Không chỉ đơn thuần là làm du lịch, mà Solar Farm còn nuôi dưỡng và "thổi hồn" văn hóa vào các thắng cảnh, di sản miền cước sơn, gia tăng đầu tư thích đáng cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ đi kèm. Đồng thời, phát huy tính ổn định kinh tế - chính trị - xã hội khu vực biên giới Tây Nam.
KDL điện mặt trời An Hảo điểm check-in mới toanh tại Thất Sơn.
Còn nhớ 2 năm trước An Hảo in dấu trong tâm trí nhiều người với hình ảnh của xã nghèo vùng cao huyện Tịnh Biên: thiếu đất sản xuất, thiếu điện, không nước sạch, không lộ nhựa… mùa khô cánh đồng hoang vu đến cỏ dại cũng không sống nổi, mấy ai nghĩ đến việc biến nó thành khu du lịch nghìn tỉ.
Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khi Nhà máy điện mặt trời Sao Mai khởi công xây dựng và tiếp nối là KDL điện mặt trời An Hảo được đầu tư. Hàng trăm lao động địa phương đã có được việc làm với mức thu nhập ổn định, dòng người ly hương mưu sinh cũng có cơ hội trở về địa phương.
Trò chuyện với anh Châu Hoàng Minh, Giám đốc KDL điện mặt trời An Hảo, chúng tôi mới biết 1/2 cán bộ nhân viên làm việc tại đây là người địa phương, rất nhiều trong số họ là người dân tộc, có những người đã giữ những chức vụ khá cao trong KDL.
Niềm vui lao động ở góc trời biên cương.
Gặp anh Chau PhươnL - nhân viên chăm sóc cây cảnh của khu du lịch. Dáng người rắn rỏi, chất phác, anh đảm nhận công việc làm vườn, trồng cây cảnh nơi đây. Anh vui vẻ chia sẻ: "Tôi và anh trai tới KDL làm việc đầu năm nay, lúc dự án mới đang trong thời kỳ thi công, từ khi làm việc trong KDL, cuộc sống anh em chúng tôi được ổn định hơn.
Nếu ở nhà, loanh quanh làm ruộng 1 năm chỉ được 1 vụ lúa, thì hết mùa vụ lại thất nghiệp đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Giờ lên làm ở đây thu nhập chúng tôi tốt hơn, có đều đặn hàng tháng. Đã vậy còn được công ty hỗ trợ tiền cơm, cho nên mọi người rất vui mừng, muốn được làm ở đây lâu dài".
Dưới những tầng pin mặt trời sáng lấp lánh, hình ảnh những người công nhân đang miệt mài chăm chỉ gieo mầm xanh trên vùng đất khó, không ai bảo ai, mỗi người một việc cần mẫn và nghiêm túc. Cái chân thật của người vùng cao vẫn còn nguyên vẹn, chắt chiu giữa tình người và đất, về sự biết ơn những tình cảm, sự tử tế của doanh nghiệp dành cho đồng bào dân tộc nơi đây.
Từ vùng đất thuần nông, người dân An Hảo đã biết chuyển đổi ngành nghề, phát triển mạnh thương mại, các dịch vụ tiện ích như: quán ăn, nhà hàng - khách sạn,… cũng xuất hiện nhiều hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu cho du khách, đời sống người dân quanh vùng được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường,… của địa phương ngày càng được nâng cao, để du khách trong và ngoài nước có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp Thất Sơn uy linh.
Thái độ làm việc cần mẫn và nghiêm túc của những người công nhân như sự biết ơn sâu sắc dành cho doanh nghiệp.
KDL còn giúp An Hảo "lột xác". Những con đường mới được nhà đầu tư trải nhựa, hàng trăm ngôi nhà khang trang mọc lên san sát. Với điều kiện giao thông thuận lợi, lượng khách đổ về du lịch ở đây ngày một nhiều. Xã nghèo vùng cao ngày càng "thay da đổi thịt".
Ánh sáng kinh đô - ánh sáng từ thảo nguyên điện mặt trời tỏa khắp vùng Thất Sơn và rồi từ đây nguồn năng lượng mới sẽ đi khắp nơi nơi "xốc dậy" vùng đất khó thành mảng xanh màu mỡ, mà ở đó là những con đường lớn, những khu vườn nông nghiệp sạch, những công trình du lịch hiện đại. Tất cả đang dần hiện ra trước mắt đem đến cho nơi đây sự đổi thay kỳ diệu, tạo bước đột phá cực kỳ quan trọng của kinh tế biên giới Tây Nam, mở ra những trang mới trong hành trình đưa Thiên Cấm Sơn cất cánh trong giai đoạn mới.
PHƯƠNG NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)