Du ngoạn Nam Bắc Hải Vân quan

Thứ hai, 21 Tháng 9 2020 07:50 (GMT+7)
Đến Đà Nẵng, hãy dành một ngày để vượt đèo Hải Vân, làm một tour "bỏ túi" ở phía Bắc TP với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng từ ngày xưa cùng các sản vật địa phương tươi ngon
Từ trung tâm TP, đi theo cung đường ven biển Thanh Bình đến làng cổ Nam Ô, ngôi làng đầy dấu vết của lịch sử và giao thoa văn hóa Việt - Chăm ngay phía Nam đèo Hải Vân.
 
Từ Nam Ô đến đỉnh đèo lộng gió
 
Ngoài nổi tiếng với nghề làm nước mắm, Nam Ô còn có các giếng nước và dấu tích của tháp cổ Chăm Xuân Dương. Ở đây cũng lưu lại nhiều dấu tích của đền thờ Bà Liễu Hạnh, Huyền Trân Công Chúa trên mỏm Hạc nhìn ra biển; các bài vị cổ phản ánh tín ngưỡng của ngư dân làng biển như "Nam Hải cư tộc ngọc lân chi thần", biển sắc "Long ngự chính trung" và bức hoành Trạch Tuyết Linh có từ giữa thế kỷ XIX. Nam Ô còn có một đền thờ âm linh nghĩa tự thờ các nghĩa binh chống ngoại xâm thời Pháp thuộc…
Du ngoạn Nam Bắc Hải Vân quan - Ảnh 1.
Di tích Hải Vân quan
 
Qua khỏi cầu Nam Ô, chạy xe về hướng Tây, ta sẽ gặp ngôi làng mang tên Trường Định, vốn xưa là một hành cung của các chúa Nguyễn. Hiếm có nơi nào như ở Nam Ô và Trường Định, nơi mà nhiều người dân có thể kể cho bạn những di tích và huyền thoại của làng mình…
 
Bạn có thể ăn món gỏi cá trích, gỏi cá chuồn nổi tiếng ở Nam Ô trước khi làm cuộc hành trình qua đèo Hải Vân dài 20 cây số và dừng chân thăm di tích Hải Vân quan ngay tại đỉnh đèo lộng gió…
 
Đứng trên đỉnh Hải Vân, nhìn lại sau lưng là vịnh Vũng Thùng của Đà Nẵng mà cách nay hơn 1 thế kỷ, Toàn quyền Pháp Paul Doumer từng viết: "Dưới kia vịnh Đà Nẵng hiện ra. Không một cảnh quan thần tiên nào của Địa Trung Hải vừa có được cái đẹp và cái to tát này. Cứ thử lấy một nơi xinh nhất của Bờ Biển Xanh như vịnh Villefranche rồi nhân lên mười lần hay hai mươi lần, các vị sẽ hình dung được Đà Nẵng (...). Chỉ duy cảnh này thôi cũng đáng cho những người nhàn rỗi đi du lịch từ Pháp sang Viễn Đông, nơi còn có nhiều cái khác đáng quan tâm và thưởng lãm".
 
Tôi hình dung rằng có lẽ khi đứng ở độ cao này, nhìn phong cảnh kia và chứng kiến sự cách trở núi sông, ông Paul Doumer đã đưa ra quyết định vay 200 triệu quan Pháp của chính phủ thuộc địa để làm đường xe lửa xuyên Việt lẫn toàn cõi Đông Dương.
 
Thăm chùa Túy Vân, ngắm đầm Cầu Hai
 
Bên kia đèo là lãnh thổ của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế… Sau các trận lũ lịch sử những năm 1999-2000, các địa danh như cửa biển Tư Hiền, Hòa Duân… ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên mặt báo với những nét đặc trưng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên ít nơi có được.
 
Tuy đã đi thuyền vài lần vượt hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nhưng đây là lần đầu tôi đến xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) và có dịp lên Túy Vân Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến bất ngờ ở đây. Quả là người xưa đã không nhầm khi gọi đây như một "quốc gia thắng cảnh" hay là một trong "thần kinh nhị thập cảnh" của xứ Huế.
Du ngoạn Nam Bắc Hải Vân quan - Ảnh 2.
Chùa Túy Vân
 
Chiếc cầu qua cửa Tư Hiền mới xây dựng chừng 15 năm nay giúp cho việc giao thông đến xã biển Vinh Hiền dễ dàng hơn. Chỉ cần vượt 10 km, người dân và các loại hải sản ở đây có thể đến Quốc lộ 1A để vào thị trường Đà Nẵng. Ngược lại, khách du lịch đến Lăng Cô, Bạch Mã có thể đến viếng Túy Vân Sơn chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ chạy ôtô, thay vì đi ôtô ra TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) rồi ngược 40 km theo đường ven biển quay vào.
 
Chùa Túy Vân hay Thánh Duyên xây dựng từ thời các chúa Nguyễn Đàng Trong, sau đó được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị trùng tu nhiều lần và nâng lên tầm quốc tự, gồm nhiều công trình cổ và các bia đá chứa nhiều thông tin lịch sử, văn học có giá trị. Từ cổng vào, chúng tôi đi từ chùa Chính, đến chùa Trung và lên tháp vọng cảnh 3 tầng, gọi là Điếu Tháp Ngư. Gần tháp là lầu Vọng Hải xây dựng từ thời Minh Mạng. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng đầm phá Cầu Hai mênh mông, lên đến Bạch Mã, núi Linh Thái ở phía biển ẩn hiện trong sương mù tuyệt đẹp. Theo các đơn vị lữ hành, nếu được quy hoạch và quản lý tốt, các chợ hải sản đêm và nhiều dịch vụ khác ở Cầu Hai sẽ góp phần tạo cho Túy Vân Sơn và cả vùng cửa biển Tư Hiền trở thành một điểm đến lý tưởng, gắn kết liên hoàn với các điểm du lịch phía Bắc đèo Hải Vân, Bạch Mã hiện nay; tạo ra một chuỗi điểm dừng có sắc thái đa dạng, bổ sung cho nhau và hấp dẫn các luồng du khách đến từ Huế, Đà Nẵng và cả hành lang kinh tế Đông - Tây. 
 
Cá vẩu cửa Tư Hiền
 
Trước khi kết thúc hành trình, chúng tôi ghé vào một nhà hàng ở ven bờ phá Cầu Hai để thưởng thức sản vật địa phương. Cá vẩu được ưu tiên chọn lựa khi được nghe giới thiệu.
 
Ngư dân cho biết họ phải đánh bắt cá vẩu con khi chúng chỉ lớn bằng ngón tay ở cửa biển Tư Hiền đem về nuôi lồng. Cá vẩu bạc tuy chóng lớn nhưng thịt không ngon. Vẩu vàng nuôi đến một năm chỉ cân nặng khoảng 600-700 g nhưng được bán với giá 280.000 đồng/kg vì có vị thơm ngon riêng biệt như thịt gà. Cá vẩu thường nấu cháo hoặc nướng mọi chấm muối tiêu, ớt. Khách có thể theo chủ quán ra tận các lồng nuôi dưới đầm để vớt cá lên và chọn con vừa ý...
 
Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn