Đồng lòng tạo vùng an toàn, tung chương trình kích cầu mới

Thứ tư, 07 Tháng 10 2020 08:04 (GMT+7)
Sau khi Bộ VHTTDL phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, nhiều địa phương trong cả nước đã nhanh chóng liên kết, cùng cam kết đồng lòng tạo vùng du lịch và hấp dẫn, tung chương trình kích cầu với nhiều chính sách khuyến mãi có thể nói “có một không hai” để thu hút du khách, phục hồi ngành du lịch trong nước sau cú “đánh bồi” lần 2 của đại dịch Covid-19.
Du khách trải nghiệm và khám phá các điểm du lịch tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
 
 Hiện thực hoá chương trình kích cầu lần này 7 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai và Tây Ninh đã ký kết ghi nhớ, cam kết thực hiện chương trình “Bảy địa phương - Du lịch an toàn và hấp dẫn” và công bố chương trình kích cầu du lịch giữa các địa phương nói trên. Chương trình đã thu hút nhiều “ông lớn” như Vietnam Airlines, Vietravel, Novaland… cùng ký cam kết tham gia.
 
Tập trung nguồn lực khai thác thị trường trong nước
 
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm nay của Bộ VHTTDL, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vận động 100% nhà hàng, khách sạn và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời 100% các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia chương trình kích cầu du lịch. Ông Khánh cho biết thêm với tiềm năng và lợi thế hiện có, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu hội đủ các điều kiện trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) tiếp tục xác định du lịch là một trong bốn trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, địa phương đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung phát triển 8 loại hình du lịch chính, bao gồm du lịch hội nghị - hội thảo (MICE), du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch gắn với chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao, văn hóa - lịch sử, sinh thái, cộng đồng.
 
Ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố chương trình kích cầu, đại diện các địa phương khác cho biết sẽ sớm tiến hành các chương trình kích cầu ở mỗi tỉnh. Đồng thời tin tưởng, với những nội dung cam kết cụ thể trong liên kết, chiến dịch kích cầu mới này sẽ góp phần đáng kể vào khôi phục ngành du lịch. Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ công bố chương trình kích cầu trong tháng 10. Chương trình kích cầu mới lần này được đổi mới và sáng tạo trong các sản phẩm, đảm bảo tính an toàn và hấp dẫn.
 
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lưu ý, mỗi doanh nghiệp có những cách ứng phó khác nhau, nhưng trong bối cảnh như hiện nay, hoạt động du lịch chỉ còn thị trường nội địa thì các doanh nghiệp nên chấp nhận “tạm quên” thị trường khách quốc tế, tập trung các nguồn lực để khai thác du lịch trong nước. Trong đó, tập trung vào du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch biển và nghỉ dưỡng, sinh thái… Riêng TP.HCM, cần liên kết ngay với các tỉnh phía Nam và cả nước để phát huy vai trò là trung tâm du lịch của cả nước.
 
Mở rộng đối tượng kích cầu
 
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Vietravel nhìn nhận, để phục hồi ngành du lịch trong tình hình hiện nay, bên cạnh sự cam kết đồng hành của các địa phương, các doanh nghiệp phải chủ động liên kết chặt chẽ cùng các địa phương triển khai các kế hoạch kích thích, thúc đẩy trở lại hoạt động du lịch. Đây vừa là nghĩa vụ và quyền lợi của các doanh nghiệp. Ông Kỳ nhấn mạnh, doanh nghiệp du lịch cần đối xử “công bằng” và “tử tế” với du lịch nội địa. Thực tế lâu nay, không ít doanh nghiệp có suy nghĩ sản phẩm trong nước còn chắp vá, trùng lắp, dịch vụ yếu… chưa đáp ứng nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách nên tỏ ra “thờ ơ”. Theo ông Kỳ, các địa phương cần tập trung đầu tư, hỗ trợ những doanh nghiệp du lịch cần phải “giữ” của địa phương mình. Đồng thời nghĩ đến kịch bản “sống chung với dịch” để tạo môi trường du lịch an toàn, văn minh và cung ứng sản phẩm mới. Trong bối cảnh hiện nay, truyền thông giữ vai trò quyết định trong việc “rã băng” thị trường. Do đó, chiến dịch truyền thông của các địa phương cần tập trung vào ba yếu tố gồm điểm đến an toàn, hệ thống dịch vụ an toàn, người đến an toàn.
 
Nhấn mạnh sự chung tay vào cuộc của các địa phương và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của các chương trình kích cầu, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) lưu ý các địa phương thực hiện chương trình kích cầu du lịch thời gian tới cần mở rộng phạm vi đối tượng, không chỉ hướng tới người Việt mà còn hướng đến người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, cũng như các chuyên gia sắp đến Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế vừa được Chính phủ cho phép nối lại. Thời gian tới, cần chú trọng vào hình thành các sản phẩm mới, chất lượng với giá cả hấp dẫn. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE cuối năm, du lịch golf… Đồng thời cần có chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt… nhằm đảm bảo quyền lợi của du khách. Bên cạnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, mỗi địa phương, doanh nghiệp, khu du lịch… cần đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách biết về các điểm đến, dịch vụ mình đang cung cấp đảm bảo an toàn, mang đến sự yên tâm và xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch của du khách. 
 
 HOÀNG HẢI - (baovanhoa.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn