Hoạch định liên kết vùng, thúc đẩy phát triển du lịch phía Nam

Thứ hai, 13 Tháng 7 2020 07:21 (GMT+7)
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020-2025, được triển khai hơn 6 tháng qua, là bước chuyển lạc quan góp phần định hướng phát triển du lịch phía Nam phù hợp với tình hình thực tế.​
Biển Tây Nam được xác định là một trong những tuyến tour sản phẩm mới thu hút du khách.
 
Xác định vai trò và chương trình hành động
 
Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL được quy định thông qua thỏa thuận ký kết vào tháng 12-2019. Trong đó, xác định hợp tác ở 5 nội dung: trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
 
Kết quả bước đầu là sự ra mắt của Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL (Hội đồng vùng). Ðồng thời, các chương trình hành động nhanh chóng được triển khai, trong đó xác định doanh nghiệp là yếu tố then chốt, quyết định. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Trong liên kết, vai trò của chính quyền và cơ quan quản lý là nền tảng để kết nối, còn doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, vì họ là những người hành động và mang lại hiệu quả cho các hoạt động liên kết. Vai trò của các địa phương là chung tay tháo gỡ các điểm nghẽn, trợ sức cho các doanh nghiệp để các đơn vị có thể sáng tạo, xây dựng các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn. Với liên kết này, chúng tôi xác định rõ vai trò của từng địa phương, mỗi đơn vị và các điểm chủ đạo. Ai cũng có phần việc để làm, chung tay thúc đẩy phát triển du lịch vùng”.
 
Trước đây, việc hợp tác giữa các địa phương thường dừng lại ở các biên bản thỏa thuận ký kết. Nhưng lần này hợp tác đã có bước chuyển, doanh nghiệp được trao quyền trong nhiều nội dung, chương trình hành động hơn. Ðặc biệt ở hai nội dung: xây dựng sản phẩm và quảng bá xúc tiến du lịch. 3 tuyến du lịch mới đã được Saigon Tourist và Vietravel giới thiệu: Những nẻo đường phù sa, Non nước hữu tình, Sắc màu vùng biên. 3 tuyến này mặc dù còn mới, nhưng đã mang lại hiệu quả bước đầu. Trong khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng dịch COVID-19, có trên 50.000 lượt khách du lịch đăng ký mua tour tại 5 doanh nghiệp lữ hành lớn của TP Hồ Chí Minh (Saigon Tourist, Vietravel, Benthanh Tourist, Công ty Thiên Niên Kỷ, Ðất Việt Tour) để đi du lịch đến các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Ðây được xem là tín hiệu tích cực về sự chuyển biến trao đổi thị trường khách nội địa trong giai đoạn hiện nay.
 
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “TP Hồ Chí Minh là điểm đến và thị trường du lịch trọng điểm của cả nước, trong đó có 13 tỉnh, thành ÐBSCL. Năm 2019, thành phố đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 32,7 triệu lượt khách nội địa. Nếu 2/3 số lượt khách này lựa chọn các hành trình là sản phẩm liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL thì sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của du lịch toàn vùng”. Việc hình thành 3 tuyến tour mới với những hiệu quả bước đầu đã mở ra kỳ vọng về thị trường khách nội địa mới cho toàn vùng. Trên cơ sở này, TP Hồ Chí Minh phối hợp triển khai các nội dung đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành ÐBSCL. Tính đến nay, có 10/13 tỉnh, thành đã gửi danh sách các điểm vận động tham gia kích cầu du lịch với mức giảm từ 10% - 100%, tùy đối tượng (phổ biến là giảm từ 10-20%). Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp lữ hành của TP Hồ Chí Minh đã xây dựng 52 chương trình du lịch kích cầu từ TP Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh, thành ÐBSCL, tạo ra một chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới.
 
Đồng lòng cho mục tiêu chung
 
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, cho biết: “Ðể phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch tại các tỉnh, thành liên kết, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình khảo sát thực tế tại các địa phương: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu trong tháng 7, để tiếp tục hoàn thiện 3 sản phẩm du lịch. Ðồng thời, đơn vị cũng sẽ xây dựng thêm một số tuyến du lịch mới, đáp ứng nhu cầu tour đa dạng của du khách, cũng như việc thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các khu vực”. Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thành viên Hội đồng vùng, đại diện Cụm liên kết phía Tây ÐBSCL, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách đến tham quan tại 7 tỉnh, thành phía Tây ÐBSCL ước đạt gần 9,9 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 8.900 tỉ đồng. Ðây là kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, các địa phương trong cụm đã tích cực nâng cao chất lượng các dịch vụ, xây dựng sản phẩm du lịch, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng để giới thiệu, xây dựng các tuyến kết nối giữa các địa phương, đồng thời cũng đưa ra nhiều chương trình hợp tác kích cầu du lịch”.
 
Ông Ngô Hùng cho biết thêm: Thời gian tới, cụm liên kết phía Tây sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung đã được thỏa thuận trong hợp tác ký kết, nhất là sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành khảo sát một số địa điểm tại các địa bàn trọng điểm để xây dựng sản phẩm mới, tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá chung của khu vực, chú trọng công tác đào tạo nhân lực, tăng cường trao đổi, thông tin giữa các địa phương. Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và Tây Nam Bộ, cho rằng: “Thời gian qua, việc khai thác các tuyến tour sản phẩm mới: tuyến ven biển Tây Nam Bộ và vùng biên có kết quả rất tốt. Tuy nhiên, để liên kết đạt hiệu quả hơn nữa, chúng ta cần quan tâm, đầu tư kết nối hàng không. Ðây được xem là lợi thế khai thác nhanh nhất khi TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc có Cảng hàng không quốc tế, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận được sản phẩm đa dạng hơn”.
 
Hội đồng vùng cũng đề ra một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới. Ðó là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL; tiếp tục khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL, tổ chức tọa đàm góp ý hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch để kết nối với các doanh nghiệp lữ hành (14 tỉnh, thành đồng chủ trì); hội nghị giới thiệu quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2020 (dự kiến từ 16 đến 19-7-2020); phối hợp xây dựng phim quảng bá du lịch chung 14 tỉnh, thành và triển khai chính thức phim đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL và 5 tỉnh Ðông Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh chủ trì; 13 tỉnh, thành  ÐBSCL phối hợp); hội nghị tổng kết kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL.
 
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng vùng, cho biết: “Trước mắt cần đặt mục tiêu là làm cho thị trường du lịch nội địa sôi động trở lại trong 6 tháng tới. Trên tinh thần này, chúng ta phải chung tay vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nỗ lực với quyết tâm cao nhất qua các chương trình hành động cụ thể và phải thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm”. Ông Nguyễn Thành Phong đưa ra 6 giải pháp trọng tâm: triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, trong đó tạo kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không với chính quyền, từ đó khơi dậy nhu cầu đi du lịch của mọi người; tập trung xây dựng thương hiệu du lịch chung của vùng, mỗi địa phương là một đại sứ du lịch để giúp du khách nhận diện được thương hiệu du lịch vùng; chuẩn bị lộ trình xúc tiến du lịch ở thị trường quốc tế, trong đó nhấn mạnh việc quảng bá TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL là vùng an toàn, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu mối nhận khách và đưa đến các địa phương thông qua chương trình liên kết; tăng cường hoạt động kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp các địa phương, đặc biệt trong các vướng mắc, khó khăn về các chính sách để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển du lịch đồng bộ; vai trò của doanh nghiệp là then chốt nên các doanh nghiệp phải vào cuộc hành động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết.
 
Liên kết hợp tác phát triển du lịch là xu thế và cần thiết để các địa phương phát huy tiềm năng, cùng tháo gỡ khó khăn và bứt phá trong phát triển du lịch. Với những mục tiêu cụ thể và những chương trình hành động thiết thực, chung tay từ chính quyền đến các doanh nghiệp, du lịch vùng ÐBSCL liên kết TP Hồ Chí Minh sẽ dần hình thành thương hiệu riêng và trở thành hành trình mới trong khám phá các điểm đến ở Việt Nam và Ðông Nam Á.
 
Bài, ảnh: ÁI LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn