Vườn hồng Tư Tôn thời hiện đại

Thứ sáu, 12 Tháng 3 2021 07:22 (GMT+7)
Những ngày đầu năm, mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn (nằm trên tuyến tỉnh lộ ĐT 848, đoạn phường Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc) vẫn đông khách đến tham quan. Bên cạnh những vị khách trẻ tuổi đến check in điểm du lịch mới còn có các du khách lớn tuổi đến thăm Vườn hồng Tư Tôn để ôn lại những kỷ niệm của một thời dấu yêu…
Ông Dương Văn Quế chăm sóc vườn hồng tại điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn
 
Thăm Vườn hồng Tư Tôn phiên bản thế kỷ 21
 
Nằm trên tuyến đường ĐT 848, điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn là một điểm nhấn đặc biệt không thể bỏ qua khi du khách đến thăm Làng hoa Sa Đéc, như chính câu slogan mà gia chủ đặt cho khu du lịch của mình “Vườn hồng Tư Tôn - Trái tim của Làng hoa”. Điểm du lịch này vừa mang vẻ đẹp hiện đại vừa ẩn chứa giá trị văn hóa tinh thần, mang dấu ấn rất riêng của vùng đất Sa Đéc hiền hòa.
 
Khác với Vườn hồng Tư Tôn thế kỷ trước của ông Dương Hữu Tài (tức ông Tư Tôn), Vườn hồng Tư Tôn thế kỷ 21 của ông Dương Văn Quế (SN 1963, người con trai thứ bảy của ông Tư Tôn) không nằm ven sông Sa Đéc mà được chuyển đến gần trung tâm Làng hoa, tạo thuận tiện hơn cho du khách đến tham quan. Mặc dù điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn mới có quy mô rộng hơn so với “phiên bản cũ” nhưng với định hướng tái hiện lại một cách chân thực, sống động Vườn hồng của ba mình ngày trước, ông Dương Văn Quế bỏ ra nhiều tâm sức để lên ý tưởng, thiết kế lại vườn hồng mới.
 
Với tổng qui mô điểm du lịch lên tới gần 4ha, Vườn hồng Tư Tôn ngày nay được thiết kế nhiều hạng mục và điểm check in mới lạ. Bên cạnh những tiểu cảnh hiện đại, du khách còn bị cuốn hút bởi vườn hoa hồng đa dạng các chủng loại, từ hoa hồng truyền thống của Sa Đéc cho đến những giống hoa hồng cổ, hồng ngoại nhập. Thảm hồng ri tím phớt tại một góc vườn cũng là điểm nhấn thú vị giúp cho nhiều cặp đôi đến thăm Vườn hồng Tư Tôn có được nhiều bức ảnh lãng mạn.
 
Trong nhiều hạng mục đầu tư, khu vực nhà mát và vườn hoa trên ruộng nước là công trình mà ông Dương Văn Quế tốn nhiều tâm tư nhất. Ông Quế kể: Vườn hồng ngày xưa của ba tôi chỉ gói gọn với diện tích 4 công tầm cắt. Trong đó, khu nhà mát nằm ở giữa vườn hoa được ba tôi dựng lên bằng mái lá rất mát mẻ. Khu nhà mát dùng để tiếp trà nước khi khách đến thăm. Tại đây, ba tôi thường ngồi kể cho du khách nghe chuyện trồng trọt của mình, nguồn gốc của từng giống hoa kiểng trong vườn và chỉ cho du khách thưởng thức những loại hoa kiểng có thể ăn được... Ba tôi rất hiếu khách và nhiệt tình nên rất được nhiều bạn bè, du khách quý mến. Vì vậy, trong định hướng đầu tư “Vườn hồng mới”, tôi nghĩ nhà mát và vườn hoa xung quanh là trong trong những hạng mục quan trọng cần phải làm. Hạng mục này không chỉ có giá trị kỷ niệm với bản thân tôi mà nó còn là một khoảng trời ký ức của rất nhiều người.
 
Bên cạnh việc tái hiện không gian xưa, khu nhà mát hiện tại của ông Quế còn là khu nhà truyền thống lưu giữ hình ảnh và tư liệu của các bậc tiền nhân xưa có công trong việc gầy dựng và phát triển Làng hoa Sa Đéc. Đến thăm Vườn hồng Tư Tôn thời hiện đại, du khách vừa có được những khoảnh khắc kỷ niệm vui vẻ bên gia đình vừa có cơ hội hiểu hơn về nghề trồng hoa kiểng có tuổi thọ hơn trăm năm của vùng đất Sa Đéc.

Lối vào Vườn hồng Tư Tôn
 
Kế thừa những giá trị của tiền nhân
 
Trong suốt những năm 60 - 90 của thế kỷ trước, Vườn hồng Tư Tôn Sa Đéc là một địa điểm tham quan nổi tiếng được nhiều người yêu thích khi đến Đồng Tháp. Vườn hồng không chỉ hấp dẫn bởi những giống hồng ngoại lạ mắt mà du khách thích đến thăm nơi này còn vì cái tình của người chủ vườn.
 
Trở lại với Vườn hồng Tư Tôn ngày nay, ông Trần Văn Sơn (SN 1963) ngụ xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh vỡ òa cảm xúc như tìm lại được kỷ niệm của ngày xưa. Ông Sơn kể: “Vào khoảng năm 1984, lúc đó tôi vẫn còn là một sinh viên, vườn hồng của bác Tư Tôn đã nổi tiếng rất lâu. Tôi còn nhớ, thầy cô hướng dẫn của tôi ở Đại học Huế vào, nghe danh vườn hồng nên muốn đến thăm một lần cho biết. Sau khi thăm một vòng vườn hoa, các thầy cô thấy ao cá tra và cá tai tượng của bác Tư nuôi thích quá, ngỏ ý muốn mua nhưng bác Tư từ chối bán. Tuy nhiên không ngờ bác Tư lại bắt cá dưới ao lên làm bữa cơm đãi tôi và thầy cô trong đoàn. Tôi còn ấn tượng mãi bởi câu nói của bác ấy: “có nhiều đâu mà bán, để bác bắt cá lên nướng rồi mời đoàn mình dùng với bác” rồi bác cười khà khà. Nụ cười giòn tan hiền hòa còn đọng mãi trong tâm trí tôi cho đến giờ. Chính cái tình, sự hiếu khách của bác Tư là động lực để tôi tìm đến thăm Vườn hồng Tư Tôn thời hiện đại này. Tôi mong sao thế hệ kế thừa của bác Tư vẫn giữ được cái tình, sự hồn hậu làm nên danh tiếng của Vườn hồng Tư Tôn một thời và phát huy mãi về sau”.
 
Hiểu được những giá trị quý giá của thế hệ trước để lại, ông Quế tâm sự: “Tôi không biết có làm được như ba mình ngày trước hay không nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình để viết tiếp “câu chuyện vườn hồng” của ba mình. Từ khi chuyển sang làm du lịch, cuộc sống của tôi có nhiều xáo trộn và áp lực. Tuy nhiên, bù lại mỗi lần được tiếp những người khách cũ của ba trước đây, được họ kể về những kỷ niệm và những lời khen tặng dành cho ba, khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Qua cuộc đời của ba tôi để hiểu rằng, làm du lịch thành công không có cách nào khác ngoài cái tình, sự chân chất của gia chủ dành cho khách. Sau bao nhiêu năm, người ta đi và vẫn còn quay lại, lúc đó làm du lịch mới thành công”.
 
Xem phát triển du lịch là chiến lược lâu dài
 
Dù gắn bó với du lịch chưa lâu nhưng ông Quế có những góc nhìn rất thú vị về chuyện phát triển du lịch tại quê nhà. “Tôi cảm thấy may mắn khi lãnh đạo tỉnh xem phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp là một trong những mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ tầm nhìn chiến lược này đã giúp Làng hoa phát triển và nâng lên một tầm cao mới, nâng cao thu nhập cho người trồng hoa kiểng lên rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, để ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững hơn trong thời gian tới vẫn cần sự song hành với phát triển nông nghiệp. Du lịch không thể tách rời nông nghiệp. Hơn nữa, để cải thiện lượng khách trong những tháng thấp điểm, tôi nghĩ rằng địa phương nên kêu gọi những nhà đầu tư có tiềm lực trong phát triển các khu vui chơi lớn để thu hút khách đến thăm làng hoa quanh năm thay gì chỉ tập trung vào dịp Tết Nguyên đán như hiện nay”, ông Quế tâm huyết.
 
Trong bức tranh “trăm hoa đua nở” về phát triển du lịch tại Làng hoa Sa Đéc, hiện nay điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn là một điểm nhấn thú vị. Điểm du lịch này là sợi chỉ nối liền giữa những giá trị của quá khứ và những thành quả của hiện tại. Nhận định về điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn, ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Sa Đéc chia sẻ: “Trong tâm khảm của người dân Làng hoa Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn xưa của ông Dương Hữu Tài có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn. Ông Dương Hữu Tài cùng các bậc tiền nhân trước đây ở Làng hoa đã có công lao rất lớn trong việc phát triển ngành hoa kiểng và đặt những nền móng đầu tiên cho ngành “công nghiệp không khói” tại địa phương. Vì vậy, với việc gầy dựng và phát triển lại thương hiệu “Vườn hồng Tư Tôn” của anh Dương Văn Quế giúp cho bức tranh du lịch ở Làng hoa Sa Đéc thêm trọn vẹn hơn. Cũng theo nguyện vọng của bà con ở Làng hoa về việc tổ chức lễ tri ân cho các bậc tiền nhân có công lao đặt nền móng cho nghề trồng hoa kiểng, vừa qua, TP.Sa Đéc long trọng tổ chức lễ tri ân đối với các bậc tiền nhân tại điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn. Sắp tới, hoạt động này sẽ được địa phương tổ chức hàng năm luân phiên tại Làng hoa. Hoạt động này không chỉ thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” mà còn là hoạt động văn hóa giúp cho du khách từ nơi khác đến hiểu hơn về nghề truyền thống của ông cha ngày xưa”.
 
MỸ LÝ - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn