phí khi kinh doanh gặp khó khăn, Giám đốc khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: “Chúng tôi khuyến khích nhân viên sử dụng số ngày nghỉ phép, hoặc điều động nhân sự làm ở những lĩnh vực khác, như phục vụ các sự kiện hội nghị, hội thảo. Bởi lẽ, việc cho nhân viên nghỉ việc thời điểm này có thể sẽ khiến khách sạn loay hoay khi thị trường hồi phục nhanh, khách quay trở lại đông”.
 
Theo phân tích của Savills, trong số các điểm đến ven biển, Đà Nẵng, Hội An đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do những nơi này có sự phụ thuộc lớn vào nguồn khách nước ngoài cùng với lượng lớn nguồn cung gia nhập thị trường, dẫn tới tình trạng hiện nay nhiều dự án chỉ đạt mức công suất dưới 10%. Thậm chí ở một số dự án chủ đầu tư còn đang xem xét việc tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới.
con bao covid 19 khach san va du lich anh huong nhu the nao
Trên các App đặt phòng, nhiều khách sạn đã giảm giá tối đa nhưng không thể lấp đầy phòng trống.
 
Tình trạng này cũng đang xảy ra tương tự ở Cam Ranh nhưng nhờ vào nhóm du khách Nga và khách nội địa, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại khu vực này vẫn duy trì được hoạt động. Phú Quốc duy trì được mức công suất khoảng 40% trong tháng 2, tuy nhiên, việc tạm ngưng nhận các chuyến bay trong thời gian tới sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến công suất phòng tại đây.
 
Trong tháng 3 này, khách sạn tại các thành phố lớn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng, dẫn tới việc sụt giảm công suất xuống chỉ còn một chữ số tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công suất phòng tại Hà Nội dự kiến sẽ cao hơn một chút nhờ vào các hợp đồng từ các doanh nghiệp lớn như Samsung giúp cho một số khách sạn hưởng lợi từ nguồn khách lưu trú ổn định.
 
Ngoài ra, một số khu nghỉ dưỡng có nguồn khách chính là khách nội địa với vị trí gần các thành phố lớn nơi du khách có thể di chuyển dễ dàng bằng xe hơi có thể đạt được mức công suất khả quan hơn so với mức trung bình của thị trường.
 
Thị trường có rơi vào vô vọng?
 
Ngành Du lịch Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và điều này dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài tới hết năm 2020. Tuy nhiên, khi nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019) cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, đây có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại.
con bao covid 19 khach san va du lich anh huong nhu the nao
Gần 120 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly.
 
Một điều đáng chú ý là tính đến ngày 21/3/2020, đã có 145 dự án khách sạn & khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tự nguyện đăng ký trở thành điểm cách ly. Điều này không chỉ giúp cho các khách sạn có thể duy trì hoạt động khi nhu cầu lưu trú đang rất thấp mà đây còn được xem là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với chính quyền trong thời gian này.
 
So với khách sạn, các dự án căn hộ dịch vụ đạt được mức công suất cao hơn nhờ vào nhóm khách hàng lưu trú dài hạn. Trong bối cảnh rất nhiều khách sạn đã và đang nhận được lượng lớn các yêu cầu hủy phòng như hiện nay, kỳ vọng của chúng tôi cho những tháng tới không thật sự tích cực.
 
“Chúng ta cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn trong thời gian tới. Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước”, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
 
Mỹ Anh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn