Để chợ nổi trở thành sản phẩm du lịch đặc thù

Thứ hai, 08 Tháng 2 2021 10:24 (GMT+7)
Sản phẩm du lịch đặc thù là một trong những yếu tố then chốt tạo đòn bẩy cho du lịch địa phương phát triển. Với du lịch TP Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng hội tụ những điều kiện then chốt để trở thành sản phẩm du lịch đặc thù. Thế nhưng, việc này còn nhiều khó khăn, cần sự hợp lực, chung tay của cộng đồng để nâng tầm và phát triển du lịch chợ nổi trong thời gian tới.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.
 
Đề án Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020 tầm nhìn 2030, xác định xây dựng, phát triển loại hình du lịch sông nước là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Du lịch Cần Thơ tập trung thực hiện (bên cạnh du lịch MICE). Nói đến du lịch sông nước thì chợ nổi Cái Răng là sản phẩm độc đáo, nhưng việc duy trì và phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề với các ngành chức năng. Dịch vụ trải nghiệm tại chợ nổi bị đánh giá là còn đơn điệu, du khách tham quan như “cưỡi ngựa xem hoa”. Chỉ một số ít đơn vị khai thác thêm những trải nghiệm khác như thưởng thức trái cây, cà phê… trên ghe cùng thương hồ. Mặt khác, du lịch chợ nổi phát sinh nhiều vấn đề bởi sự chồng chéo về thủ tục pháp lý, quản lý; xử lý rác thải và bảo vệ cảnh quan, vệ sinh còn nhiều bất cập; khó kiểm soát, quản lý giá cả ở chợ nổi... Ông Vương Công Khanh, Quyền Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết địa phương đã nhiều lần kiểm tra, siết chặt vấn đề chặt chém, cò mồi trên chợ nổi, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn bởi khó khăn trong việc quản lý, chồng chéo giữa các cấp, các ngành.
 
Để tham quan chợ nổi Cái Răng, du khách thường sẽ xuất phát từ quận Ninh Kiều, Bình Thủy hay huyện Phong Điền theo các tuyến đường sông. Mặc dù bến tàu số 1 và bến tàu An Bình (đều thuộc quận Ninh Kiều) là địa điểm có nhiều du khách lựa chọn xuất bến, nhưng không có bến tàu quy định phục vụ du lịch. Từ thực tế này phát sinh nhiều bến tàu “chui”, dẫn đến tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách. Lại thêm không có cơ chế phối hợp giữa các địa phương để quản lý và xử lý những trường hợp sai phạm. Mặt khác, thương hồ chợ nổi chưa biết cách làm du lịch và bị động trong việc tiếp đón du khách, bởi hoạt động chính của họ là mua bán nông sản, chủ yếu bán sỉ. Cuộc sống của các tiểu thương trên sông khá bấp bênh, là một trong những nguyên do khiến chợ nổi dần thưa thớt, thương hồ bỏ chợ. Việc bảo tồn và phát triển chợ nổi trở thành nỗi trăn trở của ngành Du lịch Cần Thơ.
 
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty Du lịch Hieutours, cho biết chợ nổi Cái Răng là văn hóa phi vật thể của nhân loại, đậm bản sắc văn hóa của Cần Thơ và ĐBSCL, nên việc bảo tồn và phát triển chợ nổi cần theo hướng tự nhiên. “Chúng ta phải tạo điều kiện để người dân trên chợ nổi tham gia vào quá trình làm du lịch. Cần Thơ nên có bến tàu chuyên phục vụ du lịch, từ đó hình thành tuyến từ bến tàu đến điểm chốt ở quận Cái Răng, cách chợ nổi chừng 300-400m. Du khách tập trung tại đây và di chuyển sang ghe nhỏ để tham quan và trải nghiệm chợ nổi. Với cách làm này có thể quản lý được lưu lượng khách, đồng thời tạo điều kiện cho người địa phương tham gia vào quá trình chở khách, có thêm công ăn việc làm. Mặt khác, đây cũng là nhu cầu của nhiều du khách mong muốn trải nghiệm và hòa nhập với nếp sinh hoạt trên chợ nổi mà công ty ghi nhận trong quá trình xây dựng tour trải nghiệm. Vấn đề địa phương cần quan tâm chính là đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, hạn chế các máy đuôi tôm vào khu vực trải nghiệm của du khách. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch không gian xanh cho chợ nổi khi làm bờ kè khu vực chợ nổi, cũng như nên có khu vực check-in chợ nổi”, ông Nguyễn Hồng Hiếu đề xuất.
 
Thực tế trong nhiều năm qua, quận Cái Răng đã xây dựng và triển khai đề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng, đã có những ảnh hưởng tích cực đến người dân sống trên chợ nổi, trong đó hiệu quả nhất là chăm lo các vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng cho thấy nhiều hạng mục đã không phù hợp thực tế, nên UBND quận Cái Răng kiến nghị điều chỉnh một số nội dung, trong đó có xây dựng chợ đầu mối nông sản, trợ giá hay bao tiêu cho người dân chợ nổi, các cơ chế phối hợp để quản lý các hoạt động du lịch và xử lý các vi phạm… Từ thực trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ và UBND quận Cái Răng đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm Bảo tồn chợ nổi Cái Răng năm 2021. Kế hoạch chú trọng đến một số giải pháp về sắp xếp trật tự các bến tàu, xây dựng và triển khai các dự án du lịch xanh, xây dựng phương án làm bờ kè tại chợ nổi; hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân tiêu thụ nông sản, xây dựng các hoạt động điểm nhấn, tăng sự trải nghiệm cho du khách, tập huấn các kỹ năng làm du lịch cho người dân chợ nổi….
 
Chợ nổi Cái Răng không chỉ là sản phẩm du lịch đặc trưng của Cần Thơ mà còn là bản sắc văn hóa của vùng Tây Nam Bộ. Gìn giữ và phát huy giá trị chợ nổi đúng cách là trách nhiệm của cả cộng đồng. Ngành Du lịch Cần Thơ đang rất nỗ lực, lắng ghe ý kiến từ cộng đồng để có những định hướng và giải pháp phù hợp trong quá trình bảo tồn, phát huy chợ nổi trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hút hơn với du khách gần xa.
 
Bài, ảnh: ÁI LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn