Chuyên gia du lịch ĐBSCL - Th.S Phan Đình Huê tóm gọn những cái nhất của du lịch Cà Mau mà không nơi nào có được: Thương hiệu Mũi Cà Mau và 2 hệ sinh thái rừng tràm, rừng đước. Theo ông Huê, chỉ cần phát triển du lịch gắn với những cái nhất này thì du lịch Cà Mau sẽ là ngôi sao sáng của khu vực nói riêng và của cả đất nước nói chung.
Nhìn rộng ra, Cà Mau đủ tầm để có một vị trí vững chắc trong bản đồ du lịch trên bình diện quốc tế. Du lịch Cà Mau như đã nói, chỉ đang giai đoạn khởi động, định hình, còn rất nhiều vấn đề phải cải thiện, và theo đó, phải xác định cho bằng được chiến lược, chiến thuật phù hợp để phát triển.
Thách thức của Du lịch Cà Mau
Đất Mũi Cà Mau, ai là người Việt Nam cũng mong một lần đến.
Du khách trải nghiệm sông nước xuyên rừng ngập mặn, cảm giác chỉ riêng có ở Cà Mau.
Khoảng 5 năm trở lại đây, Cà Mau rộ lên phong trào nông dân, kinh tế tập thể kiểu mới và các doanh nghiệp làm du lịch. Sự chuyển hướng này bắt đầu từ chủ trương lớn của tỉnh Cà Mau về chiến lược phát triển du lịch, trong đó xác định chủ thể chính, nòng cốt của du lịch Cà Mau không ai khác chính là những thành tố trước nay vẫn coi du lịch là sân chơi không dành cho mình. Diện mạo du lịch Cà Mau thay đổi từng giờ, từng ngày.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân đã từng khẳng định: “Chỉ khi nào người nông dân, các doanh nghiệp, các hình thức kinh tế tập thể kiểu mới, toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội làm du lịch thì du lịch tỉnh nhà mới thật sự bứt phá, thật sự xứng tầm”.
Khi đề cập đến những thách thức của du lịch Cà Mau, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng nhận định: “Trước đây, chúng ta chỉ chuẩn bị để làm du lịch, hiện nay chúng ta mới bắt đầu làm du lịch theo đúng nghĩa. Do đó, cần phải có cái nhìn đúng đắn và bắt tay ngay vào những công việc căn cơ nhất”.
Trên thực tế, du lịch Cà Mau chỉ mới dừng ở mức “ăn xổi”, chỉ khai thác được bề mặt mà chưa có tâm thế chuẩn bị, chưa có sự bài bản, thiếu và yếu nhiều mặt. Khách đến Cà Mau chủ yếu là nội địa, lượng có tăng theo từng năm, tuy nhiên, giá trị gia tăng về du lịch là không đáng kể.
Cái thiếu của du lịch Cà Mau đã được nhìn nhận ở nhiều góc độ. Chuyên gia du lịch Thái Lan Peerapol đặt vấn đề: “Tại sao du lịch Cà Mau với rất nhiều sản vật độc đáo, không tổ chức được một lễ hội, một sự kiện mang tính định kỳ để thu hút khách?”. Ông Perepool dẫn chứng sinh động bằng hình tượng của con cua Cà Mau: “Nếu tổ chức được lễ hội cua Cà Mau, gắn với các tour tuyến về môi trường sinh thái con cua sống, kết hợp du lịch trải nghiệm và du lịch ẩm thực, xây dựng các sản phẩm du lịch xoay quanh con cua thôi thì Cà Mau đã có một điểm nhấn quá ư là đắt giá”. Nói rộng ra, Cà Mau đang thiếu sản phẩm du lịch để hấp dẫn khách.
Khó khăn của du lịch Cà Mau còn là hạ tầng giao thông để kết nối và thu hút khách. Ông Hoàng Thanh Quý, Giám đốc điều hành hãng Hàng không Hải Âu, Thiên Minh Group từng đưa ra con số khiến người ta băn khoăn: “Cảng hàng không Cà Mau với hiệu suất khai thác 200.000 khách/năm, đạt 20% công suất. Đường bộ đi từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau bằng ô-tô ít nhất 7-8 giờ. Từ Cần Thơ về cũng ít nhất 3 giờ ô-tô. Đây rõ ràng là bất lợi khi du khách lựa chọn Cà Mau làm điểm đến”. Triết lý của ngành du lịch là rất đơn giản, có khách thì mới có du lịch. Càng dễ đến thì càng nhiều khách, và tất nhiên, du lịch sẽ phát triển. Cà Mau đang thiếu những con đường để tiếp cận với khách, do đó, khó tạo ra sự bứt phá về lượng khách tìm đến.
Điều mà du lịch Cà Mau cần phải cải thiện đó là kinh nghiệm về làm du lịch. Kinh nghiệm, không có cách nào khác là phải học hỏi. Lý thuyết cũng cần, nhưng cần nhất chính là việc cọ xát, việc tự mình trải nghiệm. Những nhân tố mới tham gia lĩnh vực du lịch ở Cà Mau đang rất cần điều này. Những ngỡ ngàng ban đầu là điều khó tránh khỏi, nói như Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) Trương Hà Phương Anh: “Cần nhiều hơn nữa những chuyến học tập, tham quan cho hộ dân, doanh nghiệp, HTX làm du lịch. Mình đi để biết bên ngoài tỉnh bạn làm thế nào, nước ngoài người ta làm sao và biết cả những gì mình đang làm có phù hợp và hiệu quả hay không”.
Lựa chọn hướng đi đúng đắn
Bà Tạ Thị Tú Uyên đến từ Viettravel tại buổi toạ đàm “Du lịch Cà Mau kết nối và hợp tác phát triển” vào cuối năm 2019 đã đánh giá rất cao tiềm năng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Cà Mau. Theo bà Uyên, các sản phẩm du lịch Cà Mau đã sớm hình thành thông qua nỗ lực hoạch định chính sách và của cả cộng đồng dân cư, nhưng để chuyên nghiệp hơn, gia tăng giá trị thì cần phải chọn lọc và làm bài bản hơn.
Với tư cách một đơn vị làm du lịch chuyên nghiệp, bà Uyên gợi ý để Cà Mau có những lựa chọn chất lượng nhất. Trong đó, cân nhắc đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch chiến lược căn cứ trên điều kiện thực tế về sinh thái - khí hậu, gắn với sản vật, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống… Theo đó, các tour, tuyến gắn với hệ sinh thái rừng đước, rừng tràm phải là xương sống, thế mạnh cốt lõi để tạo dấu ấn riêng của du lịch Cà Mau. Đặc biệt, hệ sinh thái ngập mặn gắn với Đất Mũi Cà Mau là địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố để xây dựng những sản phẩm du lịch mũi nhọn của địa phương. Du lịch phải hài hoà giữa các yếu tố giải trí - văn hoá, nghỉ dưỡng - sức khoẻ, mua sắm - tận hưởng… của du khách.
Theo ông Phan Đình Huê, du lịch cộng đồng gắn với sinh thái - văn hoá - ẩm thực - nghỉ dưỡng và du lịch nông nghiệp - trải nghiệm - sinh thái - văn hoá - ẩm thực là những mô hình mà Cà Mau nên tận dụng, coi đây là những mô hình chủ lực trong phát triển du lịch cả ngắn hạn và bền vững cho Cà Mau. Ông Huê nhấn mạnh: “Phải để hộ gia đình, HTX và các doanh nghiệp chủ động, chủ đạo trong hoạt động du lịch trên cơ sở các hoạch định chiến lược của địa phương”.
Cái thiếu của Cà Mau còn là chưa có được 1 tổ chức hiệp hội du lịch chuyên nghiệp, chưa có sự kết nối, tính hệ thống giữa các bên liên quan trong phát triển. Ông Huê dẫn giải: “Du lịch như một bản nhạc giao hưởng, có nhiều giai điệu, nhiều nhạc cụ, cái nào cũng có vai trò, không cái nào thay thế cái nào, nhưng tổng hoà lại phải là một chỉnh thể, vai trò quản lý của địa phương chính là chỉ huy dàn nhạc”.
Khởi đầu nào cũng đầy bỡ ngỡ và gian khó. Người nông dân, HTX, doanh nghiệp Cà Mau khi tham gia vào lĩnh vực du lịch không thể đòi hỏi chỉ trong ngày một, ngày hai là có thể chuyên nghiệp, trình làng ngay những mô hình, sản phẩm và tour tuyến đủ sức cạnh tranh và cung ứng hoàn hảo nhu cầu của du khách. Nhìn vào thực tế của du lịch Cà Mau, có quá nhiều tín hiệu tích cực, nhưng khó khăn cũng là vô vàn. Cần có cái nhìn trực diện, thấu đáo, tổng thể để thấy được vị trí của du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch chung. Đó là căn cứ, để những bước đi của du lịch Cà Mau trong chặng đường tới thêm vững vàng, thêm đà để tăng tốc./.
Phạm Hải Nguyên - (baocamau.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)