Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc (Ảnh: TRANG LINH)
Đây là những ý kiến trong phát biểu khai mạc của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tại Tọa đàm “Kích cầu Du lịch nội địa: Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn” diễn ra chiều 24-9 tại Hà Nội.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát, song song với việc bảo đảm nghiêm các biện pháp phòng chống Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát động chương trình kích cầu theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn”.
Đây sẽ là giai đoạn tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu ban hành theo Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL của Bộ VHTTDL phát động vào đầu tháng 5 (vừa qua bị gián đoạn do Covid-19 bùng phát trở lại). Giai đoạn này, Chương trình kích cầu du lịch trọng tâm vào hai từ khóa “An toàn” và “Hấp dẫn”.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng lưu ý rằng, từ ngày 15-9, Việt Nam đã nối lại các đường bay quốc tế. Do đó, đợt kích cầu lần này còn gồm cả đối tượng người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam công tác cũng là đối tượng của đợt kích cầu du lịch lần này.
"Đợt kích cầu lần hai này, chúng ta đã có kinh nghiệm từ thành công, chưa thành công từ đợt trước. Bên cạnh an toàn, cần có yếu tố hấp dẫn. Các địa phương phát huy chủ động, sáng tạo cùng nhau xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn, để hấp dẫn cần có gói sản phẩm mới", ông Siêu cho biết.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường Tổng cục Du lịch giải thích rõ hai yếu tố an toàn và hấp dẫn của chương trình kích cầu du lịch lần này. Theo đó, với yếu tố an toàn, người cung cấp dịch vụ và môi trường cung cấp dịch vụ từ vận chuyển, hàng không, lưu trú, khu vui chơi giải trí… phải tuân thủ các quy định về quy trình an toàn phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cả từ phía khách du lịch có ý thức chủ động phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cài đặt các ứng dụng như Bluezone.
Về yếu tố hấp dẫn: hấp dẫn về giá do tính kết nối tốt giữa các liên minh kích cầu, tạo ra các sản phẩm du lịch bổ trợ, các tuyến du lịch giá tốt; hấp dẫn về sản phẩm do tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng và đa dạng về chương trình kích cầu chi tiêu của khách, các sản phẩm nghỉ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, du lịch golf và MICE; hấp dẫn về chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt để khách du lịch có thêm nhiều lựa chọn. Giai đoạn này kích cầu cần tập trung vào chất lượng, tăng trưởng trải nghiệm từ đó tăng nhu cầu chi tiêu của khách.
Bảo đảm yếu tố an toàn trên hết
Buổi Tọa đàm có sự tham gia thảo luận của các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú, các nhà quản lý tìm cách để bảo đảm du lịch an toàn và hấp dẫn cho đợt kích cầu du lịch lần hai.
Về vấn đề an toàn, các doanh nghiệp lữ hành, hàng không lớn tại hội nghị cho biết đặt ưu tiên hàng đầu về an toàn cho du khách. Đại diện của VietnamAirlines, ông Vũ Nguyên Khôi, Trưởng ban tiếp thị và chuyển đổi số VNA khẳng định VNA luôn coi an toàn là ưu tiên số 1. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, VNA luôn đặt lên hàng đầu an toàn cho du khách và nhân viên hàng không, xây dựng quy chuẩn an toàn mới phù hợp với tiêu chuẩn của Bộ Y tế và CDC. Điều này được thể hiện bằng kết quả VNA đã thực hiện 156 chuyến bay từ nước ngài về nước, với tổng số 37 nghìn khách được an toàn tuyệt đối.
Ông Đặng Thanh Thủy – Phó Tổng Giám đốc Vingroup thông tin, tập đoàn tuân thủ các hướng dẫn quy định an toàn của Bộ Y tế, Bộ VHTTDL, đặc biệt tập đoàn thực hiện bảo đảm an toàn y tế ba lớp nhằm bảo đảm cao nhất cho du khách và các nhân viên.
Giám đốc kinh doanh SunGroup, Trần Thị Nguyện cho hay, đợt bùng phát Covid-19 lần hai này, tập đoàn mất hơn 1 triệu lượt khách. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn bảo đảm song song chống dịch an toàn, và phát triển kinh tế. Sungroup cũng như các doanh nghiệp lưu trú khác thực hiện rất nghiêm nhất các quy tắc an toàn của Bộ Y tế như trang bị khẩu trang, thuốc sát khuẩn, tiến hành khử khuẩn, dán vạch để du khách xếp hàng khi vào khu vui chơi, nhắc nhở khách hàng dù đang trong thời kỳ an toàn nhưng không được phép lơ là. Huấn luyện toàn bộ cán bộ, công nhân viên về an toàn. Với những khách sạn thuê quản lý nước ngoài cũng làm việc với họ để tuân theo các quy chuẩn quốc tế.
Bà Nguyện đề xuất, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước và truyền thông truyền đi thông điệp “Tôi an toàn” đến với tất cả mọi người. Điều này nghĩa là không chỉ có các doanh nghiệp lữ hành thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mà cả du khách cũng có ý thức bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty lữ hành Viettravel cho hay, khi bắt đầu xảy ra bùng phát đại dịch Covid-19 lần, Vietravel đã tập huấn an toàn của Bộ Y tế, ban chỉ đạo dịch Covid-19, Bộ VHTTDL cho toàn bộ nhân viên. Bên cạnh đó, Công ty còn có các cam kết với khách hàng và các nhà cung cấp dịch vụ về việc bảo đảm an toàn cho du khách.
Bà Hương nhấn mạnh, tâm lý của khách hàng trong đợt kích cầu du lịch lần hai hoàn toàn khác lần trước khi nhiều du khách lo lắng sau khi đi từ tâm dịch Đà Nẵng trở về. Do đó, để xây dựng lòng tin, sự yên tâm cho du khách đi du lịch, cơ quan quản lý nhà nước phải có kịch bản dự phòng, xây dựng quy trình bảo đảm cho khách sau chuyến đi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Nhân Dân điện tử về kịch bản ứng phó với tình huống tái bùng phát Covid-19, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho hay, kịch bản này một mặt phải có sự phân công giữa các cơ quan chức năng gồm chính quyền địa phương, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp và đặc biệt vai trò của các doanh nghiệp đón khách dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng về bảo đảm an toàn dịch bệnh. Các cơ quan chức năng đang xây dựng một kịch bản trong đó phải có quy trình khi nào làm gì, có khâu xử lý thế nào, trách nhiệm ra sao, để những người làm du lịch có sự chủ động, bảo đảm an toàn và sự yên tâm cho du khách, vốn là đối tượng trung tâm của du lịch.
Bảo đảm tính hấp dẫn
Bàn về việc bảo đảm tính hấp dẫn của chương trình kích cầu lần hai, các tập đoàn du lịch lớn như Vingroup, Sungroup cho biết đều có các chương trình mục tiêu phát triển khách du lịch nội địa lâu dài. Các tập đoàn, các công ty lữ hành đã xây dựng nhiều chương trình combo du lịch, nghỉ dưỡng và trải nghiệm phù hợp với nhu cầu của người Việt. Bên cạnh đó, giá của các gói dịch vụ cũng được giảm sâu như ưu đãi 50% giá phòng, giảm từ 50 đến 70% giá vé vào cửa các công viên vui chơi giải trí theo chủ đề. Cùng với đó, các nhà cung cấp sản phẩm du lịch cũng gia tăng trải nghiệm về dịch vụ mới tại các điểm đến cho du khách. Phát triển sản phẩm riêng biệt cho những đối tượng du khách đặc thù. Đón đầu hoạt động mới của thời kỳ hậu đại dịch, tận dụng ưu thế của Việt Nam là điểm đến an toàn.
Đáng chú ý, chương trình kích cầu du lịch nội địa lần này tập trung vào việc đẩy mạnh liên kết vùng du lịch.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các địa phương cũng như các doanh nghiệp trong thời gian qua. Các liên minh kích cầu đã cho ra đời nhiều sản phẩm hấp dẫn như: tour khám phá nhà tù Hỏa Lò đêm Hà Nội, Khám phá đêm Hà Nội, tour đi Yên Bái, Lào Cai ngắm ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch. Vietravel có chương trình "Du lịch an toàn, an toàn đi du lịch", Quảng Ninh triển khai gói kích cầu du lịch trên 100 tỷ đồng…
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh chia sẻ, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và thực hiện các gói sản phẩm kích cầu địa phương dựa trên những khảo sát cụ thể theo các nhóm đối tượng. Nhưng cao hơn thế, TP Hồ Chí Minh đã liên kết với các địa phương khu vực Tây Nam Bộ, các khu vực lân cận để tạo ra các sản phẩm du lịch liên kết vùng. “Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy thực chất các liên kết vùng để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo ra sự kết nối giữa các địa phương”, bà Thúy cho hay.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc sở Du lịch Quảng Ninh thông tin tại Hội nghị, dự kiến trong tháng 10 sẽ hình thành kết nối vùng giữa TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và chín tỉnh miền Bắc để cụ thể hóa về liên kết du lịch trong thời gian tới.
Đồng tình với nhận định của Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu rằng đợt kích cầu du lịch nội địa trong các tháng 5, 6 và 7 đã rất thành công trên bình diện toàn quốc, ông Thủy cho rằng kết quả này là sự vào cuộc rất kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. “Sự phối hợp của hai bên đã tạo ra những đột phá. Nhưng, để đợt kích cầu du lịch lần một thành công thì lần này khó 10. Bởi thế cần có những bước tạo đột phá rõ nét hơn, sáng tạo hơn để đạt được như kỳ vọng”, ông Thủy chia sẻ.
Chia sẻ với báo giới bên lề buổi Tọa đàm, ông Hà Văn Siêu cho rằng, bản thân các điểm đến của Việt Nam đã vô cùng hấp dẫn, nhưng hấp dẫn tự nhiên này phải tạo thành sản phẩm du lịch và do các doanh nghiệp đưa ra thị trường. Từng doanh nghiệp du lịch đã có những chương trình du lịch hấp dẫn riêng nhưng hiện phải tạo ra sự liên kết trong chuỗi cung ứng, tạo ra các gói kích cầu, combo, liên minh để có đươc sự tiện nghi nhất, thuận tiện nhất giúp khách hàng thoải mái và yên tâm nhất, đồng thời làm cho sự hấp dẫn của các sản phẩm chạm đến nhu cầu của du khách, khiến họ mong muốn đi du lịch.
Các doanh nghiệp cần phải vừa kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch là ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình tại phiên thảo luận "Duy trì và phát triển du lịch hấp dẫn".
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình gợi ý: "Nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp. Tổ chức du lịch thế giới đưa khẩu hiệu: Covid-19 chuyển đổi du lịch, hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách khác, tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển. Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại”.
Bên cạnh đó, ngành du lịch có thể đề xuất chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền... Hiện nay có tới 10 - 15% doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận nhiều đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
TRANG LINH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)