Cần chính sách linh hoạt để "cứu" doanh nghiệp du lịch

Thứ sáu, 05 Tháng 2 2021 10:59 (GMT+7)
Trước những thiệt hại của doanh nghiệp khi chưa kịp hồi phục vì những đợt dịch Covid-19 trước đây, nay lại phải đối mặt với đợt dịch mới, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã kiến nghị với các ngành chức năng đề xuất Chính phủ có chủ trương, chính sách linh hoạt, thiết thực hơn nữa để doanh nghiệp du lịch cầm cự vượt qua đại dịch Covid-19.
 Khách di chuyển bằng máy bay sẽ hạn chế, doanh nghiệp lữ hành và hàng không sẽ càng khó khăn hơn
 
 Đã khó, giờ còn khó khăn hơn
 
Trong bản kiến nghị của Hiệp hội Du lịch TP.HCM ngày 1.2 gửi Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, UBND TP.HCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch TP.HCM cho thấy: Những tưởng sẽ có những ngày Tết và mùa Xuân bình yên bù lại một năm chật vật chống đỡ dịch bệnh, nhưng đến lần dịch này các doanh nghiệp du lịch đã khó khăn giờ còn khó khăn hơn. Khách hoàn huỷ tour hàng loạt, dịch bệnh thì khó lường, doanh nghiệp kiệt quệ vẫn phải lo hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày tour vô thời hạn đối với khách hàng, trong khi vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro.
 
Đầu năm 2021, trước sự chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ của Chính phủ, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt, từng bước phục hồi du lịch nội địa nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cùng các doanh nghiệp du lịch hội viên phối hợp các đơn vị vận chuyển và Hiệp hội Du lịch các địa phương tích cực triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc, hứa hẹn một mùa du lịch Tết 2021 với nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, từ cuối tháng 1 dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng. Mặc dù Chính phủ chỉ đạo dập dịch thần tốc, cả hệ thống chính trị vào cuộc truy vết, cách ly, điều trị nhưng trước sự bùng phát với tốc độ lây lan chóng mặt của chủng virus biến thể mới, để bảo vệ chính mình cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, người dân và du khách đã đồng loạt hoãn, hủy các tour du lịch, đặc biệt các tour du lịch Tết đã đăng ký trước đó. “Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị tour, sản phẩm du lịch và nhận đặt tour dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của khách, giờ phải hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày khởi hành vô thời hạn. Doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn nay còn bi đát hơn, rất cần có sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng và Chính phủ để có thể chống chọi với đại dịch”, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết.
 
Theo phản ánh của các doanh nghiệp du lịch, trong thời gian qua các chính sách ứng phó của Chính phủ với đại dịch đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy các chính sách này vẫn phát sinh một số bất cập, hạn chế. Sau đợt dịch hồi tháng 3.2020, doanh nghiệp du lịch được áp dụng quy định giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng 6 tháng, hiện nay vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian. Ngoài ra đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, do doanh nghiệp hoạt động lỗ nên cũng không áp dụng chính sách này. Đối với thuế thu nhập cá nhân cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào, vẫn phải đóng đủ và đúng thời gian. Việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn chỉ áp dụng đến hết năm 2020. Doanh nghiệp chỉ được giãn nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) với điều kiện phải cắt giảm trên 50% lao động, những doanh nghiệp không cắt giảm lao động vẫn đóng BHXH bình thường.
 Khách du lịch chủ yếu dự kiến tự đi, đi theo nhóm nhỏ để phòng, chống dịch
 
Để vượt qua chặng đường phía trước
 
Nói lên nguyện vọng của các doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM, Hiệp hội Du lịch TP.HCM tiếp tục kiến nghị tới các cơ quan chức năng đề xuất Chính phủ những chính sách rất cụ thể, thiết thực như: Miễn hoặc giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021. Hiện nay đa số doanh nghiệp du lịch không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác. Đề nghị miễn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 và 2022. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%, để giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi. Kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để doanh nghiệp không rơi vào phát sinh nợ xấu.
 
Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng đề nghị miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2021. Giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021. Cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp BHXH năm 2021 đến hết tháng 6.2022, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng trong 24 tháng qua; đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho lao động; miễn các khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, tăng tỉ lệ thay thế từ 60% lên 80%.
 
Theo bà Khánh, đây là những nguyện vọng tha thiết của doanh nghiệp du lịch gửi tới cơ quan chức năng, mong có thể vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay và chặng đường dài sắp tới. 
 
 NGUYỄN ANH; ảnh: ANH VŨ - (baovanhoa.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn