Tại TP Đà Lạt, tín hiệu tích cực về du lịch những tháng cuối năm bắt đầu xuất hiện. Trước kia khách thường tập trung vào dịp lễ, tết, hai ngày cuối tuần thì hiện nay lượng khách trải đều các ngày trong tuần, nhiều nhất từ thứ năm đến chủ nhật. Ông Võ Quang Thương, phụ trách kinh doanh Công ty CP Du lịch Lâm Đồng, cho biết: “Tại các điểm tham quan của đơn vị, lượng khách tăng chưa đột biến nhưng đã có khởi sắc nhất định, như khu Đường hầm điêu khắc trung bình đón 800-1.000 khách/ngày, những ngày cuối tuần lượng khách còn cao hơn”.
Du khách tham quan Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt. Ảnh: Đoàn Kiên
Đang chăm sóc vườn hoa của gia đình, bà Nguyễn Thị Phương Mai, chủ homestay Colmar Dalat (TP Đà Lạt) cho biết, sau giai đoạn khách giảm thì những ngày cuối tuần khách đăng ký lưu trú gần hết trong tổng số hơn 10 phòng của homestay. “Du khách có ở hay không thì mình cũng thường xuyên chăm sóc khuôn viên, buồng phòng để sẵn sàng đón khách bất cứ lúc nào”, bà Mai chia sẻ. Qua khảo sát, nhiều khách sạn lớn tại Đà Lạt có lượng khách lưu trú lên đến 90% vào các ngày cuối tuần, các ngày trong tuần duy trì ở mức khá từ 50%-60%.
Là địa phương chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 khi các nguồn khách quốc tế gần như vắng bóng, tuy nhiên, khách nội địa đang đổ về làm các bãi biển tại TP Nha Trang, Cam Ranh nhộn nhịp trở lại. Còn tại Bình Thuận, thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh này cho thấy, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, những tín hiệu vui đã xuất hiện. Công suất phòng bình quân tại đây đạt từ 25%-40% (giảm từ 30%-50% so với năm 2019) nhưng phần nào đã tạo tâm lý phấn khởi cho các đơn vị kinh doanh du lịch.
Liên kết cùng thu hút khách
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ đón khoảng 50 đơn vị kinh doanh lữ hành từ các tỉnh ĐBSCL lên khảo sát, đánh giá dịch vụ du lịch tại địa phương. Đây là dịp để các đơn vị lữ hành làm cầu nối trực tiếp đưa du khách đến với TP Đà Lạt - Lâm Đồng. Tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết với các địa phương lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận để thu hút lượng khách qua lại. Đồng thời, tập trung thu hút khách từ các thị trường trọng điểm như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, các tỉnh miền Tây, vùng đồng bằng duyên hải miền Trung và sắp tới là các địa phương phía Bắc”.
|
Chất lượng “quốc tế”, giá “nội địa”
Khi đợt dịch Covid-19 bùng phát thứ 2 dần được kiểm soát, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa. Ngay lập tức, khẩu hiệu “Người Bình Thuận đi du lịch Bình Thuận” nhanh chóng được lan truyền, được người dân hưởng ứng. Hàng loạt đơn vị kinh doanh du lịch tại địa phương đã tung nhiều gói khuyến mãi, giảm giá sâu để thu hút khách nghỉ dưỡng. Chỉ từ 150.000-500.000 đồng, du khách có thể đến nghỉ ngơi, ăn sáng và trải nghiệm các dịch vụ kèm theo tại những resort, khách sạn từ 3-4 sao mà bình thường phải có giá vài triệu đồng/ngày trở lên.
Chị Nguyễn Kim Bích, giáo viên một trường mầm non ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận), chia sẻ: “Tuy sinh sống tại thủ phủ resort của Việt Nam nhưng tôi chưa bao giờ dám bước chân đến các điểm này vì nằm ngoài chi phí so với thu nhập của mình. Tuy nhiên, đợt vừa rồi, vợ chồng tôi đã chi 350.000 đồng/người để vào resort Sài Gòn - Mũi Né trải nghiệm vì giá quá rẻ so với ngày thường”.
Nhiều chủ resort, doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Bình Thuận thừa nhận, chương trình kích cầu du lịch này không chỉ tạo cơ hội cho người địa phương, du khách trong nước có cơ hội trải nghiệm, khám phá những dịch vụ, thắng cảnh ở địa phương mà còn góp phần duy trì hoạt động, cũng như tạo nguồn thu nhập cho các doanh nghiệp du lịch vốn đã quá khó khăn vì Covid-19.
Nhờ có nhiều sáng kiến, giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách, du lịch Bình Thuận đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành du lịch Bình Thuận đã mạnh dạn đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để cùng nhau vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Trong đó phải kể đến chương trình “Oh Wow! Mũi Né”, khi lần đầu tiên tại Việt Nam, một điểm du lịch phát hành tới 1 triệu thẻ VIP ưu đãi miễn phí lớn dành cho du khách khi đến du lịch Mũi Né.
Ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết: “Những đơn vị tham gia được giới thiệu sản phẩm dịch vụ ưu đãi trên các kênh quảng bá và được bảo chứng dịch vụ. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp du lịch cần chung sức đóng góp để cùng vượt qua khó khăn, khủng hoảng”. Đặc biệt, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận vừa cùng với ngành du lịch TPHCM, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Du lịch Vietravel ký biên bản ghi nhớ, thống nhất các giải pháp kích cầu nhằm phục hồi thị trường du lịch. Đây là chương trình đầu tiên trên cả nước được thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ do Vietravel tổ chức với tên gọi “Du lịch an toàn - An toàn để đi du lịch”.
Bãi biển Nha Trang nhộn nhịp trở lại. Ảnh: VĂN NGỌC
Tại Khánh Hòa, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, địa phương muốn truyền đến du khách thông điệp “Nha Trang an toàn và hấp dẫn”. Hấp dẫn ở đây là cảnh quan thiên nhiên, sức hút của văn hóa bản địa và cả chất lượng dịch vụ. “Các doanh nghiệp có nhiều ưu đãi để thu hút khách. Khách đến Nha Trang - Khánh Hòa hưởng dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế nhưng giá nội địa”, bà Thanh thông tin.
Tuy vậy, theo ông Phan Đình Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Mở Toàn Cầu, để thu hút khách du lịch nội địa đến Khánh Hòa cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự kết hợp liên ngành giữa du lịch và hàng không để khai thác tốt các đường bay chưa được khai thác hiệu quả trước đây. Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch cần những cái “bắt tay”, nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, bền vững để cùng khai thác.
Trong lúc chờ đợi các chặng bay thương mại với các nước được khôi phục trở lại, một số đơn vị lữ hành chuyên tổ chức tour quốc tế tại Đà Lạt đã linh hoạt chuyển sang tổ chức tour nội địa. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp tại địa phương đã cam kết tham gia chương trình kích cầu “Đà Lạt - miền yêu thương” với nhiều hoạt động ưu đãi kéo dài đến hết năm 2020 như: Công ty CP Du lịch Lâm Đồng áp dụng chương trình kích cầu “Combo check-in” với giá 150.000 đồng dành cho khách đoàn và 200.000 đồng dành cho khách lẻ, gồm tham quan khu du lịch Langbiang, cáp treo Đà Lạt 1 chiều, thác Datanla, đường hầm điêu khắc; các điểm như thác Prenn, Thung lũng vàng, Vườn hoa TP Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng… đồng loạt giảm từ 20%-30%; Công ty TNHH Thử Thách Việt giảm 40% giá vé tour Vượt thác Datanla (chỉ còn 990.000 đồng), áp dụng ưu đãi tour tham quan Đà Lạt 2 ngày 1 đêm giá 1.240.000 đồng (ở khách sạn 3 sao), 1.440.000 đồng (ở khách sạn 4 sao)… Các khách sạn lớn như Lasapinette (4 sao) giảm 40%-50% đồng thời miễn phí taxi đi và về trung tâm theo giờ; khách sạn Sammy, Tea Resort (4 sao) giảm từ 30%-55% cho tất cả loại phòng, giảm 10% dịch vụ ăn uống…
Khách sạn, homestay tại Đà Lạt chăm sóc khuôn viên sẵn sàng đón khách bất cứ lúc nào. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Dán nhãn an toàn cho cơ sở du lịch
Để tạo sự khác biệt với các địa phương khác, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch cũng như thu hút du khách đến Bình Thuận, thông qua Bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch do Sở Y tế ban hành, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận đã dán nhãn đối với những cơ sở đảm bảo tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch, tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như chất lượng dịch vụ.
Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận, thông tin: “Ngành du lịch đã phối hợp với các đơn vị ở địa phương kiểm tra việc thực hiện tiêu chí an toàn của các doanh nghiệp đã đăng ký, dán nhãn nhận diện điểm đến an toàn với các cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, dịch vụ vận tải… Theo đó, đoàn đã kiểm tra 11 cơ sở và đã thông báo, cấp nhãn nhận diện với 9 cơ sở an toàn đón khách du lịch. Thời gian tới, chương trình sẽ triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh”.
|
NHÓM PV - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)