Các nhà khoa học thuộc Đại học Cardiff (Anh) đã sử dụng hồ sơ y tế của 120.000 bệnh nhân ung thư có dùng aspirin liều thấp (1 viên/ngày) và 400.000 bệnh nhân không dùng aspirin. Đa số họ được chẩn đoán ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
Loại thuốc cực rẻ và "xưa như trái đất" aspirin hứa hẹn có thể là liệu pháp bổ sung cho bệnh nhân ung thư - ảnh: SHUTTERSTOCK
Kết quả vừa công bố trên tạp chí khoa học PLOS Medicine cho thấy nhóm dùng aspirin liều thấp giảm được tới 25% nguy cơ tử vong do ung thư đại tràng. Tỉ lệ này đạt đến 20% do ung thư vú và khoảng 15% đối với ung thư tuyến tiền liệt.
Tác dụng phụ đáng kể duy nhất của việc dùng aspirin hàng ngày là tình trạng xuất huyết dạ dày nhẹ gặp ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, tỉ lệ gặp rất ít và có thể khắc phục dễ dàng.
Giáo sư Peter Elwood, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết nghiên cứu vẫn cần được mở rộng và củng cố thêm, trước khi được sử dụng rộng rãi như một phương pháp điều trị bổ sung. Nhưng đó là một hướng đi rất đáng để theo đuổi. Không chỉ vì aspirin là một trong các loại thuốc rẻ tiền và phổ biến nhất thế giới mà việc dùng thuốc này ở liều thấp (1 viên/ngày) từng được các nghiên cứu khác chứng minh là giúp phòng ngừa bệnh tim, đột quỵ, thậm chí cải thiện chức năng tình dục.
Để hoàn tất nghiên cứu, nhóm khoa học gia Anh cũng đối chiếu dữ liệu từ 71 nghiên cứu khác và nhận được kết quả khả quan.
Các kết luận từ công trình nói trên phù hợp với một nghiên cứu công bố hồi năm 2016 của Đại học Harvard (Mỹ), theo dõi 136.000 người trong 32 năm và kết luận aspirin liều thấp đã giúp ngăn chặn tới 30.000 khối u, vì người dùng thuốc này hàng ngày giảm hẳn nguy cơ mắc ung thư nói chung. Riêng bệnh ung thư ruột, chỉ 6 năm dùng aspirin thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc đến 19%.