Sáng 10-7, tại buổi tọa đàm "Tiêm chủng vắc-xin an toàn - nâng cao nhận thức cộng đồng" do Báo Tuổi trẻ và Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, tổ chức bà Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết theo lộ trình, sẽ có nhiều loại vắc-xin mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Cho trẻ uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus. Ảnh: VNVC
Cụ thể, trong năm 2023, vắc-xin Rotavirus sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều tỉnh thành, sau đó sẽ triển khai trên toàn quốc vào năm 2024. Đây là vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ đầu tiên được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí.
Còn lại, 3 loại vắc-xin phòng bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa dự kiến được đưa vào tiêm chủng miễn phí lần lượt từ năm 2025, năm 2026 và năm 2030. Việc đưa thêm 4 loại vắc-xin vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội tiếp cận vắc-xin để phòng bệnh.
Các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay phòng được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiếm bao gồm: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, bệnh tả (vùng có nguy cơ cao) và thương hàn (vùng có nguy cơ cao).
Nói về việc kiểm soát chất lượng vắc-xin từ khi sản xuất đến nhập khẩu và sử dụng tiêm chủng, PGS-TS Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), khẳng định Cục Quản lý dược là đơn vị theo dõi chất lượng vắc-xin, cấp phép lưu hành, kinh doanh, kiểm soát thông tin, theo dõi phản ứng sau tiêm… cùng các đơn vị khác của bộ.
PGS-TS Lê Việt Dũng cho biết Bộ Y tế đang giải quyết tình trạng thiếu hụt vắc-xin
"Hệ thống quản lý an toàn vắc-xin của Việt Nam đang ở cấp độ 3, là cấp độ rất cao. Chúng ta chỉ thiếu 1 điểm để đạt cấp độ 4 như các nước phát triển là thiếu dược sĩ tại cửa khẩu nơi nhập khẩu vắc-xin"- ông Dũng nói.
Về việc thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng, ông Dũng cho hay do đặc thù từ khi có đặt hàng đến khi nhận được vắc-xin cần một thời gian, nên vẫn còn sự "lệch pha" giữa nhu cầu và cung ứng. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khác như: Mua sắm, sản xuất…
Với vắc-xin ngừa bệnh tay chân miệng, ông Dũng thông tin đã có đơn vị nộp hồ sơ đăng ký và đã được cơ quan chức năng đưa hồ sơ này vào nhóm ưu tiên để xem xét, cấp phép lưu hành.
PGS-Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết khi đưa vắc-xin vào cơ thể sẽ kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch, tạo ra những phản ứng như: Sốt, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn… Những phản ứng mạnh nhất thường xảy ra ngay trong vòng 30 phút sau tiêm, nên trong thời gian này cần được theo dõi ngay tại địa điểm tiêm chủng. Với phản ứng hiếm gặp, phản ứng nghiêm trọng thường xảy ra trong vòng 24 giờ, do đó người tiêm chủng không nên ở một mình và cần được cần tiếp tục theo dõi 24 giờ sau khi tiêm để nếu xảy ra phản ứng bất thường sẽ có người hỗ trợ, xử lý kịp thời