Tâm huyết cho sự phát triển Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc

Thứ ba, 22 Tháng 12 2020 10:51 (GMT+7)
Mới đây, tại Đồng Tháp, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nông làm du lịch đã có buổi ngồi lại bàn chuyện du lịch ở Sa Đéc. Từ khi có Dự án “Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc”, du lịch nơi này ngày một sôi động hơn, mọi người có sự chăm chút hơn cho điểm tham quan; rồi cả sự lắng nghe, tinh thần cầu thị để du lịch làng hoa sớm chắp cánh.
Du khách tham quan Làng hoa Sa Đéc.
 
Tại hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc” nhằm đóng góp cho Dự án “Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc” diễn ra tại Đồng Tháp, với tình cảm đặc biệt dành cho làng hoa, nhiều đại biểu đã mang đến những ý kiến tâm huyết. Các ý kiến đều là những kinh nghiệm hữu ích, những chia sẻ thẳng thắn bằng kinh nghiệm từng trải và am hiểu chuyên sâu của các chuyên gia, nhà quản lý, đơn vị du lịch, lữ hành... Đứng trước nhu cầu đổi mới, đa dạng các loại hình du lịch để phục vụ du khách, ngành du lịch luôn phải tìm tòi, xây dựng và phát triển không ngừng các sản phẩm du lịch mới. Du lịch ở Đồng Tháp cũng không nằm ngoài sự đổi mới ấy. 
Tâm huyết cho sự phát triển Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc -0
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu phát biểu tại hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển làng văn hóa du lịch Sa Đéc”.
 
Nằm ở bên bờ sông Tiền, Làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông) là làng nghề đã hình thành từ trăm năm trước và là nơi cung cấp hoa kiểng lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ sản xuất và cung cấp hoa, giờ Làng hoa Sa Đéc đã trở thành điểm tham quan du lịch làng nghề chuyên nghiệp, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. 
Tâm huyết cho sự phát triển Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc -0
 Vị trí đầu tư của Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc.
 
Theo Dự án, Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc sẽ được quy hoạch thành các khu vực đặc trưng riêng như: khu nhà điều hành làng văn hóa; trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương; nhà tiêu bản các giống hoa; trải nghiệm ẩm thực các món ăn dân gian, tổ chức lễ hội truyền thống; bungalo nghỉ dưỡng; spa, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp từ chiếc xuất hoa; nhà trồng hoa thủy canh; chế biến chiết xuất tinh dầu hoa; bãi đậu xe; phục chế vườn hồng Tư Tôn; xây dựng khu trung tâm thương mại hoa kiểng Đồng Tháp… 
 
Trưởng phòng Phát triển sản phẩm - Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn Tourist Phan Yến Ly cho rằng, đối với Sa Đéc, cần xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch tại làng hoa bằng cách “thổi hồn vào sản phẩm”. Để sản phẩm Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc tiếp tục thu hút du khách hiệu quả, cần chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tại làng hoa như: giữ hồn chợ hoa trên bến dưới thuyền ngày Tết, lễ hội đình làng, thiết kế mẫu mã cho đặc sản làng hoa nâng tầm thương hiệu và tiện lợi cho việc khách du lịch mang về làm quà, bảo tồn cách trồng hoa truyền thống, giới thiệu nghệ thuật chăm sóc cây kiểng cổ, bồi dưỡng đào tạo các lớp nghệ nhân tại các làng nghề… 
Tâm huyết cho sự phát triển Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc -0
  Nhiều điểm du lịch Homestay thu hút khách tham quan (ảnh tư liệu).
 
Hiện nay có nhiều nhà vườn, trang trại, khu du lịch ở Sa Đéc đã xây dựng nhiều mô hình khai thác khách tham quan nhưng lại sao chép cách làm hay trong trang trí ở các nơi khác, hay làm bình dân hóa các điểm đến… Bà Phan Yến Ly cho đây là điều mà các nhà quản lý địa phương nên quan tâm và định hướng cho các nhà đầu tư để có được các sản phẩm du lịch thật sự đẳng cấp. Song song đó, thành phố Sa Đéc cần sớm cải tạo hệ thống kênh mương tưới tiêu cho làng hoa thành tuyến đường thủy nội vùng với thế mạnh khác các vùng trồng hoa khác là người dân Sa Đéc trồng hoa trên đất, trên xuồng, trên mặt nước, vốn sẽ làm cho du khách tham quan có thể tận hưởng cảm giác tự nhiên, gần gũi… thì chắc chắn Sài Gòn Tourist sẽ tiếp tục khai thác Sa Đéc thành một điểm đến hấp dẫn hơn với các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều du khách.  
 
Cũng có chung ý kiến về phát triển sản phẩm và thị trường Làng hoa Sa Đéc, ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, lợi thế của Làng hoa Sa Đéc là tập trung, có hoa quanh năm và nổi tiếng trong, ngoài nước, thuận lợi về giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ. Sa Đéc có nhiều hoa nhưng cần có hoa biểu tượng, trên các không gian cần có sự hiện diện của hoa, đầu tư bảo tàng làng hoa, tạo điểm nhấn bằng lễ hội hoa theo mùa. 
 
Tâm huyết trong công tác đào tạo nhân lực phục vụ phát triển Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc, thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn cho rằng, cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ cùng với các chuyên môn nghiệp vụ theo lộ trình đầu tư của dự án, nhất là cộng đồng dân cư tham gia trực tiếp vào các hoạt động như các hộ dân làm homestay, điểm tham quan, các hộ kinh doanh, các hội đoàn thể... Đồng thời cần có định hướng phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Sa Đéc trong công tác đào tạo nhằm phát triển mô hình đào tạo tại các doanh nghiệp theo đơn đặt hàng và đặc thù của từng doanh nghiệp với phương châm đào tạo những gì doanh nghiệp cần.
 
Nhiều hộ dân sản xuất hoa kiểng ở Sa Đéc đã gắn với đón khách tham quan du lịch. Cũng với những con người ấy bấy lâu nay, chỉ biết trồng cây hoa, bán cây bông làm đẹp cho đời, thì nay đã mạnh dạn đầu tư vào loại hình du lịch cộng đồng với mục tiêu chính là cải thiện và tăng thêm thu nhập cho gia đình mình và cộng đồng, tạo sự hiểu biết, giao lưu giữa những người dân địa phương và khách du lịch, du khách có cơ hội tham quan, tìm hiểu tập quán canh tác trồng hoa, sinh hoạt, trải nghiệm văn hóa với người dân địa phương.
 
Chủ nhiệm Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” - nông dân Trần Thanh Hùng (phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc) cho biết: Bà con Làng hoa Sa Đéc với các vụ mùa bội thu về sản lượng sản xuất hoa kiểng đa dạng về chủng loại, chất lượng hoa cũng như giá trị về kinh tế, khẳng định cho một thương hiệu bền vững, thì lĩnh vực du lịch cũng có những thành quả rất phấn khởi. Đã đến lúc câu nói “có chi dùng nấy và nghĩ sao làm vậy” đã không còn phù hợp với bà con làm du lịch ở Làng hoa Sa Đéc nữa. mọi cơ sở phải tự biết không ngừng hoàn thiện chính mình để đi cho vững chắc với nghề. Từ đó buộc chúng ta phải chuyên nghiệp cho từng sản phẩm. Ví dụ tăng cường đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại điểm, nhân viên phục vụ để giới thiệu cho du khách hiểu hơn về tập quán, sinh sống, canh tác của người dân làng hoa Sa Đéc. Đồng thời phải liên kết, hỗ trợ, chia sẻ thông tin kinh nghiệm, thị trường cùng nhau phát triển bền vững. 
 
Để phát triển Làng hoa kiểng Sa Đéc gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, về phía Sở, thời gian tới sẽ nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao trong việc tăng cường phối hợp, hỗ trợ các viện, trường, doanh nghiệp để nghiên cứu lai tạo, chọn giống mới đặc biệt là các giống hoa được thị trường ưa chuộng để phục vụ cho Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc. Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hoa kiểng rải vụ, nhằm duy trì lượng hoa đa dạng chủng loại tại chỗ phục vụ du lịch quanh năm. Cải tiến kỹ thuật sản xuất hoa kiểng ứng dụng Công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu. Đào tạo cho nông dân những kiến thức về sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ trong sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hội quán hoa kiểng.
 
Với mong muốn khai thác tốt tiềm năng phát triển của Làng hoa Sa Đéc phục vụ cho du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân Sa Đéc nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng trong thời gian tới, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc.
 
“Tỉnh mong muốn nhận nhiều ý kiến tâm huyết, những kinh nghiệm hữu ích, những chia sẻ thẳng thắng, đóng góp chân thành, sát hợp thực tiễn bằng kinh nghiệm từng trải và am hiểu chuyên sâu của các chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị du lịch, lữ hành, sẽ đóng góp cho Dự án ngày càng hoàn thiện, khả thi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu khẳng định.
 
Du lịch tại thành phố Sa Đéc thực sự được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ trong khoảng 5 năm gần đây. Quá trình đó gắn với thực tế về sự phát triển của du lịch thành phố, nhất là các cơ hội và thách thức khi được Chính phủ phê duyệt Làng hoa Sa Đéc là một trong 10 mô hình Làng Văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc xây dựng và phát triển góp phần phục vụ và phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa địa phương, tạo ra tài nguyên du lịch có giá trị phục vụ nhu cầu cần nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, tham quan du lịch. Qua đó, mang lại lợi ích kinh tế, cải tạo môi trường sinh sống khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sống của cư dân.
 
Làng hoa kiểng Sa Đéc nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long trù phú, được người dân đặt cho tên gọi thân thương là “Thủ phủ hoa của miền tây Nam Bộ”. Xuất phát từ vài hộ dân trồng hoa để trang trí, trưng bày trong những ngày lễ, Tết. Đến nay, làng hoa đã có hơn 3.000 hộ dân trồng hoa với diện tích hơn 600 ha. 
 
Nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc được hình thành từ những năm cuối thế kỷ 19. Tiêu biểu là Vườn hồng của ông Dương Hữu Tài (Tư Tôn) có hơn 400 loài hoa và dược liệu quý. Đến nay, tại làng hoa đã trồng và nhân giống hàng ngàn giống hoa khác nhau, đặc biệt còn lưu giữ được hơn 50 giống hoa hồng của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Không những vậy, làng hoa Sa Đéc còn là xứ sở của nhiều loại cây kiểng quý hiếm tuổi thọ hàng trăm năm. Sản phẩm hoa, cây cảnh Sa Đéc cung cấp cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền trung, thị trường Campuchia và đang hướng đến các thị trường xuất khẩu rộng lớn khác.
HỮU NGHĨA - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn