Mở hướng cho du lịch Cà Mau

Thứ tư, 15 Tháng 7 2020 07:30 (GMT+7)
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) kết hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng các công ty lữ hành tổ chức khảo sát các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch tại các địa phương; tìm hướng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành về kết nối tour, tuyến, quảng bá du lịch.
Thực hiện Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 23/3/2020 của UBND tỉnh Cà Mau về Chương trình Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch trong nước năm 2020, iPEC kết hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng các công ty lữ hành thực hiện kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch và hỗ trợ kinh doanh, phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020.
Hoà mình cùng thiên nhiên - Khu Du lịch Đất Mũi. Ảnh: PBT 
 
Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Đất Mũi - Cà Mau. Ảnh: Khánh Phương
 
Theo Giám đốc Trung tâm iPEC Quách Văn Ấn, phát triển du lịch là câu chuyện chung, không của riêng ai. Nếu các công ty du lịch có nhiều khách thì không chỉ làm giàu hơn cho phía đơn vị, mà còn góp phần rất lớn vào sự phát triển của Cà Mau. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của du lịch Cà Mau là tính chuyên nghiệp, bởi chưa có doanh nghiệp du lịch lớn, đầu ngành để dẫn dắt sự phát triển của du lịch. Thay vào đó, vấn đề này lại được giao cho nông dân tự làm.
 
Nhìn vào bức tranh du lịch Cà Mau hiện nay, Giám đốc Công ty Du lịch Minh Hải Ngô Quốc Lâm cho rằng, du lịch Cà Mau đang thiếu điểm nhấn. Có điểm cho khách du lịch đến nhưng không có gì lôi khách trở lại. Do đó, muốn phát triển phải đầu tư rất nhiều thứ, về cảnh quan, sản vật, vệ sinh an toàn thực phẩm... Bên cạnh đó, giá tại các khu du lịch cần phải nghiên cứu lại chứ không phải làm du lịch theo kiểu chặt chém, khách đến một lần không bao giờ đến nữa.
 
Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Cà Mau Nguyễn Hoàng Bảo trăn trở, để thu hút khách du lịch ngoài tỉnh đến với Cà Mau, ở các điểm đến du lịch đặc trưng của địa phương cần xây dựng những sản phẩm phù hợp, nhất là hình thức du lịch trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Những sản phẩm trải nghiệm phải gắn kết với đời sống văn hoá, tập quán của người Cà Mau nên trong vấn đề quy hoạch và phát triển du lịch, kể cả những khu du lịch cộng đồng phải tạo ra nét đặc thù. Thực tế, du lịch trải nghiệm hiện nay vẫn làm kiểu tự phát, khiến du khách không có được cảm giác đi vô làng du lịch. Những người làm du lịch phải nhìn du lịch ở mức độ bao quát hơn, đó là cần những đơn vị có số vốn đầu tư lớn để đầu tư những khu du lịch hoàn chỉnh. Chọn điểm để xây dựng thành mô hình đúng bản chất của địa phương, với định hướng chiến lược để những công ty lữ hành đưa ra những bài PR đúng.
 
 Phó giám đốc Công ty Du lịch Cà Mau Phạm Minh Toàn cho rằng, những thành phố như Nha Trang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt có những quầy thông tin du lịch để đại trà ngoài công viên hay nơi tập trung đông người. Hoặc bến tàu, sân bay, bến xe nên đặt những ấn phẩm, các doanh nghiệp lữ hành cần gửi lên để giới thiệu. Mô hình này rất đáng được quan tâm. Tại Cà Mau có thể mở tuyến xe điện đón khách ở Công viên Hùng Vương đi lên ngã ba Nhà thờ, xuống Mường Thanh, đi chùa hay bảo tàng tham quan vườn chim buổi chiều..., vừa phát triển du lịch, vừa có nơi để khách du lịch "tiêu tiền”.
 
Xu thế hiện nay là phát triển sản phẩm du lịch lên tầm cao mới, phù hợp với tiêu dùng của khách du lịch. Do đó, rất cần hệ thống hoá các sản phẩm, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong sự liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, các công ty lữ hành và người dân tại các điểm du lịch. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn, thái độ ứng xử… nhằm đáp ứng tối đa việc thoả mãn nhu cầu của khách du lịch khi đến với Cà Mau./.
 
Thanh Phương - (baocamau.com.vn) 
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn