Quang cảnh Hội thảo giải pháp phát triển du lịch huyện Châu Thành đến năm 2025.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết, Châu Thành có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Cụ thể, huyện có thế mạnh là trồng cây ăn trái với những đặc sản như: bưởi Năm Roi Phú Hữu, bưởi tạo hình hồ lô, chanh không hạt, mít... rất thích hợp để phát triển du lịch cộng đồng, miệt vườn. Địa phương cũng đã phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế và thuận tiện cho bố trí khu, cụm dân cư.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, Trường Đại học Cần Thơ, huyện Châu Thành có tiềm năng về yếu tố tự nhiên và yếu tố nhân văn để phát triển du lịch. Theo đó, yếu tố tự nhiên là huyện vẫn giữ được sự bình dị, chân chất miền Tây sông nước; sông ngòi chằng chịt, lòng sông khá rộng và thoáng, cảnh quan hai bên vẫn còn hoang sơ. Về yếu tố nhân văn, huyện có một số di tích lịch sử cấp quốc gia; ba làng nghề truyền thống là hầm than củi, dệt chiếu và đan lục bình thủ công mỹ nghệ.
Dù có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nhưng các ý kiến tại hội thảo đều nhận định, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện hiện còn rất khiêm tốn, chưa có gì nổi bật để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, chưa xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Với những khó khăn, thách thức đang tồn tại nên để lĩnh vực du lịch của huyện phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế là điều không hề dễ, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, có ý tưởng xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các đặc sản, lợi thế của địa phương. Thế nhưng, cũng phải có yếu tố mới lạ, độc đáo thì mới mong thu hút được du khách.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi cho rằng, về định hướng chiến lược phát triển điểm đến du lịch trong thời gian tới, Châu Thành cần đầu tư cho các điểm đến văn hóa - truyền thống, các làng nghề truyền thống và các điểm đến nhân tạo.
Chẳng hạn như đối với các điểm đến văn hóa - truyền thống thì cần nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Đối với các làng nghề truyền thống thì cần nâng cấp, cải thiện hệ thống đường bộ; đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, vận động tuyên truyền; có giải pháp cho các vấn đề môi trường, an toàn tại các nghề làng nghề...
Về định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của huyện giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, địa phương cần phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm; từng bước hình thành cơ sở dịch vụ cho các loại hình du lịch đặc thù.
Bên cạnh đó, nâng cao kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, mở rộng các tuyến đường giao thông; đào tạo, chiêu mộ đội ngũ nhân lực phục vụ cho việc phát triển du lịch; quản lý chặt chẽ vấn đề an ninh, giá thành dịch vụ tại các điểm tham quan, du lịch; liên kết, phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh để phát triển du lịch.
Tới đây, huyện Châu Thành sẽ xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ông Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, đề nghị các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp thu các ý kiến do đại biểu nêu ra tại hội thảo và chọn lọc những vấn đề phù hợp đưa vào Đề án phát triển du lịch của huyện.
Về giải pháp phát triển du lịch của huyện thời gian tới, ông Lê Công Lý yêu cầu ngành chức năng huyện phối hợp với các công ty xúc tiến du lịch, công ty lữ hành tiếp tục quảng bá tiềm năng, lợi thế du lịch và tăng cường kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch của huyện. Đồng thời, nhấn mạnh phương châm phát triển du lịch của huyện tới đây là tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhân rộng từng mô hình, sản phẩm du lịch chất lượng chứ không phát triển đại trà…
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)