Đến Cồn Cỏ, nhớ Trường Sa

Thứ ba, 01 Tháng 9 2020 11:14 (GMT+7)
Cồn Cỏ thanh bình với những di tích phòng thủ sau chiến tranh cùng màu xanh mướt của biển rừng
Đến Cồn Cỏ, nhớ Trường Sa - Ảnh 1.
Cột cờ và biển Cồn Cỏ nhìn từ hải đăng
 
Tôi đã đến khá nhiều đảo lớn nhỏ khắp đất nước. Nhiều đảo đẹp nổi tiếng, được mệnh danh là đảo ngọc, đảo kim cương, đảo vàng, đảo hoa hậu… Mỗi nơi một vẻ đáng yêu riêng nhưng với tôi, dễ thương nhất là đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị.
 
Đảo nhỏ, chỉ 238 ha, cách bờ 30 km, nhân khẩu chưa tới 500 người. Cồn Cỏ là huyện nhưng không có xã, là tiền đồn phòng thủ phía Nam vịnh Bắc Bộ.
 
Bị bom đạn cày nát trong chiến tranh, mảnh đất lửa Cồn Cỏ xưa giờ là rừng tự nhiên, bạt ngàn cây, rợp tiếng chim hót, ve kêu, hào phóng gió với xanh mát biển, trời. Cồn Cỏ có rất nhiều cây phong ba, có chỗ mọc thành rừng, gốc lớn xòe bóng ô che nắng. Cây phong ba, dân gian gọi là ướt trơn, anh em sinh đôi với cây bão táp, gọi là ướt lông.
Đến Cồn Cỏ, nhớ Trường Sa - Ảnh 2.
 
Đến Cồn Cỏ, nhớ Trường Sa - Ảnh 3.
Đường trên đảo
 
Đến Cồn Cỏ, nhớ Trường Sa - Ảnh 4.
Rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ
 
Năm 2012, tôi đi thăm quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đảo ở đây đẹp ngỡ ngàng. Đến Cồn Cỏ, tôi như gặp Trường Sa khi thấy hệ thống giao thông hào, tuyến phòng thủ, các lô cốt quanh đảo còn nguyên vẹn. Nếu không có mấy nhà bê-tông đồn trú loang lổ, mất hết cửa nẻo, cứ ngỡ các đơn vị bộ đội vừa ở đây. Cồn Cỏ hôm nay thanh bình với các di tích, gợi nhớ về những tháng năm chiến tranh cực kỳ ác liệt.
 
Đảo có nhà máy xử lý rác, hồ chứa nước ngọt; điện, nước thoải mái nên môi trường sạch - đẹp. Du khách có thể tắm biển, ngắm san hô bằng mắt thường, câu cá, mực, bắt nhum; tham quan cột cờ, hải đăng, đài liệt sĩ, hang quân y, hệ thống phòng thủ xưa hay trekking xuyên rừng, ngắm hoàng hôn, đón bình minh…
Đến Cồn Cỏ, nhớ Trường Sa - Ảnh 5.
Di tích giao thông hào và cây phong ba trên đảo Cồn Cỏ
Từ đỉnh hải đăng nhìn xuống, Cồn Cỏ bạt ngàn xanh mát mắt. "Tắm rừng Cồn Cỏ" là trải nghiệm kỳ thú. Rừng Cồn Cỏ có nhiều dược liệu quý, nhiều nhất là giảo cổ lam và sâm cau rừng. Theo các lối mòn, len lỏi giữa rừng cây, trekking cho vã mồ hôi rồi hít thở hương dược thảo, kích hoạt hệ tuần hoàn, thần kinh, tiêu hóa giải độc. Giảo cổ lam và sâm cau dùng nấu nước uống, canh, lẩu tùy thích; phổ biến nhất là ngâm rượu. Tìm hiểu và hái thảo dược trong phạm vi cho phép là trải nghiệm độc đáo ở Cồn Cỏ.
 
Đến Cồn Cỏ, bạn như được rửa mắt, rửa phổi, trút bỏ xô bồ phố thị, từ đó càng trân quý những giá trị chân thực của cuộc sống hòa bình. Chỉ lo mai này, đảo yêu bị tàn phá. Đảo bé xíu nhưng có xe điện và xe máy để khách tham quan khỏi đổ mồ hôi. Một vòng đảo, chưa tới 5 km, thiết nghĩ nên để du khách tản bộ, vừa khỏe người vừa bảo vệ môi trường.
 
Càng lo hơn khi ở Cồn Cỏ bắt đầu có những nhà hàng ăn nhậu ven biển mà chưa có nhà vệ sinh. Món hàu, có nơi gọi là sò hay trai tai tượng, nướng mỡ hành, ngon "bá cháy" nhưng là loài thủy sinh quý hiếm đang bị khai thác quá mức ở đây và có nguy cơ tuyệt chủng. 
 
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MỸ - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn