Khách du lịch tham quan Thác Mu (Hòa Bình). Ảnh: THÚY HẰNG
Trải dài trên vùng đất rộng lớn gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, khu vực Tây Bắc là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Đó là vẻ đẹp riêng có được tạo nên bởi khí hậu, địa hình, cảnh quan, hệ sinh thái với nhiều di tích tuyệt đẹp như thị trấn Sa Pa quanh năm mát mẻ, danh thắng Mù Cang Chải xanh mướt, thung lũng Mai Châu quyến rũ, nóc nhà Đông Dương Phan Xi Păng luôn thu hút những người thích chinh phục thiên nhiên… Cùng với đó là sự chân thành, mến khách, những nét văn hóa độc đáo, đa dạng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Vì thế, nơi đây phù hợp để phát triển các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, lâu nay du lịch vùng vẫn chưa thật sự phát triển tương xứng tiềm năng. Nguyên nhân là do nơi đây còn thiếu cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch, nhất là đường giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi… Nguồn nhân lực du lịch còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, các sản phẩm du lịch chưa thật sự tạo dấu ấn riêng biệt, khả năng liên kết giữa các tỉnh để xây dựng tua, tuyến hoàn chỉnh còn hạn chế… Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kỳ vọng: Khi kích cầu du lịch nội địa thời gian này đã thật sự trở thành phong trào mạnh mẽ trên toàn quốc, việc phát triển du lịch Tây Bắc sẽ là con đường nhanh nhất để tạo động lực phát triển cho vùng đất này. Bày tỏ tin tưởng chương trình kích cầu du lịch Tây Bắc sẽ mang đến diện mạo mới cho khu vực, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cũng khẳng định: Sau dịch Covid-19, khách du lịch trong nước có xu hướng ưu tiên lựa chọn những chuyến đi ngắn ngày, đi theo nhóm bạn bè hoặc gia đình, khám phá vẻ đẹp đất nước ở những vùng đất còn hoang sơ… Và xu hướng này đặc biệt phù hợp với các tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Với sự tham gia của lãnh đạo UBND, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Bắc, các Hiệp hội Du lịch và sự vào cuộc của hàng trăm doanh nghiệp du lịch cả nước, chương trình kích cầu du lịch trong nước tại các tỉnh Tây Bắc kêu gọi các bên cùng đồng hành để xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo trên cơ sở khai thác tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, tạo ra nét riêng thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm. Chương trình cũng vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp tục thực hiện hạ giá dịch vụ, nhưng chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu để làm cơ sở lâu dài thu hút khách. Động thái đầu tiên là từ ngày 12 đến 16-6, chương trình khảo sát các sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp du lịch. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp phối hợp địa phương nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc của từng địa phương trên cơ sở tích cực truyền thông về điểm đến an toàn, phá bỏ tâm lý e ngại của khách du lịch, đẩy mạnh liên kết vùng để kích cầu du lịch nội địa vùng Tây Bắc, tạo chuỗi sản phẩm có sức cạnh tranh…
Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương: Để sự liên kết giữa các địa phương có hiệu quả và đi vào chiều sâu, hiệp hội du lịch các tỉnh dưới sự chỉ đạo thống nhất của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò làm cầu nối giữa các doanh nghiệp lữ hành ở các thị trường tiềm năng như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… với các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch tại các tỉnh Tây Bắc mở rộng, để cùng xây dựng những gói sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng, có sức hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch vùng. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours khẳng định: “Sự tham gia của 150 doanh nghiệp vào chương trình kích cầu và khảo sát du lịch Tây Bắc chứng tỏ đây là vùng đất được nhiều công ty du lịch quan tâm và sẵn sàng đưa du khách tới. Với sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương và sự trợ giá, chính sách dịch vụ của các hãng hàng không cùng cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch Tây Bắc mở rộng, chúng tôi tin tưởng sẽ xây dựng được nhiều sản phẩm mới, đủ sức hấp dẫn thu hút du khách, để du khách đến với Tây Bắc không chỉ là du khách miền bắc mà còn ở miền trung, miền nam, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp cũng cam kết các sản phẩm kích cầu sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về giá thành, chất lượng và bảo đảm an toàn tiêu chuẩn phòng, chống Covid-19 do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đưa ra”.
THÀNH CHÍ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)