Khi nông dân xứ sen rủ nhau làm du lịch

Thứ năm, 04 Tháng 3 2021 10:28 (GMT+7)
Năm 2020 là 1 năm đầy biến động đối với ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, nhiều hoạt động du lịch gần như bị tê liệt trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Song tại Đồng Tháp, nhiều khu du lịch nông nghiệp với hình thức Farmstay, Homestay, khu du lịch sinh thái liên tục đưa vào phục vụ du khách. Điều đặc biệt là chủ đầu tư của những dự án du lịch tiền tỷ mới nổi ở Đồng Tháp lại là những người nông dân chính hiệu xứ Sen hồng.
Khách nước ngoài thích thú trải nghiệm dịch vụ ngủ một ngày trên ao ở Farmstay Ao Nhà
 
Phát triển du lịch để “thỏa chí tang bồng”
 
Lần đầu tiên đến thăm Đồng Tháp, nhiều người sẽ cảm thấy rất bất ngờ trước những cánh đồng sen dài thẳng tắp, những cánh đồng hoa bốn mùa khoe sắc, vườn cây ăn trái trĩu quả... Ngành “công nghiệp không khói” không những được phát triển mạnh ở những nơi có điều kiện như Làng hoa Sa Đéc hay vườn quýt hồng Lai Vung mà phong trào làm du lịch còn len lỏi phát triển tận những vùng biên giới xa xôi của huyện Tân Hồng, Hồng Ngự...
 
Trở về Đồng Tháp sau nhiều năm bôn ba xứ người, chị Tô Kim Thi - chủ nhân Farmstay Ao Nhà, huyện Tân Hồng ra số vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng và phát triển khu đất sản xuất nông nghiệp của gia đình thành trang trại du lịch nông nghiệp. Trong trang trại này, chị Thi trồng hầu hết các loại nông sản tại địa phương để phục vụ nhu cầu trải nghiệm, canh tác, bắt cá hái rau của khách du lịch khi đến đây.
 
Chị Kim Thi tâm sự: “Đi loanh quanh khắp nơi mới thấy quê hương mình có rất nhiều cái đẹp và thú vị. Những điều tưởng rằng bình thường như chuyện nông dân mình nuôi cá tra xuất khẩu thì với du khách là cả một vùng trời mới mẻ. Thông qua mô hình du lịch của mình, tôi muốn du khách sẽ được trải nghiệm, khám phá nhiều hơn vùng nuôi cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp. Từ đó có những cái nhìn thiện chí và tự hào hơn về chuyện “con cá triệu đô” ở vùng đầu nguồn. Tôi mong du khách đồng cảm, để có thể mang con cá tra đi xuất khẩu hàng trăm nước trên thế giới thì nông dân quê tôi đã phải cố gắng như thế nào. Không chỉ dừng lại là làm đúng quy trình, sản xuất sạch - an toàn còn là những câu chuyện nhân văn về nghề nuôi cá tra xuất khẩu của nhiều thế hệ vùng đầu nguồn quê hương tôi”.
 
Mặc dù ban đầu xây dựng Farmstay Ao Nhà không vì mục đích kinh tế là chính nhưng với cái tình, sự mộc mạc của một nông trại vùng biên đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến thăm Đồng Tháp. Chỉ mới đi vào hoạt động vài tháng nay nhưng Farmstay Ao Nhà đã trở thành điểm hấp dẫn đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
 
Cũng giống chị Thi, xứ Cù lao Long Phú Thuận, Hồng Ngự quê hương của anh Vũ Công Định không có nhiều tiềm năng trong khai thác du lịch nhưng với góc nhìn của một người trẻ, năm 2020, anh Vũ Công Định quyết tâm xây dựng, phát triển mô hình nông trại trồng dược diệu kết hợp với phát triển du lịch với quy mô 12ha. Nông trại gồm tổ hợp các hạng mục đầu tư vườn dược liệu, vườn cây ăn trái, vườn hoa kiểng giống ngoại nhập, hồ bơi, khu ăn uống, quán cà phê... chính thức đưa vào hoạt động từ Tết Dương lịch 2020. Với những thiết kế độc đáo về tiểu cảnh, góc nhìn mới phục vụ khách hàng tiềm năng, nông trại của anh đã mang đến những trải nghiệm rất đặc biệt và khác lạ cho du khách.

Du lịch nông nghiệp, một xu hướng du lịch hiện nay
 
Anh Vũ Công Định chia sẻ: “Lý do duy nhất khiến tôi muốn dấn thân vào ngành du lịch vì đây là ước mơ. Làm du lịch trước hết vì niềm tự hào quê hương, tôi nghĩ một khi đã làm thì làm hết mình vì đam mê, mang đến những điều tốt đẹp và trải nghiệm tuyệt vời cho du khách thì mình sẽ thành công”.
 
Anh Vũ Công Định, chị Tô Kim Thi là những điển hình cho xu hướng mê làm du lịch nông nghiệp hiện nay ở Đồng Tháp. Họ là đại diện cho thế hệ nông dân “máu lửa” dám nghĩ, dám làm và biết định vị đúng những giá trị tiềm tàng của ngành nông nghiệp.
 
“Biết người biết ta” để tiến xa cùng ngành du lịch
 
Du lịch nông nghiệp Đồng Tháp những năm gần đây không chỉ phát triển một màu đơn điệu, nhiều người sẽ bất ngờ với những cách làm du lịch rất hiện đại của nông dân Đồng Tháp. Đưa vào khai thác du lịch khoảng 5 năm trở lại đây, song mỗi mùa Tết Nguyên đán qua đi, đến thăm Làng hoa Sa Đéc du khách luôn cảm thấy hào hứng như lần đầu mới đến vùng đất này.
 
Chia sẻ về cách làm để thu hút khách du lịch, ông Trần Hữu Tài - Chủ điểm tham quan Ngọc Lan, phường Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc cho biết: “Người làm du lịch là phải luôn đổi mới, tư duy có mới thì mới nghĩ ra được nhiều thứ hay ho thú vị cho du khách thưởng thức. Xuất phát điểm của tôi là nông dân và cũng lớn tuổi nên không nhanh nhạy bằng các bạn trẻ trong chuyện “bắt trend”, nhưng tôi quyết tâm thay đổi để gắn bó với nghề du lịch. Tôi luôn học hỏi kinh nghiệm, không ngại đi để học hỏi, đi để biết mình đang ở đâu và cần làm gì để phục vụ tốt hơn cho du khách...”.
 
Gần 50 tuổi nhưng tư duy làm du lịch của ông Tài rất mới mẻ, năm 2018, ông gom góp hết vốn liếng hơn 1 tỷ đồng xây dựng đài ngắm hoa cao 18m giữa trung tâm làng hoa để bắt đầu con đường khởi nghiệp làm du lịch. Đài ngắm hoa này thật sự là một điểm nhấn của Làng hoa Sa Đéc, từ đài ngắm hoa, khách du lịch có thể phóng tầm mắt quan sát được bao quát khung cảnh sản xuất nhộn nhịp của làng hoa. Để tạo sự khác biệt cho điểm du lịch của mình, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, ông Tài tiếp tục đầu tư thêm khoảng 500 triệu đồng xây dựng và làm mới các tiểu cảnh xung quanh đài ngắm hoa bằng những cung đường trang trí dù nhiều sắc màu, hàng ngàn giỏ hoa kiểng để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách...

Một góc Làng hoa Sa Đéc từ đài ngắm hoa của ông Trần Hữu Tài. Ảnh: Lê Thành Trí
 
Ngoài việc thay đổi tư duy làm du lịch, khi đến du lịch tại Đồng Tháp, khách du lịch thường rất hài lòng bởi sự phục vụ chu đáo và hiện đại của bà con nông dân. Không những tiếp thị, quảng bá ở các kênh truyền thống, nông dân tỉnh nhà còn tận dụng các thành tựu công nghệ để đến gần hơn với khách du lịch.
 
Chính thức đưa vào hoạt động vào đầu năm 2020, Nông trại Ông Bà Tư ở xã Phú Điền của chị Nguyễn Ngọc Tài trở thành điểm check-in khá hot được nhiều bạn trẻ trong, ngoài tỉnh lựa chọn. Không có nhiều cảnh quan đặc biệt, chỉ với vườn măng tây, ruộng sen và những tiểu cảnh độc - lạ, nông trại này lại được nhiều khách du lịch trẻ khen ngợi hết lời.
 
Chia sẻ về cách làm của mình, chị Ngọc Tài cho biết: “Làm du lịch nông nghiệp chỗ tôi phần lớn dựa trên những tài nguyên nông nghiệp sẵn có cộng thêm đầu tư những tiểu cảnh độc lạ để thu hút khách. Tuy nhiên tôi nghĩ, để du khách yêu quý Nông trại Ông Bà Tư thì phần nhiều là thái độ phục vụ của mình, tôi xây dựng fanpage cho nông trại, tất cả các thông tin du khách muốn tìm hiểu về nông trại đều có trên đó. Chúng tôi hướng dẫn và tương tác nhiệt tình với khách nên khi có khách đến thăm rồi trở lại tương tác trên trang fanpage sẽ tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng rất tốt”.
 
Hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ trong định hướng phát triển du lịch của Đồng Tháp, thời gian qua, Đồng Tháp đã có nhiều động thái trong việc chuyển số hóa du lịch Đồng Tháp. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Tiến Thành - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại - Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian tới, để giúp các cơ sở lưu trú kết nối tốt hơn với khách quốc tế, Trung tâm đã hỗ trợ các đơn vị kết nối với nhiều trang book phòng trực tuyến để giúp các đơn vị trên địa bàn tỉnh kết nối tốt hơn. Hiện nay du lịch số đang trở thành xu hướng, các phương thức tiếp thị du lịch truyền thống đang có khuynh hướng lỗi thời. Vì vậy, Đồng Tháp đang tiến hành thực hiện số hóa ngành du lịch ở một số bước (cung cấp trải nghiệm thực tế ảo về các điểm du lịch hiện có ở Đồng Tháp thông qua việc quét mã QR; thí điểm ứng dụng bảng đồ số phục vụ du lịch...). Việc ứng dụng số hóa trong du lịch sẽ góp phần giúp khách du lịch tiếp cận tốt hơn và đây sẽ là đòn bẩy để du lịch Đất Sen hồng tiến xa hơn”.
 
Mỹ Lý - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn