Một góc Homestay Miệt vườn, thành phố Ngã Bảy…
Sản phẩm hay bên bờ sông Ngã Bảy
Từng nhiều năm làm trong ngành văn hóa, giờ về hưu, biên đạo múa Trần Hạnh, mới có thời gian chăm chút miếng đất hơn 1.500m2 mà chị đã chắt chiu cả đời để mua, với ý tưởng sẽ kinh doanh du lịch từ những nét độc đáo của quê mình.
Với lợi thế gần sông Ngã Bảy, nằm trong làng nghề đan cần xé, ý tưởng làm du lịch nung nấu, nên chị tìm tòi những người làm du lịch, nhất là du lịch homestay để cảm nhận những sản phẩm của họ, rút kinh nghiệm dần xây dựng khu đất vườn thành một nơi để mọi người đến trải nghiệm nét dân dã rất riêng, lạ và độc đáo. Chị Hạnh chia sẻ: “Tất cả đều làm bằng tre, lá dừa, cau để thiết kế từng không gian riêng biệt, những cây cầu tay vịn bắc qua những con mương sơn nhiều màu hòa quyện nhau, tạo nên nét hiền hòa của một khu vườn đặc thù nông thôn Nam bộ. Những loại hoa dại, rau vườn và một số loại rau quả dây leo cũng được chọn và trồng để tạo không gian cho du khách không chỉ tham quan mà còn chọn cho mình góc chụp thích hợp để có những tấm hình đẹp”.
Đây không phải là ý tưởng làm homestay đầu tiên tại Hậu Giang, nhưng được khởi phát từ một người hiểu và quyết tâm làm du lịch. Từ đó, đã định hướng và đầu tư khá bài bản và đầy sáng tạo. Lợi thế nữa là điểm đến lại nằm trong quần thể làng nghề, nơi có chợ nổi Ngã Bảy đang khôi phục để phát triển du lịch. Dọc hai bên bờ sông còn có nhiều vườn cây ăn trái cũng đang khai thác du lịch như Vườn dâu Thiên Ân và một số vườn trái cây khác cũng đang dần hình thành, hứa hẹn sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch Ngã Bảy trong thời gian không xa.
Ý tưởng của chủ nhân là sẽ liên kết để có thêm nhiều quà tặng để khách du lịch có thể mua về, thưởng thức nhiều món ngon và được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân với nhiều trải nghiệm như trồng rau, câu cá, tát mương…
Cần định hướng bài bản
Để xây dựng sản phẩm du lịch, ngoài ý tưởng và sự đầu tư, còn là tâm huyết của chính người thực hiện. Từ đó, yêu cầu đặt ra là người dân phải thích và tự làm du lịch. Một thực tế là thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tìm hiểu, tạo điều kiện cho một số hộ dân làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, việc mang lại thu nhập từ du lịch khó có thể nhanh chóng, đã làm nản lòng những hộ dân từng thích nhưng chưa thật sự say mê, nên không thể phát triển thành một sản phẩm du lịch đặc thù, dù các cấp, ngành, địa phương đã dành nhiều tâm huyết để tạo điều kiện và vun vén.
Sản phẩm cộng đồng này chưa phát triển như mong muốn, không có nghĩa là sẽ không có sản phẩm mới từ những ý tưởng mới, độc, lạ. Khi người dân hiểu, yêu thích và cùng làm du lịch, tin rằng Hậu Giang sẽ không thiếu những sản phẩm đặc sắc từ những sản vật của quê mình…
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy… bắt đầu hình thành những điểm có thể làm du lịch cộng đồng, với những sản phẩm là vườn trầu, vườn trái cây, trang trại nuôi dê… Từ đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm, định hướng bài bản từ những người có chuyên môn, nếu muốn sản phẩm du lịch được đầu tư, khai thác đúng hướng.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Khi thấy ở đâu manh nha làm được sản phẩm du lịch, chúng tôi trực tiếp khảo sát, định hướng và cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về làm du lịch, tạo điều kiện để tham quan những mô hình thành công. Những sản phẩm có tiềm năng sẽ được gợi ý, đề xuất để các địa phương nói riêng, tỉnh Hậu Giang nói chung, quan tâm, tiếp tục tạo điều kiện để phát triển”…
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)