Kỳ vọng loạt sản phẩm mới
Bà Trần Thị Tuyết Nga, Tổng Giám đốc KDL Một thoáng Việt Nam, cho biết ý tưởng thành lập KDL được bà khởi xướng khoảng 30 năm trước, trên khu đất rộng 20 ha. KDL giới thiệu những làng nghề truyền thống đặc sắc của Việt Nam từ trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, đan lát, nghề làm giấy dó... "Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhất là văn hóa, lịch sử quê hương đến với lớp trẻ Việt Nam. Thông qua đó góp phần quảng bá nhiều hơn nữa vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới" - bà Trần Thị Tuyết Nga nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, từng hạng mục của KDL đều kể câu chuyện về cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân, vừa quen vừa lạ như đồi Trứng kể câu chuyện cội nguồn dân tộc Lạc Long Quân và Âu Cơ; thác Bản Giốc hùng vĩ, tráng lệ với thế giới kỳ hoa dị thảo; nhà rông Tây Nguyên với những cây nêu, đàn T’rưng, bụi dã quỳ... Sản phẩm du lịch mới này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm sức hút cho TP HCM trong thời gian tới.
Bên cạnh mở lại KDL Một thoáng Việt Nam, ngành du lịch TP đang nỗ lực tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách nội địa và chuẩn bị để đón khách quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, chia sẻ trong năm nay, kỳ vọng của ngành du lịch TP là đột phá trong công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, truyền thông... để du lịch TP khởi sắc, sớm phục hồi trong năm 2021.
Cụ thể, sản phẩm mới năm nay sẽ tập trung 7 nhóm chủ lực, như dòng sản phẩm văn hóa, lịch sử được đưa vào khai thác dịp Tết nguyên đán, điển hình là chùm tour Tình báo Sài Gòn - được phát triển tiếp từ chùm tour Biệt động Sài Gòn đã giới thiệu trong năm 2020. Một số doanh nghiệp (DN) du lịch cũng đưa vào khai thác sản phẩm mới dịp Tết như KDL Văn hóa Đầm Sen có nhạc nước ánh sáng laser, KDL Một thoáng Việt Nam có nhiều sản phẩm mới sau thời gian cải tạo, nâng cấp... "Nhiều DN, cơ sở dịch vụ du lịch, điểm đến, nhà hàng, khách sạn cũng nỗ lực ra mắt sản phẩm mới hoặc làm mới sản phẩm du lịch vốn có để thu hút du khách" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin.
Một điểm nổi bật của ngành du lịch TP HCM gần đây là từng quận, huyện cũng sáng tạo, làm mới điểm đến để kéo du khách tới. Chẳng hạn, phố đi bộ Nguyễn Lâm (quận 10), quận 3 giới thiệu đề án thiết kế đô thị với 2 tuyến phố đi bộ là hồ Con Rùa và Nguyễn Thượng Hiền, quận Gò Vấp vừa khai trương sân khấu nhạc nước 15.000 m2 ở khu đô thị City Land, quận 4 đưa làng nghề giày Khánh Hội vào khai thác du lịch hay quận Gò Vấp cải tạo lại Công viên Làng Hoa. Đặc biệt, quận 5 đang ấp ủ khu phố đêm để phát triển kinh tế đêm...
Khu Du lịch Một thoáng Việt Nam vừa đón khách trở lại sau thời gian nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: PHẠM NGUYỄN
Đẩy mạnh kinh tế đêm
Sau khi có hành lang pháp lý là Quyết định 1129 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, một số quận - huyện trên địa bàn TP đã chủ động nghiên cứu, đề xuất triển khai sản phẩm kinh tế đêm.
Chiều 18-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn, cho biết công ty vừa được chấp thuận tổ chức thí điểm mô hình chợ đêm Hóc Môn dịp Tết nguyên đán 2021, từ đó tạo nền tảng cho việc phát triển phố đi bộ ban đêm trên địa bàn huyện.
Trước đó, Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn đã nghiên cứu, khảo sát và đánh giá tiền khả thi việc đầu tư xây dựng chợ đêm Hóc Môn trở thành sản phẩm du lịch mới của địa phương này, kỳ vọng góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội và thu hút du khách. "Sản phẩm kinh tế ban đêm nếu được đầu tư, phát triển một cách bài bản sẽ đóng góp rất lớn vào ngành du lịch TP. Để làm điều này, không phải làm theo phong trào mà cần sự đầu tư đúng mức, giao cho các đơn vị có uy tín tổ chức tạo nên những phố chuyên doanh về ẩm thực, vui chơi, mua sắm..., góp phần tạo sản phẩm mới, hấp dẫn cho ngành du lịch" - ông Huỳnh Văn Sơn đề xuất.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP, với nỗ lực của các quận - huyện như trên, trong năm nay, ngành du lịch TP sẽ tổ chức những chuyến khảo sát cùng với DN du lịch để nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mang tính điểm nhấn cho TP. Từ đó, cho ra đời và đưa vào khai thác thêm những sản phẩm du lịch mới cho ngành du lịch TP.
Cần có sản phẩm lưu niệm đặc trưng
Một trong những mục tiêu của ngành du lịch TP HCM là làm sao để khách lưu trú lâu hơn, từ 2-3 ngày, thay vì chỉ một đêm. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST tourist, cho rằng ngành du lịch TP cần đầu tư mạnh hơn vào sản phẩm du lịch, cho dịch vụ kinh tế đêm, trung tâm mua sắm quà lưu niệm... Các DN cần tạo những sản phẩm quà lưu niệm mang tính biểu trưng của du lịch TP, lưu lại dấu ấn với khách trong và ngoài nước, tạo hình ảnh cho ngành du lịch. Thời gian qua, TP đang ký kết hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước thì nay cũng nên tạo dấu ấn, sự hào hứng khi du khách tới TP và có quà lưu niệm đặc trưng để mang về... "Để phát triển sản phẩm quà tặng đặc trưng của TP, ngành du lịch có thể vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công, quà lưu niệm trên địa bàn tham gia, quan trọng là cần "nhạc trưởng" đứng ra tập hợp, kết nối các DN trong lĩnh vực này" - ông Nguyễn Minh Mẫn nói.
THÁI PHƯƠNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)