Du lịch Đà Nẵng tìm lộ trình phát triển bền vững

Thứ năm, 17 Tháng 9 2020 14:15 (GMT+7)
Phát triển ngành Du lịch trên phương diện là một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững đang là vấn đề đang được thành phố Đà Nẵng quan tâm.
Giữ vững vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn
 
Với những lợi thế của một đô thị phát triển, thành phố Đà Nẵng được cả nước biết đến như một điểm du lịch khá đặc biệt về thiên nhiên, khí hậu con người. Dựa vào thế mạnh đó, du lịch Đà Nẵng đã giữ vững sự phát triển “thần tốc” trong những năm trở lại đây. Cụ thể, ngành du lịch có rất nhiều đóng góp vượt trội vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố: Theo thống kê, năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 8.692.000 lượt; tổng du lịch đạt trên 30.973 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,3% tổng thu từ du lịch của cả nước, tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào  GRDP của thành phố đã đạt tới 31,4% -  đây được xem là tỷ lệ đóng góp vào loại lớn nhất so với các địa phương có ngành du lịch phát triển. Nếu xét theo tiêu chí ngành kinh tế mũi nhọn thì du lịch Đà Nẵng đã vượt gấp đôi chỉ số yêu cầu, thậm chí đi đầu trên cả nước.
Ngành Du lịch có rất nhiều đóng góp vượt trội vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng
 
Để đảm bảo du lịch Đà Nẵng có những đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển KT-XH của thành phố với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch Đà Nẵng đã đặt ra các yêu cầu, tiêu chí phát triển bền vững nhằm nâng tầm điểm đến trong thời gian tới. Đánh giá về nội lực của Đà Nẵng trong việc phát triển ngành du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch khẳng định, Đà Nẵng có sẵn tiềm năng rất lớn để xây dựng, đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là lợi thế về thiên nhiên, khí hậu. Trên thực tế, Đà Nẵng đã thu hút được lượng khách du lịch đáng mơ ước. Tuy nhiên, thị trường du lịch Đà Nẵng đang bị chênh lệch và phụ thuộc quá lớn và khách Trung Quốc và Hàn Quốc, chỉ thu hút được nguồn khách phân khúc thấp, sản phẩm du lịch nhỏ lẻ, kém hấp dẫn… Những vấn đề trên nếu không khắc phục sẽ khiến cho ngành du lịch Đà Nẵng có nguy cơ bị chơi vơi, không bền vững.
 
 “Trong bức tranh chung thì ngành du lịch Đà Nẵng đã hoàn toàn đáp ứng được vấn đề trở thành ngành mũi nhọn kinh tế của thành phố, nhưng phải tính đến câu chuyện phát triển du lịch bền vững. Làm sao để du lịch vừa phát huy làm ngành mũi nhọn vừa phải có những bước đi lâu dài”, PGS.TS Phạm Trung Lương đưa ra ý kiến.
 
Sẽ hồi phục mạnh mẽ sau dịch bệnh
 
Trong Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu rõ những mục tiêu cần thực hiện, nâng cấp mở rộng các nhóm sản phẩm du lịch chính của Đà Nẵng như: Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan; du lịch MICE; sản phẩm du lịch vui chơi giải trí gắn với lễ hội và các sự kiện văn hóa; du lịch gắn với thể thao, mạo hiểm; mua sắm, vui chơi giải trí về đêm… Trong đó hướng đến thu hút phân khúc thị trường khách tầm cao; tìm kiếm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Định vị  rõ những sản phẩm du lịch chính phù hợp với lợi thế và tiềm năng tài nguyên du lịch của Đà Nẵng, đa dạng hóa sản phẩm phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao để đưa Đà Nẵng là điểm dừng chân sáng giá không chỉ ở Việt Nam mà còn trong toàn khu vực và hướng ra thị trường quốc tế.
 
Từng bước tái khởi động thị trường khách du lịch sau dịch Covid-19
 
Chia sẻ những nỗ lực của ngành du lịch thành phố trong thời gian qua, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, du lịch Đà Nẵng đang phát triển trong bối cảnh mới khi tình hình kinh tế - chính trị - xã hội liên tục có những biến động, xu thế phát triển vận động không ngừng của các điểm đến cạnh tranh, những thách thức về bảo vệ môi trường du lịch, diễn biến bệnh dịch - mà mới đây nhất là tác động của dịch Covid-19, việc xây dựng những bước đi bền vững là vấn đề cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2030 trở nên thực tế và hiệu quả hơn: “Ngành du lịch Đà Nẵng đang từng ngày mong chờ sự ổn định hoàn toàn để triển khai nhiều hoạt động mạnh mẽ hơn. Hy vọng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, Chính phủ, UBND thành phố cho phép các hoạt động kinh doanh du lịch được mở cửa trở lại, thì dịch vụ, hoạt động du lịch sẽ sớm được tái khởi động ngay với các bước chuẩn bị trước đó Sở đã đưa ra”, bà Hạnh nói.
 
Theo kế hoạch, trong thời gian đến, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ triển khai một số giải pháp trước mắt như xây dựng ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng dịch Covid-19; định hướng tổ chức và quy trình hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa khai thác kinh doanh. Đồng thời triển khai Chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa. Nhằm thu hút khách quốc tế, Sở Du lịch cũng sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét, đăng cai hoặc tổ chức một số lễ hội, sự kiện, hội nghị lớn tầm mang quốc gia và quốc tế trong năm 2021 để kết hợp, quảng bá xúc tiến du lịch trở lại. Việc đào tạo nguồn nhân lực cao cũng sẽ được đầu tư, quan tâm đúng mức, qua đó Sở Du lịch sẽ nghiên cứu tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch; tổ chức các lớp đào tạo miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị về nghiệp vụ, lập ngân sách, chiến lược ứng phó sau đại dịch; xây dựng và ban hành triển khai Bộ Chỉ số An toàn trong lĩnh vực Du lịch, tập huấn quy trình đón khách du lịch đảm bảo an toàn phòng chống, dịch bệnh Covid-19 để khách du lịch yên tâm lựa chọn điểm đến.
 
NGỌC HÀ - (baovanhoa.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn