Hiến kế vực dậy ngành du lịch

Thứ ba, 01 Tháng 12 2020 11:07 (GMT+7)
Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch
Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hành động và phát triển", diễn ra vào ngày 28-11 tại khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), có sự tham gia của trên 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp (DN) lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn.
 
Không liên kết sẽ phá vỡ tiềm năng
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho hay giai đoạn 2015-2019 du lịch Việt Nam phát triển vượt bậc. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015). Tuy nhiên, theo ông Thiện, du lịch cũng là ngành chịu tác động bởi nhiều yếu tố, chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. Từ tháng 3-2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530.000 tỉ đồng (tương đương 23 tỉ USD).
 
Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, nhấn mạnh các giải pháp chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau đại dịch là phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55-75% tổng thu của ngành du lịch trong 2-3 năm tới. Thứ hai, tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vắc-xin Covid-19. Thứ ba, các giải pháp về cơ chế đối thoại công - tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.
Hiến kế vực dậy ngành du lịch - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ở giữa) cùng các bộ ngành cụng tay thể hiện quyết tâm chung sức, đồng lòng phục hồi, phát triển du lịch Ảnh: SƠN THỦY
 
Năm 2019, Quảng Ninh đón trên 14 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế đạt trên 5,7 triệu lượt. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay có được kết quả khích lệ trên, du lịch Quảng Ninh không thể tự thân phát triển bền vững mà luôn cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tỉnh, thành phố. "Liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả nhằm tối ưu hóa các nguồn lực phát triển du lịch của các địa phương, tạo nên sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ.
 
Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, thông tin lãnh đạo TP HCM đã và đang tập trung chỉ đạo ngành du lịch tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước. "4 liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước trong năm 2020 cùng với Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa
 
TP HCM và 13 tỉnh/thành ĐBSCL vào năm 2019 đã kết nối các tỉnh, thành và vùng miền theo chiều dài đất nước từ Bắc xuống Nam" - ông Liêm nói.
 
Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, kiến nghị Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho DN kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế. Đồng thời, tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm DN - địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi DN, mỗi điểm đến và mỗi địa phương.
 
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng khi chọn du lịch nội địa là cứu cánh, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ, rõ ràng. Theo ông, không nên để tình trạng tự phát không có kế hoạch cụ thể. "Các ban ngành liên quan cần xem khách du lịch nội địa là đối tượng nghiên cứu, phân luồng từng đối tượng và thiết lập các sản phẩm du lịch tương ứng với họ" - ông Bình nói. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định chuyển đổi số để phát triển du lịch là một trong những yếu tố sống còn. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho rằng việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp DN xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.
 
Vinpearl đã đẩy mạnh bán hàng trên kênh trực tuyến và đạt mức tăng trưởng 300% trong năm 2020, dự kiến tiếp tục duy trì mức tăng 300% trong năm 2021. Trong năm 2021, định hướng chuyển đổi số của Vinpearl là tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách. Đặc biệt, tập đoàn sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách.
 
Không thể chờ đến khi có vắc-xin mới đi du lịch
 
Hiến kế vực dậy ngành du lịch, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho rằng vừa phòng chống dịch vừa ưu tiên bảo đảm sức khỏe cộng đồng là điều kiện tiên quyết của các cơ quan ban ngành trong bối cảnh hiện nay, không thể chờ đến khi có vắc-xin ngừa Covid-19 mới đi du lịch. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm an toàn cho du khách, DN và cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
 
Ông Võ Anh Tài đề xuất các bộ, ngành nên có cơ chế kịch bản phối hợp liên tục, liên ngành hay kinh tế vùng, ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển. Đại diện Saigontourist cũng đề xuất có cơ chế On/Off, tức tắt mở kịp thời trong mọi tình huống.
 
Liên quan đến nội dung này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, đưa ra giải pháp các khách sạn làm điểm cách ly có thu phí có thể giảm áp lực cho lực lượng y tế và công an bằng cách thí điểm phương án được thuê dịch vụ bác sĩ, y tế, vệ sĩ tư nhân trực tại khách sạn. Ngành sẽ tập huấn cho 2 dịch vụ này, đồng thời kết nối camera bên ngoài và camera khách sạn để kiểm soát và theo dõi.
 
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, kiến nghị Chính phủ chủ trì, ban hành các quy định liên quan đến an toàn với du khách, nâng cao công tác an toàn ở các điểm tham quan. Đồng thời, xây dựng chương trình du lịch có trọng điểm, chi tiết nhằm hút du khách, sớm hoàn thiện công tác an toàn, kiểm soát dịch bệnh để sẵn sàng mở cửa đón du khách quốc tế.
 
Tái cơ cấu thị trường khách quốc tế
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn cho rằng dù tăng trưởng nhanh về số lượng khách nhưng cơ cấu thị trường khách du lịch còn nhiều bất cập. "Điểm yếu của chúng ta là thụ động, thị trường nào khách đến đông thì đón đông, dù chất lượng có thể chưa cao. Thị trường nào khách đến ít dù chi tiêu cao cũng chịu đón ít. Vì thế, tới đây, cần phải chủ động tái cơ cấu thị trường khách quốc tế" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn nhân lúc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành du lịch phải làm sao để khách ta được đi tour Tây. Có nghĩa là người Việt Nam được trải nghiệm những dịch vụ cao cấp tại Việt Nam mà trước đây hầu hết chỉ dành cho du khách nước ngoài.
 
Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn