Những xu hướng mới thời đại dịch

Thứ hai, 01 Tháng 3 2021 08:04 (GMT+7)
Thời gian tới ngành Du lịch sẽ tiếp tục phải chịu tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra. Để thích ứng với tình hình mới, ngành Du lịch đã có sự chủ động, sáng tạo để vượt qua khó khăn. Trong đó, du lịch ảo, truyền thông trực tuyến đã giúp ngành duy trì và hồi phục.
  Hình ảnh được giới thiệu trong “Việt Nam - điểm đến văn hóa, ẩm thực
 
Tổng cục Du lịch đã linh hoạt chuyển hướng khai thác thị trường, mở ra thêm nhiều hướng mới cho phát triển bền vững hơn nhằm giảm thiểu tối đa tác động của dịch Covid-19 đối với ngành.
 
Đẩy mạnh truyền thông trực tuyến
 
Cụ thể là việc định hướng khai thác sâu hơn thị trường du lịch nội địa với những sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng những nhu cầu mới của khách nội địa trong điều kiện dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát ở trong nước; kịp thời tham mưu các giải pháp quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng mô hình hệ sinh thái du lịch thông minh; tiếp tục duy trì và tăng cường công tác quảng bá bằng hình thức trực tuyến đến những thị trường khách quốc tế trọng điểm của Du lịch Việt Nam…
 
Đáng chú ý trong quảng bá điểm đến trực tuyến là Chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube “Việt Nam - đi để yêu” do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) triển khai từ năm 2021. Chương trình có sự tham gia tích cực của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới trẻ và lượng theo dõi lớn. Mỗi YouTuber đóng vai trò như một “thuyết minh viên du lịch trực tuyến” khám phá vẻ đẹp văn hóa, ẩm thực, con người và thiên nhiên Việt Nam.
 
Đúng ngày 30 Tết (11.2), clip giới thiệu du lịch với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” đã chính thức ra mắt trên kênh YouTube của Tổng cục Du lịch. Những hình ảnh mang đầy màu sắc rực rỡ của mùa xuân, những phong tục cổ truyền, không khí ngày Tết truyền thống, hơi ấm đoàn viên trong clip đã mang đến cho du khách sự thư thái của mùa xuân và những màu sắc đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam. Đây thực chất là một chuyến du lịch ảo, là dịp để người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới tìm về với cội nguồn, tìm đến sự bình yên trong lòng, tích tụ năng lượng và tâm thế sẵn sàng bước vào năm mới với nhiều hy vọng về những điều tốt đẹp.
 
Chỉ sau hơn một tháng chính thức ra mắt, clip “Việt Nam - Đất nước, con người” trên kênh YouTube của Tổng cục Du lịch đã đạt trên 1,4 triệu lượt xem. Kênh YouTube của Tổng cục Du lịch cũng đã tăng thêm hơn 2.000 lượt theo dõi. Chương trình đã phần nào đáp ứng được nhu cầu du lịch của du khách trong thời đại dịch.
 
Khám phá thế giới qua du lịch ảo
 
Không thể du lịch khám phá thế giới do dịch Covid-19, nhiều người yêu thích xê dịch đã khám phá những vùng đất mới qua màn hình nhờ các tour du lịch ảo. Nhiều công ty du lịch trong khu vực ASEAN đã nắm bắt xu thế này để đổi mới hình thức kinh doanh, phục vụ du khách.
 
Công ty du lịch Exploration Travel (Myanmar) vừa giới thiệu các tour du lịch ảo đến thành phố cổ Bagan. Các nhóm khách có thể đặt một chuyến tham quan riêng kéo dài 45 phút được hướng dẫn viên chỉ dẫn qua Zoom. Hướng dẫn viên được trang bị máy ảnh, vừa đi quanh các điểm tham quan nổi tiếng bằng xe đạp điện, vừa giới thiệu về lịch sử và văn hóa phong phú tại các ngôi đền như Ananda, Dhammayangyi và trả lời các câu hỏi của người xem. Các chuyến du lịch này có giá 50 USD cho một nhóm 10 người ngay tại nhà.
 
Giám đốc điều hành Exploration Travel, Edwin Briels cho biết: “Cũng giống như các chuyến du lịch thực tế của chúng tôi, những chuyến du lịch ảo được cá nhân hóa hơn và du khách có thể đặt câu hỏi và tương tác”. Edwin cho rằng mặc dù du lịch ảo là một cách hoàn hảo để có được cảm giác được ra khỏi nhà của du khách trong một thời gian, nhưng chắc chắn nó sẽ không giống với chuyến tham quan thực tế ở Bagan. Du lịch ảo là để sử dụng ngay bây giờ và trong tương lai, khi dịch bệnh qua đi, đó có thể là ý tưởng về địa điểm nên ghé thăm sau khi du lịch quốc tế bắt đầu trở lại, nó cũng là giải pháp cho những khách hàng không thể đi du lịch do sức khỏe hoặc hạn chế tài chính hoặc đến thăm các khu vực hiện đang bị hạn chế đối với du khách nước ngoài, chẳng hạn như các ngôi đền Mrauk U ở bang Bắc Rakhine.
 
Nhiều nước khác cũng đang áp dụng các tour du lịch ảo để phục vụ khách du lịch thời đại dịch. Với tour Virtual Angkor đến Angkor Wat (Campuchia), du khách sẽ được tham gia một cuộc hành trình ngược về thế kỷ 12 bằng công nghệ và ảnh toàn cảnh 360 độ, ngắm nhìn các công trình kiến trúc cổ xưa, tản bộ bên trong các ngôi đền, khám phá cuộc sống hằng ngày của người Campuchia xưa. Du khách cũng có thể thưởng thức vẻ đẹp bãi biển, ruộng bậc thang, đền thờ và đỉnh núi lửa cao vút của đảo Bali (Indonesia) qua một tour online kéo dài từ 60 - 90 phút và có giá từ 3,5 USD. Còn công ty ToursByLocals (Thái Lan) kêu gọi hướng dẫn viên của mình tham gia dẫn các chuyến tham quan ảo ngay tại địa phương. Ở Bangkok, du khách sành ăn có thể đăng ký tour xem chợ Khlong Toei với giá 80 USD, chợ thực phẩm tươi sống lớn nhất thành phố. Du khách cũng có thể đăng ký tour tham quan ảo 360 độ sắp được ra mắt để khám phá Kuala Lumpur (Malaysia) thời điểm này. Các lựa chọn bao gồm một buổi ca hát với Martin Theseira, chuyên gia về âm nhạc truyền thống hoặc cùng xem một đầu bếp địa phương chọn nguyên liệu trong vườn trước khi nấu các món ăn truyền thống.
 
Tham gia tour du lịch ảo qua Zoom, du khách sẽ được hướng dẫn viên đưa đi khám phá các di tích lịch sử của Indonesia trong thành phố Semarang hay quần thể đền Candi cổ kính với giá 2 USD. Thậm chí, khách du lịch có thể tham gia chuyến du lịch ảo dưới biển của AirPano, khám phá thế giới dưới nước tại đảo Komodo. 
 
NGUYỄN ANH - (baovanhoa.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn