Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, chủ trương từng bước mở lại thị trường nội địa song hành với việc không chủ quan với dịch bệnh, đã được nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có DN ngành du lịch đồng tình ủng hộ. Các DN du lịch đã mau chóng triển khai sản phẩm để có thể “bật dậy” ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Ưu tiên du lịch nội địa
Các DN nhìn nhận, mặc dù sức mua yếu nhưng thị trường đang khởi động lại khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng. Theo nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch (Outbox Consulting), thời điểm này, thị trường nội địa chính là ưu tiên hàng đầu cho các hãng lữ hành. Khách sẽ ưu tiên cho các điểm đến gần nhà và những chuyến đi ngắn ngày. Tâm lý lo ngại về dịch bệnh vẫn còn đó, chưa kể hạn mức chi tiêu cũng được cân nhắc kỹ bởi thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể, do đó các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch cần quan tâm đến sản phẩm, giá cả.
Một số hãng lữ hành phân tích, đây là thời điểm cần tập trung cho các sản phẩm du lịch cá nhân thay vì các hoạt động đội, nhóm, tụ tập đông người… Đối với những năm trước, thông thường lượng khách chính của du lịch hè là nhóm khách gia đình, với kỳ nghỉ dài ngày, nhưng do tác động của dịch Covid-19, khiến dòng khách này chuyển hướng đi ngắn ngày do học sinh, sinh viên có thể kéo dài thời gian học xuyên hè.
Du khách tham quan quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)
thời điểm trước khi có dịch Covid-19
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM cho hay, hiệp hội đã có những chương trình kích cầu du lịch giảm giá khoảng 40% cho khách đoàn, khách lẻ. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, hiệp hội vẫn tổ chức các buổi tập huấn online cho một số đơn vị hỗ trợ, chuẩn bị nhân sự cho “hậu Covid-19”; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin về chương trình kích cầu với các địa phương, hiệp hội bạn ở các tỉnh thành…
Đại diện TST Tourist cho biết, đang nắm lại thông tin và theo dõi sát các chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như TP để có những quyết định phù hợp. Hiện tại, nhân viên công ty vẫn làm việc trực tuyến, chăm sóc, hỗ trợ khách hàng thân thiết qua online hoặc gọi điện thoại…
Tương tự, các DN lữ hành nhỏ và vừa khác trên địa bàn TP cũng thông tin mặc dù khó khăn, nhưng DN vẫn tìm nhiều cách vượt khó. DN vẫn bán tour online, xây dựng sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng. Chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát tốt, các đường bay, dịch vụ vận chuyển bằng ô tô hoạt động tấp nập trở lại là DN sẽ bật dậy ngay.
An toàn tối đa cho du khách
Mới đây, UBND TPHCM đã phát hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Hầu hết các DN nhìn nhận, các tiêu chí trên là cơ sở khởi đầu để DN bám theo và thực hiện. Các DN lưu trú quan tâm đến những vấn đề liên quan tới giám sát khách hàng sau lưu trú và sau đi tour 14 ngày, tránh phiền hà khi bắt khách khai báo nhiều lần. DN lữ hành cũng quan tâm đến vấn đề tính điểm cho đoàn dưới 20 khách (thang điểm 10), vì điều này khó thực hiện với những đoàn số lượng lớn.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM gợi ý, DN nên linh động tương tác với khách bằng email, trao đổi group... Giai đoạn đầu sẽ khởi động với các quy định chung nêu trên để đảm bảo quy tắc an toàn cho cộng đồng. Khi tình hình tiến triển tốt hơn sẽ tiếp tục tháo gỡ.
Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM đề xuất, nên gắn kết các DN lữ hành, khách sạn với nhau, để tạo điều kiện phát triển du lịch trong nước, tạo sự phát triển bền vững như kinh nghiệm Nhật Bản đã từng làm.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch TP dự định cùng các cơ quan chuyên trách, DN lữ hành… tổ chức hội nghị kích cầu triển khai các sản phẩm với giá ưu đãi, tổ chức Ngày hội Du lịch vào cuối quý 3-2020 hoặc đầu quý 4-2020 (dự kiến), tổ chức các đợt khảo sát du lịch TPHCM dành cho các tỉnh thành nhằm thu hút khách đến với TP.
Riêng các tour đưa khách nước ngoài vào Việt Nam, hiện sẽ phải chờ một thời gian nữa mới có thể hoạt động trở lại, vì một khi mở cửa thị trường phải mở cho tất cả quốc gia, không thể mở cho một hay một số thị trường được.
“Trong tình hình hiện nay, các DN cần năng động, sáng tạo, sẵn sàng tìm cơ hội trong khó khăn. Chúng tôi hiểu, đây là những giải pháp mang tính ngắn hạn. Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, du lịch nội địa sẽ có từng bước phát triển; cùng với sự kiểm soát dịch bệnh trên thế giới, ngành du lịch sẽ có sự trở bộ kịp thời”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ bày tỏ hy vọng.
THI HỒNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)